Công nghệ cao giải quyết nạn kẹt xe ở châu Á

Mất 1/3 thời gian đi đường
Công nghệ cao giải quyết nạn kẹt xe ở châu Á

Vụ tắc đường kéo dài hơn 20 giờ  xảy ra hôm 4-7 vừa qua ở Indonesia làm 18 người thiệt mạng, một lần nữa đã gióng lên hồi chuông báo động về cơn ác mộng kẹt xe vốn xảy ra như “cơm bữa” ở Indonesia nói riêng và châu Á nói chung. Hậu quả của vụ tắc đường này từng được cảnh báo vì thực tế, thủ đô Jakarta của Indonesia từ lâu đã được đánh giá là nơi tắc nghẽn giao thông nhất thế giới.

Mất 1/3 thời gian đi đường

Theo các số liệu khảo sát mới đây được Asia Correspondent công bố, những người lái xe ở các thành phố kẹt xe nhất thế giới mất trung bình 1/3 thời gian đi đường. Tại Trung Quốc, các tài xế ở Thượng Hải trung bình mất 33% thời gian ngồi chờ vì kẹt xe, so với hơn 27% của người lái xe ở Bắc Kinh.

Trong bảng xếp hạng của hãng dầu máy Castrol do tạp chí TIME công bố năm 2015, thủ đô Jakarta của Indonesia được đánh giá tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất thế giới. Giám đốc Viện Chính sách giao thông vận tải và phát triển, ông Yoga Adiwinarto, nói: “Một khi lái xe ra khỏi nhà, chắc chắn bạn sẽ rơi vào tình trạng kẹt xe ngay tức khắc”. Theo báo Nikkei Asian Review, tại thành phố này, lượng xe cơ giới tăng 10% mỗi năm trong khi công suất của đường sá chỉ tăng 0,1%/năm. Tốc độ lái xe trung bình chạy trong thành phố này chỉ 10km/giờ.

Kẹt xe xảy ra thường xuyên ở thủ đô Jakarta, Indonesia

Sau vụ tắc đường kéo dài gây chết người xảy ra ngày 4-7, Tổng thống Indonesia Joko Jokowi Widodo tuyên bố “Chính phủ sẽ nỗ lực giải quyết tình hình này trong 2 năm”. Nhưng không phải đến khi sự cố kẹt xe trên xảy ra, Chính phủ Indonesia mới tuyên bố tuyên chiến với vấn nạn này. Đầu tư vào giao thông công cộng ở thủ đô Jakarta bắt đầu từ năm 2004; đến nay, công trình xây dựng vẫn đang tiếp tục ở giai đoạn đầu cho hệ thống xe điện ngầm do Nhật Bản tài trợ. Năm 2015, để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông, Chính phủ Indonesia đã hủy chương trình trợ cấp xăng dầu và cấm mô tô chạy trên các đường chính của thủ đô. Theo dự định, năm nay, Jakarta sẽ áp dụng thu phí cầu đường tự động trên hai hành lang thường bị tắc nghẽn nặng nhất thủ đô.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, các dự án trên quá nhỏ, quá muộn và không đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng của kinh tế và dân số thành phố. Thành phố có 24 triệu dân, chỉ 13% dân số sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Còn rất lâu, người lái xe đi về hàng ngày ở Jakarta mới có thể mơ được như những người cũng đi về như họ ở thành phố Tampere của Phần Lan và Rotterdam của Hà Lan - hai thành phố ít kẹt xe nhất thế giới.

Các giải pháp công nghệ cao

Có thể thấy sức ép gây ách tắc giao thông đến từ sự chuyển dịch dân cư từ nông thôn vào thành phố, thường gọi là quá trình đô thị hóa và sự tăng trưởng không ngừng của số lượng xe cơ giới trong đô thị. Những năm gần đây, tại các quốc gia đang phát triển, hai quá trình trên diễn ra song song, gây sức ép mạnh mẽ lên cơ sở hạ tầng còn hạn chế của các quốc gia này.

