Công khai đúng nợ xấu

Công khai đúng nợ xấu

(SGGPO).– Sáng nay, 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.

Phải công khai đúng nợ xấu

Đa số các đại biểu cho rằng, báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ đã nhận định đúng tình hình hiện nay, nhìn rõ những thách thức khó khăn và quyết tâm tạo sự chuyển biến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, báo cáo vẫn còn chung chung, chưa phân tích sâu những vấn đề nổi lên của nền kinh tế. 

Thảo luận tại tổ TPHCM. Ảnh: MINH ĐIỀN

Thảo luận tại tổ TPHCM. Ảnh: MINH ĐIỀN

Tại tổ TPHCM,  đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ ước tính GDP đạt 5,2% trong năm 2012 nhưng sẽ rất khó, vì quý 4 phải đạt 5,6 - 5,7% trở lên thì mới đạt tới con số này. “Chắc GDP năm 2012 chỉ đạt 5 - 5,1%”, ông Trần Hoàng Ngân nói. Hiện kinh tế thế giới vẫn ở trong tình trạng suy thoái kép, vì vậy tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta.

“Theo thông lệ, kinh tế Việt Nam quý sau thường tăng trưởng hơn quý trước nhưng chúng ta đang ở giai đoạn cực khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi. Số doanh nghiệp (DN) giải thể vẫn tăng. Tổng vốn đầu tư xã hội chỉ đạt khoảng 30% GDP. Điều đó thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách của Chính phủ có suy giảm, họ chưa dám đầu tư mà chờ đợi động thái tiếp theo của Chính phủ về chính sách”, đại biểu Ngân phân tích.

“Tăng trưởng quý sau hơn quý trước đã là thông lệ, không phải là dấu hiệu chuyển biến của nền kinh tế. Lạm phát giảm, liệu có phải do kiềm chế thành công hay là lực cầu bị suy kiệt. Phải chăng Chính phủ thiếu thông tin?”, đại biểu Ngân đặt vấn đề.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ thảo luận. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ thảo luận. Ảnh: MINH ĐIỀN

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, các tổ chức thế giới đều dự báo 2013 tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn năm 2012, nhiều khả năng có thể đạt 5,5% nếu có giải pháp tốt. “Cần giải quyết nợ xấu, đó là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Chính phủ cần tập trung, xem nợ xấu là điểm cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để giải quyết. Phải thanh lọc toàn bộ các ngân hàng yếu kém, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), năm 2012, trong 5 tiêu chí không hoàn thành, có một tiêu chí rất quan trọng đó là đầu tư xã hội, cần phải tập trung phân tích điều này. Đó là sự đầu tư vốn liếng của toàn xã hội vào làm ăn, kéo theo GDP, việc làm đều không đạt. Vì sao đầu tư xã hội không đạt? Đó là do nền kinh tế suy yếu, bệnh tật.

“Năng lực hấp thụ của nền kinh tế kém đi, sự điều hành của Chính phủ vẫn chưa có chuyển biến. Nợ xấu, tồn kho gia tăng-đây là 2 căn bệnh lớn nhất”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói. Ông cho rằng, từ kỳ họp trước đến kỳ họp này, chưa thấy các Bộ ngành có giải pháp gì sáng tạo để chuyển biến tình hình, “nợ xấu chẳng hạn, chưa chuyển biến; vốn vay cho DN vẫn khó; tái cơ cấu chưa thấy đâu”, đại biểu Nghĩa bức xúc. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vì đó là lực lượng vô cùng quan trọng cho nền kinh tế. Đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, vì đó là chỗ tựa vững chắc cho nền kinh tế. Đầu tư cho nông nghiệp sẽ thúc đẩy được xuất khẩu.

Đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ nhận định tình hình đúng, nhưng thiếu phân tích. “GDP quý sau tăng hơn quý trước, hàng tồn kho giảm đi là đúng, nhưng thiếu phân tích. Năm 2012 tích tụ tất cả những yếu kém, khó khăn suốt từ 2008 đến nay. Trong suốt 5 năm qua, tất cả những khó khăn của Chính phủ chỉ là tập trung xử lý những tình thế, chưa giải quyết được căn cơ, ví dụ nguồn gốc của nhập siêu, lạm phát, mất giá đồng tiền. Vì vậy, 2011, áp dụng tất cả những biện pháp giảm lạm phát thì chỉ là giọt nước tràn ly, dẫn đến 2012 lạm phát giảm nhưng GDP giảm, và lạm phát có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. Giảm nhập siêu là vì cầu giảm, nếu cầu tăng thì nhập siêu sẽ tăng, nên mục tiêu thì đạt được nhưng không bền vững”, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn nói.

Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: MINH ĐIỀN
Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: MINH ĐIỀN

Theo đại biểu Trần Du Lịch, năm 2012 nền kinh tế còn trì trệ nhưng sẽ tăng hơn 2012. “Thông điệp của Thủ tướng đưa ra là rất rõ ràng, phải gắn tăng trưởng với tái cơ cấu nền kinh tế. Phải đột phá 3 điểm: thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng; gắn giải pháp tình thế với dài hạn. Vấn đề hiện nay là làm sao có thị trường để khai thác hết tiềm năng đã có”, đại biểu Trần Du Lịch phát biểu. Ông kiến nghị: Không thể kích cầu như 2009, nhưng đừng sợ lạm phát quay lại mà siết cầu. Đừng để DN vì thiếu vốn lưu động mà phá sản, không trả được nợ. Hiện xi măng, sắt thép đang dư, nếu địa phương nào có nhu cầu làm đường xã hội hóa thì Nhà nước cấp xi măng, thép cho dân làm”.

Riêng về hỗ trợ lãi suất, giải quyết nợ xấu, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị các ngân hàng phải có trách nhiệm rõ ràng với xã hội, công khai số nợ xấu thực chất là nợ gì, nợ bao nhiêu. Quốc hội cũng phải chất vấn làm rõ vấn đề này. “Các ngân hàng thương mại phải lập quỹ dự phòng để giải nợ xấu, không có chuyện nợ xấu tăng mà lương thưởng tại các ngân hàng vẫn cao. Ngân hàng nào giấu nợ xấu phải chế tài nghiêm. Nên hỗ trợ các DN có thị trường, có điều kiện, nếu có nợ xấu vẫn cho họ vay để tiếp tục phát triển”, đại biểu Lịch nói.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, đã có biện pháp, chính sách, nhưng nếu làm không tốt thì hiệu quả vẫn sẽ kém. Vì vậy, ông đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu. Ủy ban này soạn ra thể chế về tái cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, vì kinh nghiệm thế giới cho thấy, không có ngân hàng nào tự mình giải quyết việc tái cơ cấu, nợ xấu. “Nếu làm không tốt thì không thể tái cơ cấu kinh tế, lấy lại niềm tin của thị trường cũng như tiếp tục đẩy các DN vào con đường phá sản, giải thể. Cần phải có những giải pháp cụ thể. Nếu kỳ họp này mà QH không quyết được các giải pháp cụ thể thì năm 2013 chưa thể có chuyển biến”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Hàng lọat các vấn đề xã hội cũng được các đại biểu đề cập như tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay rất đáng báo động. Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, bảo quản thực phẩm diễn ra tràn lan mà cơ quan quản lý chưa có biện pháp ngăn chặn. Đó là nỗi lo lắng thường nhật của người dân.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cân đối các nguồn lực để bảo đảm việc tăng lương trong năm 2013, nếu chưa đủ điều kiện tăng cho tất cả các đối tượng hưởng lương thì nên ưu tiên tăng cho người nghỉ hưu, đối tượng chính sách; kiểm soát giá chặt chẽ để không biến động giá.

Không sử dụng dự trữ quốc gia để bình ổn giá

Chiều 24-10, Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Dự trữ quốc gia. Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Phùng Quốc Hiển trình bày tại phiên họp, dự Luật đã được chỉnh lý theo hướng thu hẹp mục tiêu của Dự trữ quốc gia, chỉ giữ mục tiêu: “Đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước”. Như vậy, mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia để bình ổn giá đã không được giữ lại trong dự luật.

Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý huy động nguồn lực cho Dự trữ quốc gia, dự thảo quy định: dự trữ quốc gia được hình thành từ ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định và nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung nguồn lực Dự trữ quốc gia từ tài nguyên thiên nhiên, tiền, ngoại tệ, vàng và kim loại quý, đặc biệt là vàng – được coi là một phương tiện dự trữ linh hoạt. Tuy nhiên, qua cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không dự trữ bằng tiền. “Việc dự trữ tài nguyên khoáng sản hiện nay đã được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản; dự trữ vàng, ngoại tệ đã được điều chỉnh bởi Pháp lệnh ngoại hối, do đó, quy định trong Luật này sẽ dẫn đến trùng lắp”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển giải thích thêm.

Về mua, bán hàng Dự trữ quốc gia, để phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm tính minh bạch, công khai và lợi ích nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan… dự luật được chỉnh sửa theo hướng chỉ áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các trường hợp liên quan đến bí mật quốc gia, trường hợp do tính chất cấp bách, thời vụ, thời điểm không thể áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thống nhất thu hẹp mục tiêu Dự trữ quốc gia, nhưng cần quy định rõ khái niệm “các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước”.  Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) có cùng quan điểm này: “Nhiệm vụ đột xuất, cấp bách là những nhiệm vụ nào? Ai có thẩm quyền xác định? Phải nêu ngay vào luật, nếu không sẽ có sự vận dụng tuỳ tiện”.

Đồng tình cao với chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Dự trữ quốc gia, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị quy định cụ thể hơn một số chính sách ưu đãi về mặt bằng xây dựng kho dự trữ, thuế xuất nhập khẩu các thiết bị bảo quản hàng hóa lưu trữ… Theo đại biểu Hoàng phản ánh, vừa qua đã có tình trạng một số kho Dự trữ quốc gia bị rò rỉ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh. Do đó, cần bổ sung quy định về bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng Dự trữ quốc gia như hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu…

Cần thành lập Ủy ban giải quyết nợ xấu

Trả lời PV Báo SGGP bên lề kỳ họp Quốc hội, TS Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng cách giải quyết nợ xấu hiện nay của Chính phủ chưa có tác dụng.

TS Trần Hoàng Ngân

TS Trần Hoàng Ngân

- Phóng viên: Theo ông, cách giải quyết nợ xấu vừa qua của Chính phủ đã trúng chưa?

>> TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Phải hiểu rằng giải quyết nợ xấu không phải là giải quyết cho hệ thống ngân hàng thương mại mà là giải quyết cho cả nền kinh tế. Đó là quan điểm cần sự đồng thuận hiện nay. Giải quyết nợ xấu giống như cắt được khối u trong cơ thể, một điểm nghẽn trong thực hiện chính sách. Chỉ khi tháo được điểm này mới lưu thông tiền tệ, hàng hóa, mới triển khai được các ý đồ chính sách của Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, khi nền kinh tế suy giảm, Chính phủ muốn giảm sâu lãi suất nhưng không giảm nổi, ngược lại các ngân hàng thương mại còn đua nhau cạnh tranh lãi suất, tất cả cũng chỉ vì cục nợ xấu. Cho nên chúng ta phải chấp nhận tập trung toàn bộ trí tuệ, tài lực để dồn sức cho việc giải quyết bài toán nợ xấu này.

- Nói như ông thì cách giải quyết nợ xấu hiện nay của Chính phủ chưa hiệu quả?

Đúng là chưa hiệu quả. Nếu cứ giao cho ngân hàng, họ sẽ không làm được, vì nếu xử lý được nợ xấu họ đã xử lý rồi. Mấu chốt là tài sản cầm cố, thế chấp hiện nay đã được định giá quá cao, thứ hai là không có tính thanh khoản. Đó là điểm tắc. Bây giờ phải có vốn mồi, phải có người đứng ra độc lập để xử lý nợ xấu, cứu nền kinh tế. Để giải quyết nợ xấu, chúng ta phải hình thành một ủy ban giải quyết nợ xấu. Ủy ban phải có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an…

- Theo ông, xử lý nợ xấu cần những bước đi nào?

Đầu tiên là phải định lượng được nợ xấu lớn bao nhiêu, chồng chéo thế nào. Như vậy, phải “chụp cắt lớp”, thanh tra toàn bộ hệ thống nợ xấu. Phải có ủy ban độc lập để làm việc đó. Tiếp đến, phải đánh giá tài sản thế chấp, cầm cố bảo đảm cho khối nợ xấu này là bao nhiêu. Trong quá trình đánh giá đó, có thể dẫn đến việc phải phát mãi khối tài sản cầm cố này. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc phát mãi này vô cùng khó khăn, vì phần lớn tài sản cầm cố là bất động sản, mà thị trường này hiện đang đóng băng. Vậy nên phải có một số vốn mồi, ứng trước để “trùm” nó lại, tách qua một bên, chờ 1 - 2 năm nữa, khi nền kinh tế phục hồi, chúng ta sẽ bán đi để thu hồi vốn ứng trước.

Nhưng trên hết là phải thực hiện xử lý thiệt hại. Thiệt hại chính là chênh lệch giữa dư nợ và tài sản phát mãi. Những ngân hàng nào mất vốn, giảm vốn, Chính phủ tiến hành sáp nhập, quốc hữu hóa, góp phần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công. Ngoài ra, lấy từ vốn tự có từ người đi vay, họ phải chịu trách nhiệm liên đới để bù đắp cho thiệt hại này. Khi đó, với những ai có sự thổi phồng, lừa đảo thì sẽ bị xử lý. Làm được như vậy, chúng ta vừa góp phần tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, các tập đoàn - doanh nghiệp nhà nước một cách nhanh chóng hơn, rõ ràng hơn. Anh nào đáng phải giải thể, sáp nhập hay cổ phần hóa đều sẽ rõ ràng. Chúng ta sẽ phân biệt được trắng - đen, xấu - tốt, ngân hàng nào đáng tồn tại, ngân hàng nào đáng sáp nhập. Đó là yêu cầu của quá trình giải quyết nợ xấu.

- Nếu làm như vậy phải mất bao nhiêu thời gian để xử lý vấn đề này?

Khi chúng ta làm vậy không có nghĩa là nền kinh tế phải ngừng lại. Tất cả vẫn đang phải như một dòng chảy, chỉ là chúng ta tách khối nợ xấu qua một bên để xử lý. Thời gian để làm việc này rất dài, nhưng để giải tỏa điểm nghẽn này, có thể phải đến hết quý 2-2013 mới có thể thực hiện được.

Phan Thảo thực hiện

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục