Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An. Thế nhưng, nét đẹp của văn hóa truyền thống độc đáo này đã và đang bị mai một bởi sự du nhập văn hóa mới và hơn hết là nhiều người dân đã không còn mặn mà giữ gìn vốn cổ của cha ông. Giờ đây, lên với miền đất của hương trầm, hương quế, của điệu lăm, khắp… người ta không còn nghe thấy âm vang của cồng chiêng, mà thay vào đó là những dòng nhạc mới ồn ào làm náo động cả núi rừng.
Bản làng vắng bóng cồng chiêng
Một ngày đầu năm, chúng tôi đến huyện miền núi Quỳ Châu, nơi được xem là vùng đất cổ của người Thái, để tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng. Theo hướng dẫn của người dân ở đây, chúng tôi tìm vào xã Châu Phong, một xã nằm trong vùng lõi của Quỳ Châu. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi đã thực sự thất vọng. Vẫn còn đây những ngôi nhà sàn nếp cổ, nhưng văng vẳng bên tai là các bản nhạc remix với chất giọng khàn đặc trưng của các ca sĩ nhạc thị trường, nhạc trẻ. Dưới chân cầu thang nhà sàn, một thanh niên đang ngồi lắc lư theo điệu nhạc. Khi chúng tôi hỏi về cồng chiêng, cậu ta cười to: “Bây giờ ai nghe cồng chiêng nữa. Thanh niên bản em ai cũng nghe nhạc trẻ, có nghe cồng chiêng cũng chỉ nghe vũ điệu cồng chiêng của ca sĩ Tóc Tiên thôi”. Ông Vi Đình Tiến, Trưởng bản Bua (xã Châu Phong), chia sẻ: “Gần 10 năm trở lại đây, đám trẻ không còn biết đến văn hóa cồng chiêng nữa. Trong bản, hầu như nhà nào cũng đã bán hết cồng chiêng để mua loa đài về nghe nhạc mới. Là trưởng bản, tôi cũng xót xa lắm, rồi đây các thế hệ con cháu sẽ không ai biết đến cồng chiêng nữa”.
Anh Vi Văn Huyền với bộ cồng chiêng duy nhất còn lại ở bản Bua (xã Châu Phong, Quỳ Châu)
Theo ông Tiến, hiện ở bản Bua chỉ còn một nhà giữ lại một bộ cồng chiêng, đó là nhà anh Vi Văn Huyền. Chúng tôi tìm đến nhà anh ngỏ lời muốn xem, anh nhận lời nhưng bảo phải đợi. Anh Huyền lụi hụi chui vào góc bếp, một hồi mới lôi ra một bộ cồng chiêng bám đầy tro bụi do lâu ngày không được sử dụng. Anh Huyền cho hay: “Đây là kỷ niệm bố tôi để lại, nhiều lần khó khăn quá tôi định bán đi để đóng tiền học cho con nhưng sau nghĩ lại đó là tài sản quý nhất còn lại mà ông bà, bố tôi để lại nên không bán. Trong bản ngày xưa nhà nào cũng có ít nhất một bộ cồng chiêng, nhưng sau này người ta bán hết rồi. Rời bản Bua, chúng tôi tìm đến bản Tóng 2 (xã Châu Phong). Ông Lương Văn Luật, Bí thư Chi bộ bản, phải ngồi nghĩ hồi lâu mới nhớ được trong bản chỉ còn một nhà giữ được cồng chiêng. Ông Luật đưa chúng tôi đến nhà ông Lương Văn Thắng. Ông Thắng cho biết: “Thú thật mấy năm nay cồng chiêng nhà tôi cũng không dùng đến, trẻ con trong bản giờ chỉ có nghe nhạc trẻ thôi. Còn chúng tôi già cả rồi, chỉ mong đến tết cổ truyền để đem cồng chiêng ra đánh cho đỡ nhớ thời xa xưa”.
Luyến tiếc giá trị của ông cha
Trước việc cồng chiêng đang “biến mất” khỏi đời sống văn hóa người Thái, một số nơi đã ra “quy chế” để cố giữ nét văn hóa này. Như tại xã Diên Lãm ra quy ước hạn chế bán cồng chiêng cũ. Theo đó, tất cả các hộ gia đình còn giữ được cồng chiêng phải bảo quản và đưa ra đánh trong các ngày lễ, tết. Nếu hộ gia đình nào quá khó khăn và muốn bán thì sau đó phải mua lại một bộ cồng chiêng mới (giá thường chỉ bằng 1/5 giá cồng chiêng cổ). Quy ước này tuy vẫn giữ được nét văn hóa cồng chiêng nhưng cũng chỉ là tạm thời và bất đắc dĩ. Bởi cồng chiêng cổ chất lượng và âm thanh tốt hơn rất nhiều so với cái mới. Bộ mới chỉ sử dụng được một thời gian ngắn sẽ bị “méo” tiếng, tiếng không trong và không hay như bộ cồng chiêng nguyên bản từ thời kỳ trước. Ông Trần Việt Đức, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳ Châu, cho biết: “Tại các ngày lễ, tết thì hầu hết các bản làng vẫn còn đánh cồng chiêng, tất nhiên là không được phổ biến như thời trước nữa. Hiện tại, huyện không có dự án nào để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa này nhưng Phòng Văn hóa huyện cũng như các xã vẫn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nét đẹp văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thái”.
Duy Cường