Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn TPHCM, dưới đây là góc nhìn của những chuyên gia và nhà quản lý về vấn đề này.
Thạc sĩ NGUYỄN MAI OANH, Phó Giám đốc cơ sở phía Nam Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Cần duy trì không gian nông thôn
Kinh nghiệm phát triển đô thị nhiều quốc gia cho thấy, xu thế mới phát triển đô thị bền vững, tránh những ảnh hưởng tiêu cực là cần duy trì một không gian nhất định cho vùng nông thôn ven đô với chủ thể là nông dân sản xuất nông nghiệp hoặc phi nông nghiêp, góp phần cân bằng sinh thái đồng thời bổ trợ cho đời sống đô thị. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 vấn đề gắn bó hữu cơ. Thực tế cho thấy sự phát triển của cái này là điều kiện không thể thiếu nếu muốn phát triển cái kia.
Tuy nhiên điều trước tiên là tư duy và hành động mang tính định hướng của chính quyền địa phương và việc định hướng giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng ven đô TPHCM không nằm ngoài quy luật chung. Đó là một đề án quy hoạch định hướng chiến lược dựa trên đặc thù của TP và dứt khoát phải đảm bảo các tiêu chí cơ bản về phát triển: Nông dân vùng ven đô phải có thu nhập cao, đời sống vật chất sung túc, không cách biệt với cư dân đô thị. Nông nghiệp ven đô không đặt ưu tiên đóng góp vào tăng trưởng GDP mà ưu tiên cho việc đáp ứng được những gì đô thị cần mà các vùng lân cận không thể đáp ứng.
Và điều quan trọng hơn cả là phải đem lại thu nhập tốt cho người sản xuất. Nông thôn ven đô phải là vùng sinh kế bền vững cho cư dân tại chỗ, nơi có môi trường văn hóa-xã hội tiên tiến, có môi trường sinh thái, môi trường sống tự nhiên tươi đẹp, bổ trợ cho những gì mà không gian đô thị không có, phải là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của địa phương và phải là “lá phổi” góp phần giảm ô nhiễm cho TP.
Để tránh một quy hoạch tổng thể “treo”, việc thực hiện một đề án quy hoạch mang tính chiến lược cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng ven đô TPHCM cần nhìn nhận theo hướng tiếp cận mới, đó là quy hoạch căn cứ theo yêu cầu thị trường (thay vì quy hoạch theo thổ nhưỡng). Do vậy sẽ phải dựa trên những đánh giá của các nhà khoa học (kinh tế, nông học, xã hội, môi trường…), những phân tích về nhu cầu của cư dân đô thị, đặc biệt là nhu cầu về lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp địa phương, trong đó cần quan tâm tới nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nông nghiệp mà vùng nông thôn ven đô có thể cung cấp (ví dụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan làng nghề…).
NGUYỄN HỮU HOÀI PHÚ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM: Thị trường hóa
đất nông nghiệp
Diện tích đất nông nghiệp còn lại, TP cần có chính sách để cơ giới hóa. Vì đất nông nghiệp TP quá đắt so với khu vực khác nên khó có điều kiện tích tụ lớn. Với diện tích nhỏ chỉ di chuyển bộ phận qua ngành nghề khác. Và có chính sách phát triển trang trại như mô hình khu công nghiệp. TP và địa phương đầu tư hạ tầng, nội đồng, kéo điện nước về cho trang trại. Với diện tích nhỏ cần liên kết lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã và cơ giới hóa bằng việc sử dụng máy cơ khí nhỏ trên diện tích nhỏ như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đã làm với mảnh ruộng 2.000-3.000m² vẫn được cơ giới tốt. Chú ý kết cấu hạ tầng kinh tế kết hợp giao thông nông thôn.
Qua cuộc khảo sát cho thấy, 1kg rau sẽ bị giảm 300-450 đồng ở những vùng không có đường giao thông. Về xã hội, thiết chế văn hóa ở nhà văn hóa các huyện, xã, Nhà nước đầu tư phần cứng (xây trụ sở, thiết bị…) nhưng xã hội hóa “phần mềm” với nội dung hoạt động phong phú, đa dạng. Giao cho tư nhân, cho ai có khả năng hoạt động tốt. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, một bộ phận lao động nông thôn sẽ ra khỏi nông nghiệp, vậy có 2 nguồn đào tạo. Con em có khả năng tiếp thu cái mới thì đào tạo nghề. Với bà con lớn tuổi không có khả năng học nghề khác thì đào tạo tại chỗ với ngành nghề tại chỗ. Đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH.
Ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan đầu tư KHKT và khuyến nông chiếm 3%-6% ngân sách, TPHCM chỉ có 1,2%. Có chính sách sâu hơn về bồi dưỡng cán bộ HTX, mạnh dạn giao công trình phục vụ địa phương cho HTX. Gắn HTX với DN. Vừa rồi TP có chính sách hỗ trợ mỗi HTX 2 người với mức 800.000 đồng/người/tháng, nhưng không khả thi. Cơ chế chính sách căn cơ nhất là phát triển sản xuất và giải quyết bức xúc trong quá trình phát triển.
Thị trường hóa đất đai trong đền bù với cơ chế một giá. Đất nông nghiệp cơ chế 2 giá hiện nay là không ổn, giá trị thực chưa đúng giá trị sử dụng. Cần có chính sách để người dân tích tụ ruộng đất đối với những nơi có cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất hàng hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn không phải biến nông nghiệp thành công nghiệp mà là lấy những tiện nghi nhất trong công nghiệp (máy móc, thiết bị…) để sản xuất nông nghiệp tốt hơn. Công nghiệp hóa không phải biến nông dân thành thị dân mà là đem những tiện nghi thụ hưởng của đô thị về nông thôn như điện, nước, xe cộ, y tế…
Công Phiên ghi