Công nhân đi học

Vấp phải nhiều khó khăn vì không có tiền, không có thời gian và sức khỏe, nhưng bằng quyết tâm và ý chí phấn đấu, rất nhiều công nhân quyết bước tiếp trên con đường học vấn để thay đổi cuộc đời.
Công nhân đi học

Vấp phải nhiều khó khăn vì không có tiền, không có thời gian và sức khỏe, nhưng bằng quyết tâm và ý chí phấn đấu, rất nhiều công nhân quyết bước tiếp trên con đường học vấn để thay đổi cuộc đời.

Ưu tiên đi học

Khi nhắc đến những công nhân (CN) chịu khó học hành, cái tên Nguyễn Thị Phương Dung, nhân viên Quỹ Hỗ trợ CN TPHCM, không còn xa lạ với nhiều người. Con đường học tập của Dung bắt đầu từ những lớp học bổ túc. Tốt nghiệp cấp 2, mẹ bị bệnh nặng, Nguyễn Thị Phương Dung phải rời Thái Nguyên vào TPHCM tìm việc làm để có tiền lo thuốc thang cho mẹ. Do chưa đủ tuổi, Dung phải làm thời vụ trong một cơ sở may.

Một năm sau, Dung nộp hồ sơ vào làm cho Công ty TNHH Juki Việt Nam, KCX Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Lúc bấy giờ, ý nghĩ đi học bắt đầu nhen nhóm trong đầu Dung. Nghĩ là làm, cô xin học bổ túc văn hóa, và bắt đầu những năm mà Dung không nhìn thấy… mặt trời. 5 giờ 30 sáng, Dung vào ca đến 17 giờ 30 tan ca, rồi tất tả đạp xe đi học đến 21 giờ 45.

Với mức lương chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng, Dung phải chắt chiu từng đồng để có tiền học, tiền chi tiêu cá nhân và gửi về chút ít cho gia đình. “Đó là những ngày vô cùng gian khó, thiếu thốn. Lo cho bản thân, gia đình đã chật vật lắm rồi nói gì đến việc học nhưng tôi nghĩ nếu không đi học suốt đời mình chỉ là một CN không trình độ, không thể làm được gì hơn nên phải cắn răng đi học”, Dung tâm sự.

Những khó khăn phải chịu lùi bước trước cô gái đầy nghị lực này. Rồi Dung cũng đã tốt nghiệp THPT, tiếp tục thi vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM. Trở thành sinh viên, Dung học khá, mấy học kỳ liền được nhận học bổng của Quỹ Hỗ trợ CN thành phố.

Nguyễn Thị Phương Dung (ngồi) hướng dẫn công nhân làm thiệp chúc tết.

Gặp lại Nguyễn Trọng Nhân, Bí thư Đoàn Thanh niên KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM) mới đây, tôi vô cùng mừng rỡ vì Nhân trưởng thành hơn rất nhiều. Tốt nghiệp phổ thông, chàng trai quê Tiền Giang cùng người anh song sinh lên TPHCM làm việc cho Công ty Nidec Tosok - KCX Tân Thuận. Rồi họ vào guồng quay của những ngày phải tăng ca, đầu tắt mặt tối với công việc để dành dụm tiền gửi về nhà lo cho cha mẹ già và nuôi đứa em út đi học. Những ngày tham gia sinh hoạt Đoàn, Nhân nhận thấy chỉ có kiến thức mới giúp cho mình tốt hơn. Nhân thi vào môn tiếng Anh (ngành dịch thuật) hệ vừa học vừa làm Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội chi nhánh tại TPHCM.

“Vừa học vừa làm là điều không đơn giản với CN vì phải làm việc, tăng ca, đóng học phí... Nhiều hôm tan ca ra tôi phải chạy nhanh qua lớp học, không kịp có gì bỏ vào bụng. Có hôm lót dạ bằng ổ bánh mì hay gói xôi để có sức tiếp thu bài vở. Rồi có ngày lo ngay ngáy vì tiền học phí đã đến kỳ đóng mà lương chưa đến ngày lãnh. Nhưng khó khăn nào cũng qua”, Nhân kể lại.

Nhân được Đảng ủy Ban Quản lý các KCX-KCN TP chọn về làm cán bộ Đoàn KCX Tân Thuận rồi Bí thư Đoàn Thanh niên KCN Hiệp Phước. Hiện chàng trai 30 tuổi này đang theo học văn bằng 2 Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM.

Công nhân vươn lên làm giám đốc

Anh giám đốc sinh năm 1981 Nguyễn Quang Kỳ (Giám đốc Công ty TNHH Đại Thịnh Việt, Thủ Dầu Một - Bình Dương) từng là một CN nghèo khó, vất vả mưu sinh.

Mẹ Kỳ mất sớm, một mình cha anh vất vả nuôi 3 anh em. Cả gia đình vào TPHCM lập nghiệp, ba mở cửa hàng gia công inox. Còn Kỳ vất vả với công việc phát tờ rơi, giao hàng... Công việc bấp bênh, thu nhập thấp càng khiến Kỳ khát khao đi học. Anh thi đậu vào Khoa Kỹ thuật điện tử Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng. Học xong, Kỳ làm thợ sửa đồng hồ, sau đó sửa chữa thiết bị văn phòng. Công việc ổn định, anh tiếp tục thi vào ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ngoài 3 buổi tối đi học, các buổi còn lại anh phải sửa máy, bán mực in... để có tiền trang trải việc học, lo cho gia đình.

  Theo bà Phạm Thị Trang, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ CN TPHCM, đến nay, quỹ đã trao học bổng cho 283 CN đi học với số tiền 1,2 tỷ đồng. Song song đó, quỹ còn có chương trình cho vay không lấy lãi và đã cho 785 CN vay được 2,6 tỷ đồng.  

Trong những lần sửa máy, giao mực anh nhận thấy nhiều công ty sử dụng mặt hàng làm bằng inox. Và anh quyết tâm mở một công ty cho riêng mình. Với 15 triệu đồng mượn được của gia đình, anh mở một cửa hàng bán thiết bị inox tại Bình Dương. Một mình vừa là chủ vừa là nhân viên bán hàng, giao hàng, nhưng nhờ chịu khó quảng cáo qua Internet, tờ rơi, các khách hàng thân thiết từ sửa máy, bán mực in, Kỳ cũng có được nguồn khách ổn định. Nay Công ty Đại Thịnh Việt của anh đã có 20 lao động và là đối tác của nhiều công ty lớn.

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục