

Dạy nghề mộc cho học viên
Thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH 11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội khóa XI kỳ họp lần thứ 3 về "Thực hiện thí điểm tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác trực thuộc Trung ương" và Quyết định số 205/2003/QĐ-TTg ngày 2 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại thành phố Hồ Chí Minh"; trong thời gian qua với tinh thần đấu tranh quyết liệt để thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm, đồng thời triển khai Đề án, thành phố đã chỉ đạo khá tập trung, đồng bộ từ công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, mại dâm và ma túy đến việc chuyển hóa địa bàn phức tạp; quy hoạch các ngành nghề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện".
Được sự ủng hộ của các bộ-ngành trung ương, sự quan tâm, chỉ đạo đầy trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương nơi các trường, trung tâm cai nghiện ma túy trú đóng, sự đồng tình của nhân dân thành phố, của các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố,... thông qua việc tích cực đầu tư, liên kết sản xuất tạo việc làm cho học viên, người sau cai nghiện, bước đầu việc triển khai thực hiện đề án đã đạt một số kết quả đáng khích lệ như sau:
I. – "VỀ BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO:
Để Đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện" được triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và có hiệu quả, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, quy định cụ thể các vấn đề liên quan như sau:
– Quyết định số 246/2003/QĐ-UB ngày 6 tháng 11 năm 2003 của Ủy ban Nhân dân thành phố về ban hành Quy chế quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
– Quyết định số 113/QĐ-UB ngày 23 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban Nhân dân thành phố về ban hành Quy định về xét duyệt cho hồi gia đối với học viên cai nghiện ma túy và người sau cai nghiện.
– Quyết định số 114/QĐ-UB ngày 23 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban Nhân dân thành phố về ban hành Quy định về quản quản lý và giúp đỡ học viên cai nghiện ma túy và người sau cai nghiện hồi gia.
Ngoài ra, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, chế độ nhằm thu hút, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, y bác sĩ đến làm việc tại các trường, trung tâm cai nghiện; đồng thời các sở-ngành chức năng đang hoàn chỉnh dự thảo Quy định về "Chính sách khuyến khích ưu đãi đối với nhà đầu tư sử dụng lao động là học viên và người sau cai nghiện".
II - KẾT QUẢ 1 NĂM TRIỀN KHAI ĐỀ ÁN:
1. Công tác quản lý học viên:
1.1- Thực trạng học viên:
Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2004, thành phố đã tập trung 30.711 người (trong đó 4.842 nữ) vào các trường, trung tâm, gồm 1.567 đối tượng mại dâm (25 mại dâm nam) và 29.144 người nghiện ma túy (3.275 nữ), trong đó:
+ Học viên giai đoạn 1: 22.266 người (3.653 nữ).
+ Tổng số học viên chuyển sang giai đoạn sau cai nghiện đã được công nhận: 6.251 người (758 nữ).
+ Tổng số học viên Nghị định 32/76: 2.194 người (431 nữ). (Riêng 6 tháng đầu năm 2004, số đối tượng phát sinh mới là 2.446 đối tượng được tập trung chữa
bệnh tại các trường, trung tâm).
1.2- Phân loại học viên:

Học viên tự sản xuất dép
a) Theo độ tuổi:
Độ tuổi | Tỷ lệ |
Dưới 18 tuổi | 2,7% |
Từ 18 đến 25 tuổi | 52,9% |
Từ 26 đến 35 tuổi | 34,1% |
Từ 36 đến 45 tuổi | 8,2% |
Từ 46 tuổi trở lên | 2,1% |
b) Theo nghề nghiệp:
Nghề nghiệp | Tỷ lệ |
Học sinh, sinh viên | 0,2% |
Công nhân viên chức | 0,4% |
Nông dân | 5,7% |
Lao động phổ thông | 55,7% |
Thất nghiệp | 38% |
c) Về trình độ:
Mù chữ | 12,2% |
Cấp 1 | 38,30% |
Cấp 2 | 34,1% |
Cấp 3 | 15% |
Trung cấp | 0,1% |
Đại học | 0,3% |
d) Số lần nghiện:
Nghiện lần 1 | 33% |
Nghiện lần 2 | 29% |
Nghiện lần 3 | 21% |
Trên 3 lần | 17% |
e) Số học viên có tiền án, tiền sự: 38%.
f) Nơi cư trú:
– Hộ khẩu thành phố: 77,8%.
– Các tỉnh thành khác: 15,7%.
– Lang thang: 6,5%.
2. Tính hình quản lý người sau cai:
Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2004, số người cai nghiện tập trung đủ 24 tháng là 11.099 người (252 người dưới 18 tuổi). Trong đó ra quyết định công nhận hoàn thành giai đoạn 1 chuyển sang thực hiện giai đoạn 2 là 6.251 người; số còn lại đang được khẩn trương thẩm định lại hồ sơ để ra quyết định công nhận hoàn thành giai đoạn 1 chuyển sang giai đoạn sau cai nghiện.
Người sau cai nghiện được các trung tâm bố trí khu ở riêng, với điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn: phòng ở được trang trí khẩu hiệu, hình ảnh, mỗi phòng được trang bị ti vi, đầu máy, tủ sách-báo, điện thoại công cộng, người sau cai nghiện được tham gia các trò chơi giải trí. Mỗi khu ở trang bị các dụng cụ thể dục thể thao và thành lập câu lạc bộ văn hóa; ngày thứ bảy, chủ nhật tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, giao lưu văn nghệ giữa các đội và giao lưu nhóm học viên với các đơn vị bạn. Trung tâm Chữa bệnh Phú Văn, đặt tên cho khu ở người sau cai nghiện là khu nhà ở của công nhân nghị lực; Trung tâm Cai nghiện ma túy Bình Đức khu ở của công nhân xưởng may...
Các em được mặc quần áo đồng phục công nhân khi đi làm, khi về nơi ở mặc đồ như người bình thường; ngoài việc chăm sóc đời sống tinh thần cho các em, các trung tâm đã chú ý đến việc tổ chức bữa ăn, khẩu phần ăn bằng cách bổ sung tiền ăn cho các em thêm từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/tháng, ngoài tiêu chuẩn 150.000 đồng/tháng.
Để động viên tinh thần cho người sau cai nghiện, các trung tâm đã tổ chức thí điểm 4 đợt thưởng phép cho 124 người, các học viên đều trả phép đúng hạn và được test kiểm tra về y tế, tất cả đều âm tính (chỉ có một trường hợp trễ phép, được trung tâm và địa phương động viên gia đình đưa lên).
Ngoài ra Trung tâm Chữa bệnh Phú Văn đã tổ chức Câu lạc bộ karaoke tại khu nữ, tổ chức cho 70 học viên tiêu biểu đi tham quan Di tích lịch sử "Núi Bà Rá", giao lưu văn nghệ với các trung tâm bạn. Các trường thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thường xuyên tổ chức hội thao bóng đá, báo tường, liên hoan văn nghệ và hội trại... cho học viên và người sau cai nghiện nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho học viên và người sau cai nghiện.
Qua những việc làm trên đã tác động tích cực đến tư tưởng và tình cảm của người sau cai nghiện và nhất là đã tạo ra sự rất phấn khởi, tự tin của học viên vào sự thành công của Đề án sau cai nghiện của thành phố.
Tuy nhiên vẫn còn một số học viên và người sau cai nghiện có diễn biến tâm lý phức tạp, hầu hết là số học viên có tiền án, tiền sự đang ở trong các trường, trung tâm, chiếm tỷ lệ 38%, một phần do thân nhân chưa tích cực cộng tác, phối hợp để giáo dục động viên con em họ thực hiện đề án sau cai; một số học viên bị nhiễm HIV/AIDS thường mắc các bệnh cơ hội như: lao, da liễu, đường hô hấp... sức khỏe kém ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và tham gia lao động sản xuất tạo thu nhập, đòi hỏi phải có những biện pháp quản lý đặc biệt. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục viên phần lớn vừa mới tuyển dụng, còn trẻ, có trình độ, nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo dục và tổ chức lao động sản xuất cho học viên.
3. Công tác tuyên truyền:
Để thống nhất bộ giáo trình giảng dạy và rèn luyện nhân cách cho học viên, thành phố đã giao Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp với Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy, Lực lượng Thanh niên xung phong, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và hoàn chỉnh ban hành thống nhất bộ giáo trình giảng dạy gồm 76 bài, trong đó 40 bài có nội dung giáo dục nhân cách dành cho học viên và bộ giáo trình 36 bài dành cho cán bộ và giáo dục viên tại các trường, trung tâm cai nghiện.
Tính đến nay đã tổ chức 9.973 tiết giáo dục các loại chuyên đề - nhất là Đề án và Quy chế quản lý, giáo dục, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện cho 363.476 lượt học viên, đây là một trong những hoạt động trọng tâm góp phần phục hồi khả năng tư duy, cảm hóa và thay đổi hành vi, nhân cách của học viên. Các trường, trung tâm đã tư vấn cá nhân cho 43.987 lượt người gồm:
– Tư vấn cho cá nhân học viên: 7.008 lượt người
– Tư vấn cho nhóm tập thể học viên: 14.423 lượt người.
– Tư vấn cho cá nhân gia đình học viên: 12.883 lượt người.
– Tư vấn nhóm tập thể gia đình học viên: 9.673 lượt người.
Ngoài đợt tuyên truyền phổ biến cho 1.500 cán bộ từ thành phố đến quận-huyện, phường-xã, thị trấn về Đề án “Tổ chức, quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện", các sở-ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân quận-huyện đã tổ chức tuyên truyền cho 14.346 lượt cán bộ cơ sở. Công an xã (thị trấn) tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban Nhân dân phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đoàn thể tổ chức 17.321 cuộc sinh hoạt tổ dân phố và đoàn thể có 920.051 người dự nghe tuyên truyền phổ biến Đề án án "Tổ chức, quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện".
4. Công tác tổ chức học văn hóa, học nghề:

Qua số liệu thống kê về trình độ văn hóa và tay nghề, nghề nghiệp chuyên môn trong học viên và người sau cai nghiện cho thấy: có trên 50% số học viên có trình độ tiểu học và mù chữ, 34% có trình độ trung học cơ sở; 90% không có nghề nghiệp chuyên môn và hầu hết không có nghề nghiệp ổn định. Thành phố đã quan tâm đầu tư cho công tác dạy văn hóa ngay từ những ngày đầu khi các trường, trung tâm còn rất nhiều khó khăn: vừa tổ chức cắt cơn chữa bệnh, vừa ổn định sinh hoạt cho học viên và tiếp nhận thêm học viên mới với điều kiện cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nhưng vẫn tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề cho học viên với kết quả đạt được như sau:
4.1- Học văn hóa: đã tổ chức các lớp học từ xóa mù đến trung học phổ thông cho 8.316 lượt học viên các trung tâm trực thuộc Sở và Lực lượng Thanh niên xung phong. Trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc tiểu học và bổ túc trung học cơ sở, bổ túc trung học phổ thông đợt I năm 2004 vừa qua có 727/740 học viên tốt nghiệp bổ túc tiểu học, đạt tỷ lệ 98,24%; có 146/146 học viên tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở, đạt tỷ lệ 100%; có 25/26 học viên tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông, đạt tỷ lệ 96,15%.
Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thanh thiếu niên 2, Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá và Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân đang chuẩn bị triển khai mở thí điểm liên kết đào tạo đại học từ xa năm học 2004-2005 cho cán bộ công nhân viên và một số học viên gia đình có điều kiện cho con-em theo học.
4.2- Học nghề: tại 18 trường, trung tâm cai nghiện ma túy đã tổ chức được 972 lớp dạy nghề cho 21.687 lượt học viên gồm các ngành nghề như: điện cơ, điện gia dụng, sửa xe gắn máy, hớt tóc, lái xe ô tô, mộc, mỹ nghệ, gò hàn, kỹ thuật viên tin học, vi tính văn phòng,... Thông qua việc làm đã dạy nghề cho 3.000 học viên với các ngành như: may, thêu, đan và làm hàng thủ công mỹ nghệ gắn với tổ chức sản xuất giải quyết việc làm tại chỗ.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở và Lực lượng Thanh niên xung phong mở 19 lớp đào tạo dài hạn cho 673 học viên. Riêng Trung tâm Tư vấn cai nghiện ma túy và Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thanh thiếu niên 2 đào tạo 30 học viên bậc 3/7. Các trường, trung tâm đã cấp 1.348 chứng chỉ nghề cho học viên và đang chuẩn bị cấp tiếp 601 chứng chỉ nghề cho các học viên hoàn thành khóa học.
5. Tổ chức lao động sản xuất, giải quyết việc làm cho học viên và người sau cai nghiện:
Các trường, trung tâm tích cực tổ chức trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp như: cao su, tiêu, điều, cà phê, mì, xà cừ, cây ăn quả... gắn với việc trồng rau xanh và chăn nuôi các loại gia súc: bò sữa, bò thịt, heo, dê, ba ba, cá sấu,... vì vậy với các hình thức sản xuất này, các trường, trung tâm đã tự tức được 70% - 80% nhu cầu thực phẩm hàng ngày. Bên cạnh đó các trường, trung tâm đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, gia công chế biến thực phẩm như: bánh mì, sữa đậu nành, tương chao, đậu hũ góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn và đồng thời giải quyết việc làm cho học viên và bước đầu tạo thêm thu nhập cho học viên và người sau cai nghiện.
5.1- Công tác liên kết sản xuất:
– Tính đến nay đã có 73 đơn vị tham gia. Trong đó: các trường, trung tâm đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với 51 đơn vị với tổng số vốn đầu tư khoảng gần 62 tỷ đồng, giải quyết cho 10.452 học viên và 6.521 người sau cai nghiện có việc làm thông qua các ngành nghề: gia công hàng tiểu thủ công nghiệp "mây tre lá, giấy vàng mã, thêu rua, kết cườm, công nhân may công nghiệp gia công hàng xuất khẩu; sơ chế hạt điều; cá bò; nghề mộc; công nhân tại xưởng sản xuất hàng nhựa gia dụng; sản xuất tượng người mẫu; hộ lý phục vụ, chăm sóc cho các đối tượng là bệnh nhân AIDS tại Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy tham gia các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt...
Thu nhập bình quân học viên và người sau cai nghiện từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/người/tháng, có gần 700 người thu nhập từ 450.000 đồng đến 500.000 đồng/tháng (đây là số học viên có đủ sức khỏe và không phải học văn hóa). Bình quân 1 ngày công lao động từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/ngày. Nhiều học viên đã gửi tiết kiệm như: Trung tâm Cai nghiện ma túy Bình Đức có 778 học viên gửi tiết kiệm với tổng số tiền là 102.502.000 đồng, các học viên Trung tâm Chữa bệnh Phú Văn gửi được 120.000.000 đồng, có một học viên gửi tiết kiệm cao nhất là 1.800.000 đồng (Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân), v.v...
– Để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào các trường, trung tâm, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh để xúc tiến các hoạt động kêu gọi đầu tư và nghe các nhà doanh nghiệp góp ý dự thảo về các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của thành phố, song song đó tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm của học viên làm ra để góp phần tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, liên kết hỗ trợ sản xuất.
– Để phục vụ tốt nhu cầu đối lưu hàng hóa và phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân viên, thân nhân và học viên; được sự hỗ trợ của Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, Lực lượng Thanh niên xung phong đang xây dựng phương án tổ chức các siêu thị loại nhỏ để cung cấp các loại hàng hóa tiêu dùng trong hệ thống trường, trung tâm với chất lượng bảo đảm và giá cả bằng giá siêu thị ở thành phố.
