Công đoàn Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm có chính sách “Tam ngư”

Trong báo cáo đề xuất quy chế phối hợp giữa tổ chức công đoàn và Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm có chính sách đặc thù về “Tam ngư” của Việt Nam.

Ngày 31-1, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã ký văn bản số 332 báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong năm 2022, đồng thời nêu ra hàng loạt đề xuất cho năm 2023 giữa Chính phủ và Công đoàn Việt Nam.

Trong báo cáo này, tổ chức đại diện của Công đoàn Việt Nam cho biết, Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017, sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4-11-2020.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, bên cạnh huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, cần bố trí thêm ngân sách nhà nước để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. “Có cơ chế cho phép doanh nghiệp có đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để chính công nhân, lao động của doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua, góp phần an cư lạc nghiệp”, báo cáo nêu.

Tổ chức công đoàn đã đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan. Nhưng trước mắt, khi chưa sửa đổi các luật, đề nghị Chính phủ giao Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để giải quyết kịp thời những vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của luật.

Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, lồng ghép một phần nội dung của Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vào Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ, nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp do Bộ Xây dựng chủ trì.

Cũng trong báo cáo này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù về “Tam ngư” (bao gồm ngư trường - ngư dân - ngư nghiệp) để thực hiện Nghị quyết 36 - NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Trong đó coi ngư dân khai thác hải sản trên biển là trung tâm, vừa khai thác phát triển kinh tế thủy sản, vừa góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Công đoàn Việt Nam cho rằng, theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì hiện nay mỗi tàu cá ra khơi sẽ được hỗ trợ tiền dầu tối đa 4 chuyến biển/năm (mỗi chuyến đi ra khơi xa tối thiểu phải từ 15 ngày trở lên và đáp ứng các yêu cầu khai thác hợp pháp). Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét tăng số lượng chuyến biển hỗ trợ cho ngư dân từ 6-8 chuyến/năm, mục đích nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển, đồng thời tăng sự hiện diện trên biển của đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá nói riêng và ngư dân nói chung.

Đáng chú ý, trong báo cáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: “Trước diễn biến tình hình Biển Đông và chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp (IUU), đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm soát, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân khi ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền”.

Tin cùng chuyên mục