
Trước nhu cầu phát triển lớn của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, tình trạng khan hiếm nhân lực phần mềm đang trở thành nỗi lo lớn đối với doanh nghiệp (DN) phần mềm nước ta hiện nay.
Thực tế: thiếu lượng lẫn chất

Sản xuất phần mềm tại Công ty SITP trong công viên phần mềm Quang Trung TPHCM.Ảnh: Hùng Tín
DN phần mềm trong nước vừa thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, vừa đối diện với một thực tế gay go. Nhiều người giỏi, có thâm niên sẵn sàng dứt áo ra đi, đến làm tại một DN khác có mức lương - thưởng cao hơn, hứa hẹn các vị trí hấp dẫn hơn, khiến nhiều DN phần mềm phải chạy đôn chạy đáo kiếm người “trám” vào chỗ trống.
Theo phản ảnh của nhiều DN phần mềm, hiện nay đã xảy ra cuộc cạnh tranh giành giựt nhân lực phần mềm giữa các công ty nước ngoài và DN Việt Nam. Tình hình này ngày càng nghiêm trọng hơn khi các DN nước ngoài đang đổ bộ vào nước ta tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới.
Hiện nay nước ta có nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) rất lớn nhằm đáp ứng các dự án xây dựng hạ tầng, ứng dụng CNTT từ phía Chính phủ cũng như các DN đang ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh tăng đột biến. Việt Nam cũng đang hình thành thị trường nguồn nhân lực kỹ năng cao cho dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm outsource, đặc biệt là các ứng dụng phục vụ cho người tiêu dùng bùng nổ do sự tăng trưởng cao của hạ tầng viễn thông và Internet. Điển hình, nhu cầu của IBM ở Việt Nam là 100 kỹ sư, năm 2008 là 2.000 kỹ sư, tăng 100%/năm. Boeing cũng đang tìm đối tác tại Việt Nam và yêu cầu mỗi hợp đồng cần tối thiểu 1.000 kỹ sư phần mềm… Trước nhu cầu cao như vậy, chất lượng nguồn nhân lực CNTT đang là một vấn đề nan giải!
Đội ngũ nhân lực hoạt động trong ngành gia công phần mềm phần lớn là các cử nhân CNTT chỉ chuyên về lĩnh vực kỹ thuật, yếu về vấn đề quản trị dự án. Ít có người vừa đạt yêu cầu kỹ thuật và quản lý do đó khó có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng và dịch vụ cho DN. |
Số lượng đã thiếu nhưng chất lượng yếu kém càng làm cho cuộc cạnh tranh “săn đầu người” trên thương trường thêm phần căng thẳng. Theo ông Paul Marc Voss, Phó chủ tịch Harvey Nash Vietnam (tập đoàn chuyển giao các giải pháp CNTT và gia công quy trình DN), so với nhân viên ở các nước khác, nhân viên phần mềm Việt Nam có lợi thế là trẻ, làm việc chăm chỉ, chú tâm đến chi tiết, có nguyên tắc làm việc theo nhóm nên ít cần đến sự hỗ trợ từ các thành viên giỏi khác. Tuy nhiên nhân lực có kỹ năng quản lý cấp trung còn thiếu, ít có nhân viên có bề dày kinh nghiệm dài hạn từ 7 năm, đặc biệt là kiến thức kỹ thuật và phân tích kinh doanh chuyên sâu của nhân viên Việt Nam chưa nhiều... Đây chính là thách thức lớn cho các DN phần mềm trong thời gian tới…
Báo động: bất cập đào tạo
Những năm qua, ngành CNTT đã thu hút nhiều bạn trẻ theo học. Năm 2006 chỉ riêng hệ đại học cả nước đã có 10.000 chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng sinh viên tốt nghiệp xấp xỉ 8.000 người. Đào tạo chuyên cho ngành công nghệ phần mềm, hiện nay ở nước ta đã có đại học tư thục FPT, Hoa Sen, RMIT; đang xúc tiến thành lập trường đại học của Hiệp hội DN phát triển phần mềm Việt Nam (VINASA), đại học TMA…
Trường đại học FPT chọn đối tượng tuyển sinh là các học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và các thí sinh đầu vào đạt điểm cao. Trường hiện có học bổng toàn phần cho sinh viên tài năng, có cam kết làm việc 3 năm cho FPT. FPT còn đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho sinh viên vay từ 50-90% học phí, hoàn trả 5 năm sau khi tốt nghiệp… Năm 2007 trường đại học FPT có 2.000 sinh viên, dự kiến năm 2010 sẽ đạt 15.000 sinh viên và 2015 là 60.000 sinh viên. Đây sẽ là nguồn nhân lực tiềm năng cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn hai hình thức đào tạo sinh viên CNTT gây nhiều tranh cãi.
Các trường đào tạo chuyên ngành CNTT vẫn còn tình trạng chưa theo sát thực tế, chỉ giúp sinh viên có nền tảng kiến thức khi ra trường nhưng lại thiếu cọ xát với thực tế, bản lĩnh cá nhân chưa cao. Trong khi đó các trung tâm đào tạo ngắn hạn thì lại đào tạo theo kiểu “mì ăn liền”, chạy theo công nghệ cụ thể, sinh viên thiếu cơ sở, nền tảng để phát triển. |
Theo ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh phía Nam CTCP Tập đoàn công nghệ CMC, thực trạng các DN đang gặp phải là phần lớn các sinh viên ra trường chưa thể bắt tay ngay vào làm những công việc chuyên môn, 80% chưa có những kỹ năng phần mềm cần thiết… Vấn đề này xuất phát từ chương trình đào tạo của các trường chú trọng đào tạo kiến thức lý thuyết chuyên ngành, ít có chương trình thực tập mang tính thực tiễn. Một nguyên nhân khác là do yêu cầu làm outsource - hoặc hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, nên các DN lại được tiếp cận công nghệ mới trước các trường. Trong khi đó, mối liên hệ giữa nhà trường với DN còn lỏng lẻo nên chương trình đào tạo của các trường còn chậm so với sự thay đổi công nghệ hiện nay…
Rút ngắn khoảng cách
Theo mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình phát triển công nghiệp phần mềm đến năm 2010,ngành công nghiệp này phải đạt tốc độ phát triển từ 35-40%, doanh thu đạt trên 800 triệu USD/năm. Để đạt được điều này, việc làm cấp bách hiện nay là làm sao có được nguồn nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Vấn đề đặt ra cho các trường đại học là phải cải tiến chương trình đào tạo và hợp tác đào tạo với các DN phần mềm trong và ngoài nước. Các hội đồng khoa học khi xây dựng giáo trình đào tạo nên có sự tham gia đóng góp của DN. Các trường cũng nên tham khảo nhu cầu của DN để xây dựng chương trình học trong trường, cùng DN đưa học phần thực hành vào chương trình đào tạo chính quy và xây dựng các chương trình thực tập cụ thể tại DN với thời lượng phù hợp để nâng cao khả năng xử lý thực tiễn của học viên.
Ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm First Consulting Group Vietnam (FCGV), cho biết từ năm 2008 FCGV có nhu cầu tuyển thêm 150 -300 kỹ sư/năm; trong đó các vị trí như quản lý cao cấp, trưởng đề án, tư vấn giải pháp, phân tích nghiệp vụ, thiết kế kiến trúc hệ thống, thiết kế giao diện, chuyên viên đồ họa, chuyên viên lập trình… có nhu cầu khá lớn. Ngoài kiến thức chuyên ngành, nhu cầu hiện nay là chuyên viên ngành này phải biết áp dụng các kiến thức vào thực tế, thành thạo tiếng Anh, khả năng thích ứng với công nghệ mới… Muốn phát triển mạnh nhân lực phần mềm trong thời gian tới nước ta phải đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo đại học thuộc các ngành kỹ thuật, công nghệ và dạy nghề, để huy động tổng lực các nguồn lực nhằm phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo.
Thanh Thiên