
Viện nghiên cứu CEA Leti-Minatec ở Grenoble (Pháp) đã phát kiến được một công nghệ mới tích tụ năng lượng điện từ những đám mưa và chuyển nó thành điện năng.

Thiết bị dùng tích tụ điện năng từ các “hạt mưa” trong phòng thí nghiệm.
Về nguyên tắc chung, công nghệ trên sử dụng mẫu nhựa PVDF (polyvinylidene difluoride, thường được sử dụng trong nhiều sản phẩm như các ống nước, màng phim. PVDF có đặc tính áp điện kỳ lạ, nó có thể tạo ra một điện tích khi bị biến dạng cơ học).
Với một tấm nhựa PVDF độ mỏng khoảng 25 micromet được lồng vào các điện cực, các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm bằng cách nhỏ liên tục những giọt nước có đường kính từ 1 đến 5 mm xuống tấm nhựa này.
Khi những giọt nước rơi xuống miếng nhựa, nó sẽ tạo ra rung động, tức tạo ra điện tích và các điện cực sẽ làm nhiệm vụ thu gom chúng để tạo ra điện năng. Kích cỡ giọt nước tỷ lệ thuận với cường độ rung động. Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống có thể khai thác được 12 miliwatt điện từ những giọt nước lớn nhất và tạo ra ít nhất 1 microwatt điện liên tục.
Thử nghiệm bước đầu này sẽ là tiền đề để các nhà khoa học nghiên cứu cách thức sản xuất điện sinh hoạt từ những rung động khi nước mưa rơi xuống đất. Ông Romain Guigon, một trong các chuyên gia thực hiện dự án này phát biểu: “Tính toán của chúng tôi cho thấy ngay cả trong điều kiện bất lợi nhất, năng lượng của các hạt mưa vẫn đủ mạnh để làm hoạt động các thiết bị tiêu thụ ít điện”.
NH.QUỲNH (theo Discovery)