Công cụ đổi chác!

Chỉ vài ngày nữa Quốc hội Mỹ nhóm họp lần đầu tiên sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để bàn về nhiều vấn đế quốc gia đại sự, theo dự báo sẽ không có thảo luận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới giữa Nga và Mỹ (START), một thỏa thuận được chính phủ hai nước mong đợi. Ngay sau khi đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện, họ đã đe dọa ngăn chặn việc thông qua START với lý do hiệp ước sẽ làm giảm khả năng phòng thủ bằng tên lửa của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đặt bút ký hiệp ước, nay có vẻ cũng thuận theo đảng Cộng hòa khi trong cuộc họp báo ngày 30-11, ngay sau cuộc gặp lãnh đạo hai đảng tại Quốc hội, ông nói hiệp ước rất quan trọng nhưng giảm thuế cho thành phần trung lưu Mỹ là vấn đề ưu tiên hơn.

Đây là lời khẳng định bóng gió rằng Hiệp ước START sẽ bị hoãn xem xét vô thời hạn bởi vấn đề sống còn của nước Mỹ hiện nay là kinh tế vẫn hồi phục mong manh, thất nghiệp vẫn giữ nguyên 9,6%, thu nhập người lao động giảm sút dẫn đến hạn chế chi tiêu và không thúc đẩy được sản xuất.

Mặt khác, ông Obama hy vọng thỏa hiệp trì hoãn START với đảng Cộng hòa, ông sẽ nhận được sự ủng hộ của họ trong những dự luật khác như cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu (đảng Cộng hòa yêu cầu giảm thuế cho tất cả, kể cả các nhà tư bản). Trong khi mới 10 ngày trước đó, trong diễn văn hàng tuần, Tổng thống Obama đã hối thúc Quốc hội Mỹ phê chuẩn START.

Dư luận ủng hộ Hiệp ước START tỏ ra khá thất vọng về việc này. Tác giả Daniel Larison trong bài bình luận đăng trên báo the Week cho rằng, thất bại của START sẽ cho thấy khả năng thực hiện chính sách ngoại giao của nước Mỹ đã bị yếu đi một cách đáng kể. Ngoài ra, nó cũng tạo nghi ngờ khả năng ông Obama giành được sự ủng hộ trong nước đối với những hiệp định mà ông sẽ ký trong tương lai.

Và số phận của Hiệp ước START sẽ cho thế giới thấy rằng, mỗi ưu tiên của chính quyền, bất kể nó là gì sẽ bị đảng đối lập phong tỏa. Điều này cũng tạo ra tình trạng chính phủ một số nước quyết định chờ đến 2 năm nữa, sau kỳ bầu cử tới mới đặt những hiệp ước quan trọng lên bàn đàm phán với Mỹ.

Tác giả Daniel cho rằng, Tổng thống Nga đã đặt cả sự nghiệp chính trị của ông vào Hiệp ước START, sự thất bại của START sẽ làm ông khó xử, vì vậy, các nhà lãnh đạo khác sẽ không muốn đặt họ vào những rủi ro như thế và sẽ rất dè dặt khi đề cập đến các vấn đề nhạy cảm với Mỹ.

Nhưng đây không phải lần đầu Tổng thống Mỹ ký một hiệp ước quốc tế, sau đó bị vô hiệu hóa tại Quốc hội, để mặc cho Tổng thống thanh minh với thế giới. Điển hình nhất là vụ Tổng thống Bill Clinton ký Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 1998, nhưng Quốc hội Mỹ không phê chuẩn và đến nhiệm kỳ của Tổng thống G.W Bush, nước Mỹ tuyên bố rút lại. Cho đến hôm nay, Nghị định thư Kyoto đã sắp hết hiệu lực mà nước Mỹ vẫn đứng ngoài nghị định.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích đảng Cộng hòa đã chính trị hóa một vấn đề an ninh của nước Mỹ. Thực tế họ đã dùng START như một sự đổi chác hơn là đánh giá đúng bản chất của hiệp ước.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong buổi trả lời phỏng vấn của Đài tiếng nói nước Nga nói rằng, rất tiếc một số nghị sĩ Mỹ đã sử dụng vấn đề này để phục vụ chính trị nội bộ mà lơ đi trách nhiệm đối với thế giới. 

VIỆT KHOA

Tin cùng chuyên mục