Nhiều năm qua, những hộ dân sống trong rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) luôn thua thiệt khi muốn bán cây tràm, buồng chuối... đều thấp giá hơn so với bên ngoài bởi hệ thống cống đập ngăn cản không cho ghe lớn vào được. Dân xứ U Minh Hạ cho rằng, chính các cống đập đã “ngăn sông cấm chợ” làm cho dân bán sản phẩm làm ra với giá rẻ mạt, còn mua lại những thứ khác với giá cao.
Bán rẻ, mua mắc
Những ngày này trời nắng như đổ lửa, nhưng tại bãi tập kết cừ tràm ở đầu kênh Năm Dương (xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có nhiều người vẫn miệt mài khuân vác từng cây tràm qua đập. Tại bãi tràm này, phần lớn là những người đàn ông trung niên làm việc. Dừng lại ít phút, ông Lê Văn Thọ (người vác tràm thuê) nói: “Tôi làm nghề này đã hơn 2 năm. Nghề này nặng nhọc nhưng tại địa phương không có việc gì làm ra tiền, nên đành đi vác tràm thuê…”. Theo ông Thọ, khi vác tràm qua các con đập thì ăn trên đầu cây. Tùy theo loại cây và khoảng cách đoạn đường xa gần mà có giá khác nhau, trung bình giá từ 800-1.000 đồng/cây. Một người vác tràm một ngày thu nhập khoảng 120.000 đồng.
Tương tự, tại bãi tập kết tràm đầu kênh 18 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cũng có nhiều công nhân vác tràm qua đập. Ở kênh này dù có trang bị cầu kéo (thường gọi là cảo để kéo cây lên) nhưng các ghe thu mua tràm vẫn không chịu qua đập. Nguyên nhân do trọng lượng ghe trở tràm lớn, cầu kéo không cảo qua nổi. Vì vậy, người dân U Minh Hạ muốn vận chuyển cây tràm ra bên ngoài bán phải thuê người vác qua các con đập. Tình trạng này cũng diễn ra nhiều nơi khác trên địa bàn rừng tràm U Minh Hạ.
Người dân U Minh Hạ bán tràm rẻ so với bên ngoài do phải “gánh” chi phí vận chuyển qua đập.
Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy trong rừng tràm U Minh Hạ được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, khi xây dựng cống giữ nước đã phát sinh những bất cập. Các cống có khẩu độ nhỏ và cạn, nên ghe lớn không thể vào vận chuyển lâm sản được. Chính vì bị “ngăn sông cấm chợ” này, làm cho người dân sống trong rừng U Minh Hạ chịu thiệt. Tại đây, khi họ sản xuất cây tràm, lúa, chuối... đều bán thấp hơn bên ngoài. Trong khi đó, nếu mua các thứ cần thiết thì cao hơn bên ngoài. Ông Võ Thanh Tuấn, ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh phản ánh: “Do hệ thống cống hẹp khiến xuồng ghe đi lại khó khăn, nên thương lái không chịu vào mua lúa, mua tràm…”. Là một thương lái đã mua tràm lâu năm ở rừng U Minh Hạ, ông Châu Minh Tâm, phân tích: “Trung bình tôi thuê người dân vác tràm qua mỗi con đập tốn 1.000 đồng/cây, nên phải mua giá tràm của dân thấp hơn để bù vào chi phí. Nếu không có đập thì không mất tiền thuê công nhân và người dân sẽ bán tràm giá cao hơn. Cụ thể, một cây tràm (loại cừ 4) mua trong dân giá 6.000 đồng/cây, khi vận chuyển ra khỏi rừng bán với giá 10.500 đồng/cây... Điều này cho thấy chi phí thuê khai thác, vận chuyển lâm sản của dân ra khỏi rừng chiếm gần 1/2 giá thành...”.
Dân mong sớm xóa “ngăn sông cấm chợ”
Cùng với cây tràm thì hiện nay ở U Minh Hạ có rất nhiều người dân, doanh nghiệp trồng keo lai đã bắt đầu tới chu kỳ khai thác. Cây keo lai có sản lượng gỗ cao (khoảng 250 tấn/ha), vì vậy hàng ngàn hécta keo lai sắp được khai thác tới đây nếu vẫn bị “ngăn sông cắm chợ” kiểu này thì chi phí “qua đập” sẽ rất tốn kém. Ông Nguyễn Văn Quang, ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết: “Gia đình có 2ha cây keo lai gần đến ngày thu hoạch, nhưng ở đây họ mua thấp quá chỉ 600 đồng/kg, trong khi tại nhà máy họ mua đến 1.200 đồng/kg, bởi tốn kém khá lớn của việc vận chuyển”. Cũng theo ông Quang, hiện nay phần lớn thanh niên trong vùng đã đi làm thuê cho các nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương, TPHCM... nên nhân công vác tràm ngày càng khan hiếm.
Trước những bất cập trên có doanh nghiệp đề xuất xây dựng âu thuyền hoặc cẩu trục tại một số điểm chính xung quanh rừng tràm U Minh Hạ để “giải phóng” sức lao động bằng tay chân. Ông Châu Quốc Khải, Giám đốc Công ty TNHH-XNK-SXCB Gỗ Cà Mau, cho biết từ năm 2012, công ty đã có tờ trình gửi đến lãnh đạo tỉnh Cà Mau xin chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng cẩu trục hoặc âu thuyền phục vụ vận chuyển hàng hóa của người dân từ trong rừng ra ngoài, nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển. Nhưng đến nay đề xuất của công ty vẫn chưa được chấp thuận. Theo ông Khải, nếu vận chuyển 1 tấn cây keo lai, tràm nguyên liệu qua 1 cái đập, người dân mất hơn 100.000 đồng tiền công, trong khi được cẩu trục qua đập chỉ khoảng 20.000 đồng. Ngoài ra, vận chuyển bằng cẩu trục thời gian nhanh hơn, công suất bốc dỡ nhiều hơn.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, cái khó của dân trong việc vận chuyển lâm sản, hàng hóa... ở U Minh Hạ thì tỉnh đã thấy. Hiện UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở NN-PTNT và các ngành liên quan nghiên cứu xây dựng âu thuyền hoặc cẩu trục. Và đồng ý giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ nghiên cứu thực hiện. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, nói: “Đơn vị đang thuê tư vấn nghiên cứu phương án xây dựng cẩu trục như thế nào hợp lý, sau đó, sẽ cho triển khai thực hiện. Trước mắt, xây dựng các cẩu trục ở những điểm chính để rút kinh nghiệm; sau khi thực hiện hiệu quả sẽ phát triển thêm nhiều nơi khác…”.
CHÁNH NGỌC