Với số lượng xe khổng lồ tham gia giao thông sẽ không có bất cứ giải pháp riêng lẻ nào có thể mang lại hiệu quả. Làm nhiều đường hơn không phải là biện pháp khả thi, hạn chế số xe lưu thông có thể gây ra những hậu quả khác về kinh tế - xã hội và áp dụng phí lưu thông cũng chưa đủ để giải quyết tình trạng kẹt xe. Phần lớn mọi người đồng ý rằng cần kết hợp nhiều phương pháp, trong đó phải kể đến các giải pháp công nghệ cao.

Mô hình xe buýt siêu cao tầng ở Trung Quốc

Nhằm giải quyết nạn ách tắc giao thông, cuối tháng 5 vừa qua, tại triển lãm công nghệ cao Bắc Kinh lần thứ 19 (Trung Quốc) cũng vừa công bố mô hình xe buýt siêu cao tầng chống tắc đường, gọi là xe buýt TEB (Elevated Bus Transit) có khoang hành khách đặt phía trên cao, phần dưới rỗng lòng cho phép vượt qua các xe đang lưu thông bên dưới một cách dễ dàng, tiết kiệm tối đa không gian. Tới các điểm dừng, hành khách sẽ xuống bằng hệ thống thang tự động. Thiết kế này tận dụng triệt để khoảng không phía trên nhằm giảm tình trạng tắc đường đang gia tăng ở ngưỡng báo động. TEB sẽ có thể chuyên chở đến 1.200 hành khách với những trạm dừng được xây trên độ cao lớn, tách biệt với mặt đất, có các chức năng tương tự như tàu điện ngầm, trong khi chi phí xây dựng chỉ bằng 20% và thời gian thực hiện chỉ khoảng một năm. Dự kiến cuối năm 2016, thành phố Tân Hoàng Đảo tỉnh Hà Bắc phía Bắc Trung Quốc sẽ là nơi đầu tiên triển khai hệ thống xe buýt kiểu mới này.

Để giúp giải quyết thực trạng giao thông của châu Á trong những năm gần đây, không thể không kể đến sự đóng góp của các giải pháp công nghệ cao, phần lớn do các công ty Nhật Bản cung ứng. Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan - thành phố cũng “nổi tiếng” về nạn ùn tắc giao thông ở Đông Nam Á, Công ty Sumitomo Electric Industries cũng đã lắp đặt 152 bộ cảm biến hình ảnh dọc theo các con đường để thu thập thông tin giao thông. Công ty này cũng giúp xây dựng một hệ thống có thể điều khiển đèn giao thông bằng việc sử dụng thông tin từ các bộ cảm biến để giảm ùn tắc giao thông. Vào tháng 1-2015, Tập đoàn Toyota Tsusho và Nippon Parking Development đã triển khai một dịch vụ, theo đó cho phép lái xe nhận biết được lối ra dễ chịu từ bãi đậu xe trong tòa nhà mà họ đang đậu. Thông tin được trình chiếu bên trong các tòa nhà sẽ được đưa vào bảng báo cáo điều kiện giao thông khi hướng dẫn tài xế.

Tại Singapore, theo kế hoạch kể từ quý 2-2016, đảo quốc này sẽ đưa vào sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing - ERP) thế hệ mới dựa trên công nghệ định vị vệ tinh (GNSS) của tập đoàn Mitsubishi. Với công nghệ định vị vệ tinh, lái xe lập tức có đầy đủ thông tin về hành trình, điều kiện giao thông, thông tin bãi đậu xe, đoạn đường nào đang làm mới hay sửa chữa, chi phí quãng đường… thông qua duy nhất thiết bị thông minh đặt trên xe. Mới đây, trước áp lực ngày càng gia tăng nạn kẹt xe, Hồng Công đã theo gương Singapore, mở một cuộc trưng cầu ý kiến công chúng về ERP.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục