Công nhân TPHCM sống ra sao?- Bài 2: Đơn điệu trong vui chơi giải trí

Công việc đã chiếm gần hết thời gian cả ngày, cả tuần của công nhân. Họ không còn thời gian lẫn tiền bạc cho các hoạt động văn hóa tinh thần. Ngủ là ưu tiên hàng đầu khi có chút thời gian rảnh. Thú vui của công nhân là nằm dài ở nhà trọ xem tivi. Với nam công nhân, nhậu nhẹt đã trở thành một loại hình giải trí, với nhiều hệ lụy.
 Khu nhà trọ dành cho công nhân Ảnh: VIỆT DŨNG
Khu nhà trọ dành cho công nhân Ảnh: VIỆT DŨNG

 Ngủ, ngủ và… ngủ!

Nằm trong căn phòng nhỏ xíu, nơi Phạm Thị Thanh Hoa (24 tuổi, công nhân may tại huyện Hóc Môn) và 2 nữ công nhân khác đang ở, vật dụng có giá trị nhất của mấy chị em là chiếc tivi đã cũ, bụi dính đầy bởi lẽ họ không có cả thời gian cho việc xem tivi. Ngày trước Hoa làm tại một công ty may, mỗi tháng chỉ hơn 5 triệu đồng, lúc nào hàng nhiều, tăng ca thì được hơn 6 triệu. Rồi phải tốn chi phí thuê nhà trọ nên không còn dư giả gì.

Nghe người bạn rủ đi làm tại xưởng tư nhân, lương cao hơn, Hoa theo luôn. Đổi lại, để có đồng lương gần 8 triệu đồng như hiện nay, hầu như Hoa phải làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm; ăn, ở tại nơi làm. Rồi khi hàng gấp, 4 - 5 ngày liền Hoa và mọi người phải thức làm đến gần sáng. “Còn sức, em ráng làm. Mình cũng có cần vui chơi giải trí gì đâu chị, chỉ cần làm có tiền lo cho con và mẹ là em vui rồi”, Hoa nói. “Rồi thời gian nào về thăm con”, chúng tôi hỏi. Giọng Hoa buồn sắt lại: “Em không có nhiều thời gian nói chuyện với con. Buông máy ra là em mệt lả, chỉ muốn ngủ. Mỗi lần điện thoại về quê, con bé lại hỏi bao giờ mẹ về chơi với con”. 

14 tuổi, Hoa rời quê Bình Định vào TPHCM làm thuê, rồi làm công nhân may. Lập gia đình với một công nhân khác, có đứa con gái nay đã 4 tuổi thì cũng ngần ấy năm người đàn ông ấy bỏ mặc Hoa một mình nuôi con. Để con ở với mình thì Hoa không tăng ca được, nên gần 3 năm nay Hoa gửi con gái về quê với ngoại. “Làm ở đây cực quá, em cũng đuối mà chưa biết làm sao”, Hoa chia sẻ khi đang dần chìm vào giấc ngủ sau một ngày kiệt sức.

Cũng như Hoa, về đời sống xã hội của thanh niên nhập cư lao động phổ thông tại các cơ sở sản xuất nhỏ ở TPHCM, Th.S Phạm Thanh Thôi (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) nghiên cứu và cho hay: “Có đến hơn 50% số lao động ăn ngủ tại cơ sở sản xuất nhỏ. Có nhiều công nhân kể từ khi tới TPHCM, cuộc sống và trải nghiệm của họ chỉ giới hạn trong phạm vi các cơ sở sản xuất nhỏ và trong phòng trọ của mình. Nhiều thanh niên công nhân tỏ ra sợ khi phải thay đổi chỗ làm, dù cho chỗ làm hiện tại có nhiều khó khăn, thậm chí không biết đến tương lai”.

Tình hình cũng không khá hơn ở những công nhân trong các doanh nghiệp. 9 giờ ngày chủ nhật, phòng trọ của chị Nguyễn Thị Thanh Phương (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM) mới bắt đầu có tiếng lào xào. Tuần nào cũng vậy, cứ ngày nghỉ cuối tuần, chị Phương và mấy chị em cùng phòng đều tranh thủ ngủ thêm một chút. “Mình làm quần quật cả tuần rồi, có ngày nghỉ phải tranh thủ ngủ cho lại sức”, chị Phương phân trần. Sau một tuần làm việc vất vả, có khi phải tăng ca đến 9 giờ tối nên ngày cuối tuần, mấy chị em cho phép mình được nghỉ ngơi, giải trí.

Thú vui ngày nghỉ của chị Phương chính là nằm dài trong phòng để xem tivi và ngủ. Gần 15 năm vào TPHCM làm công nhân, chị Phương chưa từng biết đến rạp chiếu phim hay đi công viên vui chơi giải trí. 32 tuổi, chị Phương vẫn chưa lập gia đình.

Nhắc chuyện chồng con, chị cười: “Lương công nhân có ba cọc ba đồng, không đủ nuôi thân, lấy chồng rồi sinh con thì lấy gì nuôi. Với lại, suốt ngày cắm mặt vô chiếc máy may trong xưởng, làm gì có thời gian gặp gỡ, yêu đương ai”. Hỏi sao các chị không đến nhà văn hóa lao động để vui chơi, giao lưu, nữ công nhân Trần Thanh Hằng (25 tuổi, chung phòng trọ chị Phương) lắc đầu: “Đi tới đó xa quá. Có mấy lần tụi em ghé qua xem có gì để học không, nhưng thấy các lớp học không phù hợp với mình nên thôi”. 

Nhà văn hóa bỏ không, công nhân không nơi giải trí

Nhà văn hóa mà Hằng nhắc đến chính là Nhà văn hóa Khu Công nghệ cao (nằm trong Khu Công nghệ cao, quận 9). Nhà văn hóa được đầu tư hơn 70 tỷ đồng và được đưa vào hoạt động cuối năm 2016 với kỳ vọng là một địa chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân tại khu vực quận 9, Thủ Đức. Dự kiến ban đầu, nơi đây sẽ đáp ứng hơn 13.000 lượt công nhân mỗi ngày, nhưng thực tế lại không như mong đợi. 

Ông Nguyễn Thái Thành, Giám đốc Nhà văn hóa Khu Công nghệ cao, cho biết từ khi đi vào hoạt động, nơi đây đã tổ chức rất nhiều chương trình cũng như lớp học phục vụ nhu cầu công nhân như: lớp võ tự vệ, đàn, kinh doanh trên mạng, nói chuyện chuyên đề, ngoại ngữ… Một số khóa học được giảm học phí 20% - 40%, có lớp miễn hoàn toàn học phí cho công nhân, nhưng vẫn không thu hút được người đến, hoặc công nhân tham gia nhưng rất ít. Dù các khóa học đều được mở theo nguyện vọng của công nhân trong bản khảo sát ban đầu, nhưng do vị trí nhà văn hóa nằm sâu bên trong Khu Công nghệ cao, không tiện đường nên công nhân ngại đến. 

Hôm chúng tôi đến Nhà văn hóa Lao động quận Tân Phú (nằm trong Khu công nghiệp Tân Bình), nơi đây vắng tanh. Rảo quanh các phòng, không thấy một bóng người. Buổi tối cũng có tổ chức được lớp học võ cho thiếu nhi và công nhân, nhưng rất ít người theo học. Ngoài ra, nhà văn hóa không có thêm hoạt động gì. Ít tổ chức các hoạt động nên nơi đây rất vắng. Công nhân không đến nhà văn hóa, một phần bởi nơi đây không có các hoạt động thu hút công nhân, phần do cơ sở vật chất cũng không được trang bị. 

Có nhà văn hóa nhưng không thu hút được công nhân chính là thực trạng chung của 17 nhà văn hóa lao động tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Chỉ một vài nơi có chương trình nổi bật, phát huy được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nên thu hút được người lao động. Còn phần lớn do xây dựng xa nơi ở của công nhân, các hoạt động thì lèo tèo, không đáp ứng nhu cầu người lao động, nên gần như bị bỏ hoang. Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, thẳng thắn nhìn nhận thực trạng hoạt động èo uột của các nhà văn hóa lao động. Tuy nhiên, theo ông Trung, để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động thì hoạt động văn hóa phải vượt ra hàng rào nhà văn hóa, lan tỏa xuống các nhà xưởng, nhà máy, khu nhà trọ của công nhân. 

