Công Lý muốn lấy nước mắt khán giả

Nổi tiếng với những vai hài, đặc biệt được khán giả truyền hình nhớ đến với vai cô Đẩu trong chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm, song giờ đây, khi ở tuổi ngoại tứ tuần, Công Lý (ảnh) bỗng dưng xuất hiện với hàng loạt các vai chính diện trên truyền hình, hiền lành, bi nhiều hơn hài. Anh mong muốn xây dựng hình ảnh đa sắc chứ không chỉ là cô Đẩu đồng bóng, chọc cười thiên hạ.
Công Lý muốn lấy nước mắt khán giả

Nổi tiếng với những vai hài, đặc biệt được khán giả truyền hình nhớ đến với vai cô Đẩu trong chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm, song giờ đây, khi ở tuổi ngoại tứ tuần, Công Lý (ảnh) bỗng dưng xuất hiện với hàng loạt các vai chính diện trên truyền hình, hiền lành, bi nhiều hơn hài. Anh mong muốn xây dựng hình ảnh đa sắc chứ không chỉ là cô Đẩu đồng bóng, chọc cười thiên hạ.

* Phóng viên: Gần đây, khán giả truyền hình thấy Công Lý đang có những thay đổi từ các vai diễn hài quen thuộc hóa thân vào những vai bi kịch. Phải chăng anh muốn thay đổi hình ảnh của mình?

* NSƯT CÔNG LÝ: Đúng là trước đây tôi có cách diễn, cách thể hiện các nhân vật khác hẳn. Gần đây tôi hay vào các vai hoàn toàn bi kịch. Tôi muốn thử xem mình có trụ được với loại vai bi kịch. Ở tuổi ngoài 40, tôi cũng già rồi, làm sao mà lưu manh, lấc cấc được. Thêm nữa, lấy được nụ cười của khán giả đã khó, nhưng lấy được nước mắt của khán giả còn khó hơn nhiều. Đó là lý do tôi muốn thử thay đổi.

Công Lý muốn lấy nước mắt khán giả ảnh 1

NSƯT Công Lý

* Vào vai một nông dân hiền lành, chất phác trong phim chính luận mới về nông thôn mang tên “Bão qua làng” có phải là thử thách với anh?

* Vai diễn nông dân trong phim Bão qua làng là nhân vật có đời sống và tâm lý khác hẳn với những vai trước đây tôi đã làm. Bề ngoài hai vợ chồng nông dân Lận - Đận cố gắng vươn lên làm giàu và bị thế lực ở địa phương dồn ép, cướp hết thành quả lao động. Bên ngoài của vai diễn anh nông dân Đận cũng là người dí dỏm, vui vẻ, nhưng khi bị chèn ép đã vùng lên giành lấy hạnh phúc, thành quả lao động của mình. Đây là vai nhiều bi kịch bên trong, trên hình thức dí dỏm bên ngoài, là điều tôi thấy thú vị khi tham gia nhân vật.

* Anh có khó khăn gì khi thay đổi hình ảnh như vậy không?

* Để hóa thân vào dạng nhân vật nào thì người diễn viên phải nghiên cứu tâm lý nhân vật. Chuyển từ dạng nhân vật hài sang bi, cá nhân tôi không có khó khăn gì. Vấn đề là thể hiện như thế nào để vai diễn mang lại sự thú vị: bề ngoài là một anh nông dân lam lũ, có thể gọi là sở trường của tôi, nhưng đoạn tâm trạng, bi kịch thì tôi cảm thấy nó rất gần gũi với mình, khi tôi diễn, được các bạn diễn, đạo diễn rất hài lòng. Chính điều đó, hy vọng với nhân vật này khán giả cũng sẽ cảm thấy thú vị với nhân vật của tôi nói riêng và bộ phim nói chung. Thêm nữa, dù tôi nổi tiếng với những vai diễn hài nhưng danh hiệu NSƯT được phong tặng lại nhờ những vai diễn chính kịch trên sân khấu.

* Có một thực tế, trước đây, phim đề tài nông thôn rất hay, rất thu hút khán giả nhưng càng làm càng bị nhạt. Theo anh, vì sao phim về đề tài nông thôn ngày càng thiếu vắng trên truyền hình?

* Nói về sự thu hút khán giả với tác phẩm, tôi không nghĩ là nông thôn hay TP, cái mà khán giả quan tâm là câu chuyện, kịch bản, cách xử lý của đạo diễn, sự nỗ lực làm việc của nghệ sĩ, diễn viên. Nếu hội tụ đủ các yếu tố đó thì sẽ vẫn thu hút khán giả. Việc thiếu vắng các tác phẩm có đề tài nông thôn theo tôi phần lớn là do thiếu kịch bản. Chúng ta vẫn nghĩ làm về TP, nhà lầu xe hơi thì dễ đẹp, nhưng chỉ là mãn nhãn nhất thời thôi. Cái chính của một bộ phim vẫn là kịch bản, câu chuyện ở giai đoạn này vấn đề nào nổi cộm.

* Gần đây có những bộ phim mang danh phim 18+ tung lên mạng, thu hút khán giả không phải là kịch bản, là diễn viên tốt, cảnh quay đẹp mà là sự hở hang, xác thịt. Anh nghĩ thế nào về điều đó?

* Vấn đề là người ta quan niệm thế nào là 18+. Những người làm ra sản phẩm ấy nhằm mục đích gì, có làm vì muốn được cho khán giả cảm xúc thẩm mỹ không hay là thứ thô thiển, tục tĩu. Cũng có những bộ phim có những cảnh nóng, nhưng nó làm cho người xem thấy đẹp thì đó là tác phẩm nghệ thuật, chứ không nhất thiết cảnh nóng là bị coi là tác phẩm không thuần phong mỹ tục. Còn với những cách làm phim chỉ mong câu khách bằng sự dung tục, hở hang thì sớm muộn khán giả cũng sẽ quay lưng.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục