Nhằm ứng dụng công nghệ sau thu hoạch ngành hàng xoài và chuyển giao dự án xây dựng Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Văn phòng Điều phối trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ NN-PTNT, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), tổ chức hội thảo “Công nghệ sau thu hoạch ngành hàng xoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Xoài là một loại cây ăn trái tạo nguồn thu nhập chính của nhiều nhà vườn ĐBSCL, trong đó xoài cát Hòa Lộc và Cát Chu là 2 giống xoài chất lượng cao nổi tiếng, được ưa chuộng, đã xuất sang nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc... Đồng Tháp là tỉnh có 9.200ha trồng xoài, lớn nhất vùng ĐBSCL, khoảng 95.000 tấn/năm; đây cũng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của địa phương.
Ngành hàng xoài ĐBSCL bộc lộ không ít hạn chế như hao hụt trong quá trình thu hoạch và vận chuyển, bảo quản khá lớn - khoảng 27%; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm nhiều bất cập; quy trình canh tác tiền thu hoạch và xử lý sau thu hoạch (như hệ thống kho lạnh, thiết bị phân loại, sơ chế, xử lý, làm chín, bao bì, đóng gói, vận chuyển...) chưa vận hành một cách đồng bộ.
Doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước cũng cho rằng, xoài Việt Nam sản lượng khá lớn nhưng số lượng đạt quy chuẩn xuất khẩu còn khiêm tốn. Đa phần các công đoạn xử lý xoài sau thu hoạch được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Sau khi được xử lý xong lại có vấn đề nấm bệnh, do đó thời gian bảo quản ngắn; trong khi đó, chi phí vận chuyển quá cao. Vì thế, xoài Việt Nam chưa thể cạnh tranh với xoài của các nước khác.
Dự án của UNIDO giới thiệu cách tiếp cận thông qua mô hình “Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài” cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các chuyên gia nước ngoài chia sẻ một số vấn đề trong chuỗi giá trị xoài, về tiềm năng của ngành hàng xoài Việt Nam trên các thị trường thế giới…
Đại diện Văn phòng Điều phối trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết, ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch là một trong 2 nút thắt lớn của việc hình thành các ngành hàng nông nghiệp, trong đó có xoài. Thông qua sự hỗ trợ của UNIDO xây dựng “Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài”, dự án triển khai tại Công ty TNHH Kim Nhung (TP Cao Lãnh) và đã xây dựng thành công hệ thống sơ chế, bảo quản, đóng gói, công suất xử lý khoảng 30 tấn/ngày. Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực ĐBSCL xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo bước đi đầu tiên cho quả xoài thâm nhập các thị trường khó tính như Australia, Nga, Hàn Quốc…