Khi cách giải trí là… nhậu

Mới 9 giờ mà tiếng “zô… zô…” đã rôm rả tại khu trọ nằm trong hẻm C9 đường Võ Văn Vân (ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh). “Cả 2 tuần rồi, thứ bảy và chủ nhật tụi em đều tăng ca từ sáng đến tối, tuần này chủ nhật được nghỉ nên tụi em mần (nhậu - PV) sớm”, Nguyễn Tấn Linh (22 tuổi, quê Quảng Ngãi) chia sẻ. Thức uống và mồi nhậu của Linh và nhóm bạn chỉ là bia Sài Gòn đỏ cùng với trứng cút và mì gói xào rau muống.

Khu trọ Linh ở có khoảng 20 phòng, đa số người lao động ở đây đều là công nhân của Công ty Pouyuen (quận Bình Tân), số còn lại làm việc ở các cơ sở sản xuất tại xã Vĩnh Lộc B. Anh Bùi Trần Thành (quê Trà Vinh, ở cùng phòng trọ với Linh) cho biết làm việc ở Bình Tân, nhưng phải lên Vĩnh Lộc B ở trọ là để nhẹ bớt tiền phòng. “Thu nhập mỗi tháng 5 - 5,5 triệu đồng, trừ tiền phòng, điện, nước, xăng cộ, cuối tháng chẳng còn bao nhiêu. Mấy anh em chưa có gia đình thì tiêu xài thoải mái hơn, còn mình phải dành dụm để mỗi tháng phải gửi về quê cho vợ con 2 triệu. Nói thiệt, ngoài thời gian làm công nhân, mình chẳng biết đi đâu chơi, mà có đi cũng không có tiền”, anh Thành chia sẻ và cho biết nhiều tháng qua, anh cố gắng tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn nhưng vẫn chưa có vì anh chỉ mới học hết lớp 5, không có chuyên môn.     

Ăn nhậu trở thành trò tiêu khiển của công nhân đã dẫn tới không ít hệ lụy. Vừa rót bia mời khách, Linh vừa nhắc bạn “để ý ngó mấy chiếc xe máy đậu trước phòng, kẻo nó bốc hơi là đi toi công sức nửa năm đi làm mướn”. Linh cho biết, khu vực này toàn người vãng lai, tứ xứ đến ở nên an ninh trật tự không được an toàn cho lắm, lơ là là bị mất trộm ngay, không chỉ xe máy, điện thoại mà cả đồ dùng sinh hoạt như nồi niêu, thau giặt quần áo cũng bị trộm. Thậm chí, chuyện xích mích, ẩu đả dẫn tới án mạng cũng phát sinh từ bàn nhậu.

Trong một ngày giỗ tổ nghề dịp cuối năm, 2 nhóm công nhân giày da gồm 17 người ở quận 8 đã loạn đả. Ly bia mới phút trước còn rôm rả mời nhau, phút sau đã thành hung khí đoạt mạng công nhân T.H. (26 tuổi). Thiếu tá Lê Hữu Phước, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận 8, cho hay không hiếm các vụ công nhân rượu chè rồi đánh nhau, có khi dẫn tới giết người. Ban đầu, họ nhậu nhẹt vui vẻ, rồi say sưa, bắt đầu sinh cự cãi qua lại. Từ bạn bè, đồng nghiệp, trong chóng vánh đã trở thành đối chiến, đoạt mạng nhau. Thời gian “sinh sự” nhiều nhất là dịp cuối tuần, ngày lễ, tết - những khi có thời gian rảnh rỗi và lấy rượu chè làm thú vui.

Trực tiếp khảo sát đời sống của công nhân nhập cư tại TPHCM, Th.S Nguyễn Thụy Diễm Hương và Th.S Tạ Thị Thanh Thủy (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) nhận xét: “Việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động ít được quan tâm. Một bộ phận không nhỏ người lao động đang bị bần cùng hóa không chỉ về phương diện vật chất, mà đáng nói nhất là về đời sống văn hóa tinh thần”. Khảo sát từ thực tế cho thấy, do tính chất công việc, công nhân ít có điều kiện hòa nhập nhịp sống của TP. Đa số công nhân cố gắng chi tiêu ở mức thấp nhất. Đời sống văn hóa hết sức thiếu thốn, không sách báo, không giải trí, không kết bạn… chỉ có nhiều giờ làm thêm. 

Tin cùng chuyên mục