
Trong bài viết Phòng Công chứng số 4: Công chứng vẫn qua… “cò”! phản ánh một số trường hợp người dân bị “hành” khi đi công chứng, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Ung Thị Xuân Hương (ảnh), Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho biết:

Sau khi báo đăng, lãnh đạo Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trưởng phòng Công chứng số 4 kiểm tra, báo cáo cụ thể sự việc. Quan điểm của sở là sẽ xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các hồ sơ công chứng. Thời gian qua, lãnh đạo sở thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các phòng công chứng phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về công chứng, cải cách thủ tục hành chính, không gây phiền hà dân. Hiện chúng tôi đã triển khai đoàn thanh tra công vụ, tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các phòng công chứng. Qua thanh tra, sẽ chấn chỉnh, xử lý những yếu kém, tồn tại mà người dân phản ánh hoặc phát hiện qua công tác thanh tra.
* PV: Sau hơn 2 năm thực hiện Luật Công chứng và nhất là từ khi các văn phòng công chứng tư được Nhà nước cho phép hoạt động, tình trạng quá tải tại các phòng công chứng Nhà nước tuy có giảm, nhưng người dân vẫn “kêu” vì bị “hành”?
* Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG: Theo Luật Công chứng, hiện việc công chứng giao dịch không còn phụ thuộc vào phân chia địa hạt như trước kia, người dân có quyền đến bất cứ tổ chức hành nghề công chứng nào trên địa bàn TP để yêu cầu công chứng các giao dịch. Hiện TP có 7 phòng công chứng (Nhà nước) và 11 văn phòng công chứng (tư). Tính hiệu lực và giá trị pháp lý của các văn bản được công chứng đều giống nhau.
Tuy nhiên, do tâm lý của người dân vẫn còn nghi ngại về tính hiệu lực của các văn bản, tài liệu do văn phòng công chứng thực hiện, nên vẫn còn tình trạng tập trung công chứng ở các phòng công chứng Nhà nước cho yên tâm. Thực tế hiện nay đã có sự cạnh tranh giữa các phòng công chứng và các văn phòng công chứng nên tình trạng người dân bị “hành” khi đi công chứng đã giảm rất nhiều.
* Còn tình trạng “cò” hoạt động công khai tại các phòng công chứng Nhà nước?
* Đúng là vẫn còn tình trạng dịch vụ hoạt động tại các phòng công chứng. Đây là hoạt động dịch vụ pháp lý mà pháp luật không cấm. Vấn đề là hoạt động dịch vụ cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật và các quy trình giải quyết hồ sơ tại các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận tình trạng “cò” đã tiếp cận với người dân trước khi vào phòng công chứng để chèo kéo, hứa nhận làm các thủ tục công chứng.
Để ngăn chặn tình trạng trên, tại một số phòng công chứng đã công khai các số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ làm thủ tục và phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chứng viên. Đối với hoạt động dịch vụ pháp lý thì pháp luật không cấm, tuy nhiên để hạn chế tiêu cực, người dân có nhu cầu đi công chứng nên liên hệ trực tiếp với công chứng viên hoặc bộ phận hướng dẫn thủ tục của các phòng công chứng để được hướng dẫn, tránh mất tiền không đáng.
* Vấn đề là, người ta đã tạo ra những khó khăn về thủ tục để rồi muốn được giải quyết nhanh và ít “vướng” hơn, người dân phải qua dịch vụ?
* Nếu đúng như vậy thì không thể chấp nhận được. Báo chí phát hiện được trường hợp nào cụ thể, chúng tôi sẽ xử lý ngay. Hiện nhiều phòng công chứng chưa trang bị được thiết bị bấm số thứ tự, nên có tình trạng lộn xộn, người đến trước thì không được giải quyết trước. Vấn đề này chúng tôi sẽ xem xét, chấn chỉnh trong thời gian tới.
“Trên thực tế có nhiều trường hợp người dân chủ động biếu xén, quà cáp cho công chứng viên khi đã được giải quyết hồ sơ. Vấn đề này thì không có quy định của pháp luật, nhưng lợi dụng việc đó để đòi hỏi hoặc gây khó là chúng tôi nghiêm cấm và kiên quyết xử lý khi phát hiện. Do quy định của pháp luật có nhiều vấn đề chưa được thống nhất, nên có việc công chứng viên vận dụng trong giải quyết từng hồ sơ cụ thể. Nếu lợi dụng việc này để làm khó người dân nhằm vụ lợi, đều bị coi là hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực cần phải bị xử lý” – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Ung Thị Xuân Hương khẳng định. |
* Còn việc công chứng viên nhận tiền bồi dưỡng của dịch vụ mà người dân phản ánh, thưa bà?
* Việc công chứng viên nhận tiền bồi dưỡng để giải quyết nhanh hồ sơ là sai, cho dù dưới bất cứ hình thức nào. Trước kia, chúng tôi đã xử lý kỷ luật một số trường hợp công chứng viên nhận tiền của người dân. Nếu báo chí và người dân phát hiện được trường hợp nào thì hãy cung cấp thông tin, bằng chứng cụ thể, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý.
* Thực hiện giai đoạn 2 cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp đã đề ra những giải pháp gì?
* Hiện Sở Tư pháp đang triển khai giai đoạn 2 rà soát, đơn giản hóa những thủ tục hành chính gây phiền hà dân. Giai đoạn 1, chúng tôi đã thống kê được 42 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng. Hiện công tác rà soát đang được tiến hành với mục tiêu đơn giản hóa 30% thủ tục hành chính theo mục tiêu mà Đề án 30 đề ra.
Trước đó, lãnh đạo sở đã đề ra nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính nhằm hạn chế tình trạng gây phiền hà dân. Trong đó, đã tập trung chấn chỉnh về tổ chức bộ máy, con người và cơ sở vật chất tại các phòng công chứng. Hiện hầu hết các phòng công chứng đã được nâng cấp, xây mới, hiện đại hóa cho phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và sự cạnh tranh thu hút khách hàng giữa các phòng công chứng
HOÀI NAM (thực hiện)