Tham nhũng vốn từ lâu đã được xem là lực cản lớn đối với sự phát triển của kinh tế Thái Lan. Như nhiều nước đang phát triển khác, tình trạng nhận hối lộ rất phổ biến ở quốc gia này. Một cuộc khảo sát của tổ chức Minh bạch quốc tế cho thấy, 1/4 người Thái Lan thừa nhận phải chi tiền lót tay ít nhất một lần một năm. Bangkok Post mới đây cũng vừa công bố một điều tra khiến không ít người phải băn khoăn khi có đa số doanh nhân thừa nhận phải lót tay ít nhất 30% tổng trị giá hợp đồng cho các quan chức nếu muốn thắng thầu.
“Tình trạng tham nhũng tiến gần đến mức báo động cao” cũng là cảnh báo của nhiều tờ báo Thái đối với chính phủ. Trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng quốc tế CPI hồi năm ngoái, Thái Lan đứng ở hạng 80, trong số 178 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 2 bậc so với năm 2010. Trước đây, để tố cáo tham nhũng, người dân Thái sử dụng các phương tiện như đường dây nóng qua điện thoại, trung tâm tiếp dân. Ủy ban Chống tham nhũng Thái Lan (PACC) cho biết họ nhận trung bình khoảng 4.000 tố cáo hàng năm nhưng dư luận cho rằng con số này quá ít. Để mở rộng kênh chống tham nhũng, ứng dụng di động Bribespot ra đời giúp người dân dễ dàng tố cáo tham nhũng chỉ bằng các thao tác rất đơn giản. Ứng dụng do một người Lithuania sống ở Đức soạn ra cho phép bất cứ ai có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối internet có thể xác định mình đã đưa hối lộ ở đâu, cho ai, và bao nhiêu. Những tố cáo này sau đó được đưa lên mạng và lập thành bản đồ để giới chức trách theo dõi, kiểm chứng và lập kế hoạch bài trừ.
Phó Tổng thư ký PACC Prayong Preeyachitt nhận định những sáng kiến như Bribespot có tác dụng chống tham nhũng: “Đó là cách sử dụng tốt công nghệ để giúp giải quyết vấn đề tham nhũng. Ứng dụng này rất hữu ích cho công việc của chúng tôi và Thủ tướng ủng hộ dự án này”. Tính hiệu quả tiềm năng của ứng dụng Bribespot chưa được kiểm chứng nhưng bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của dư luận. Việc Chính phủ Thái Lan đồng ý đưa Bribespot vào kênh thông tin chống tham nhũng được cho là nằm trong nỗ lực góp phần xây dựng lòng tin ở công chúng, vốn có không ít người cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Thủ tướng Yingluck không hiệu quả. Sau Bribespot, Chính phủ Thái đã đưa thêm một kênh chống tham nhũng là trang web OAG Anti-Corruption chuyên dùng tố cáo các quan chức nhận tiền hối lộ và có biểu hiện tham nhũng. Chính phủ Thái Lan còn khuyến khích thành lập các tổ chức xã hội và doanh nghiệp giám sát tham nhũng. Kèm theo đó là các hình phạt nặng dành cho những ai vi phạm. Hồi tháng 7, Chủ tịch thượng viện Thiradet Meephian bị tuyên phạt 2 năm tù vì tự nâng lương cho bản thân.
Dù đã có không ít nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng nhưng Thủ tướng Yingluck vẫn chưa làm hài lòng đông đảo người dân. Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Thái Lan cho thấy, người dân chỉ chấm 4,99/10 điểm về công tác chống tham nhũng của chính phủ sau 2 năm cầm quyền. Sau khi Thủ tướng Yingluck đặt mục tiêu đẩy lùi tệ nạn tham nhũng trong nhiệm kỳ với chiến dịch “Stop Corruption”, một số nhà phân tích còn nhận định đây là mục tiêu quá sức. Theo họ, nhiều vụ bê bối liên quan đến các dự án, chương trình lớn của chính phủ như trợ giá gạo, đền bù lũ lụt, trang bị máy laptop cho học sinh tiểu học… vẫn chưa bị xét xử. Bên cạnh đó, để chống tham nhũng thì tốt nhất là người dân không nên tiếp tay cho hiện tượng này. Một thực tế vẫn đang diễn ra ở Thái Lan là có một số bộ phận người dân vẫn chấp nhận nó. Chẳng hạn như việc đồng ý đưa khoản “bồi dưỡng” cho cảnh sát khi vi phạm giao thông. Họ coi những khoản lót tay này như giảm mức tiền phạt vì đưa thẳng cho cảnh sát viên và đỡ mất thời giờ hơn là phải đích thân đi nộp phạt tại cơ quan công quyền.
THANH HẰNG