Mô hình này hiện được thực hiện thí điểm tại Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 4 và trong thời gian tới các trường, trung tâm còn lại của thành phố sẽ tiếp tục mở rộng các loại hình này nhằm giải quyết một phần các sản phẩm của học viên làm ra và giải quyết căn cơ các phản ảnh về tình hình bán giá quá cao tại các căng tin.
– Hiện nay việc triển khai mô hình sản xuất liên kết với các cơ sở sản xuất các doanh nghiệp theo các hình thức như: Các trường, trung tâm cai nghiện chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng xưởng trường, nhà kho, cung ứng lao động. Cơ sở sản xuất đầu tư trang thiết bị máy móc nguyên vật liệu, kỹ thuật, quản lý, bao tiêu sản phẩm. Các nhà đầu tư tự bỏ vốn 100%, trung tâm cung ứng lao động, doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động với học viên. Gia đình học viên đầu tư liên kết sản xuất tạo việc làm cho học viên. Trung tâm tự đứng ra tổ chức sản xuất giải quyết việc làm cho học viên.
5.2- Giải quyết việc làm thông qua cụm Công nghiệp Nhị Xuân: Tính đến nay đã có 41 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào cụm Công nghiệp Nhị Xuân. Trong đó, có 24 doanh nghiệp đang tiến hành xúc tiến lập dự án, thủ tục đầu tư như sau:
– Ngành nghề tham gia nhiều nhất là ngành dệt, may (12 doanh nghiệp), còn lại là các ngành: điện, bao bì, đồ gỗ, mỹ nghệ, giày.
– Diện tích thuê đất 26 ha; dự kiến sử dụng lao động 9.489 người (5.190 người sau cai nghiện).
Tính đến nay, diện tích đất đã được phát hoang 51,75 ha; đã thi công hoàn tất hạng mục san lấp mặt bằng khu số 3 (12 ha). Hiện nay, đang triển khai đấu thầu san lấp các khu còn lại và thi công các hạng mục hạ tầng khác, đồng thời tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp tiến hành các thủ tục đầu tư, dự kiến tháng 8 năm 2004 sẽ bàn giao mặt bằng cho 3 doanh nghiệp để thực hiện thủ tục và xin giấy phép xây dựng.
6. Công tác chăm sóc sức khỏe:
Đây là một trong những vấn đề được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo từ đầu nên khi tiếp nhận học viên ngành y tế đã tiến hành lập sổ theo dõi sức khỏe cho từng người, đã xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe học viên cho các trường, trung tâm và với số lượng học viên như hiện nay, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế triển khai nhiều biện pháp tích cực chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh như:
– Phân công các bệnh viện của thành phố kết nghĩa với các trường, trung tâm và tổ chức các đoàn khám chuyên khoa luân phiên đi khám chữa bệnh và trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ y bác sĩ của các đơn vị, giúp giải quyết các khó khăn về y tế tại các trường, trung tâm: khám phân loại sức khỏe cho toàn bộ học viên. Kết quả phân loại sức khỏe:
+ Từ loại I đến loại III khoảng 65% - 70% (đủ sức khỏe để lao động).
+ Loại IV khoảng 20% - 28% (lao động nhẹ).
+ Loại V khoảng 2% - 10% (chủ yếu thuộc nhóm học viên bị AIDS chuyển sang giai đoạn nặng - suy kiệt).
– Bên cạnh việc điều trị tích cực cho các học viên bị mắc bệnh cơ hội, thành phố đã đầu tư xây dựng 2 bệnh viện với sức chứa từ 400 đến 600 giường bệnh để điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV chuyển sang AIDS; đã triển khai xây dựng các khu cách ly tại các trường, trung tâm để chăm sóc những học viên mắc các bệnh lây nhiễm theo tiêu chuẩn quy định của ngành y tế.
– Để chăm sóc cho những học viên bị nhiễm HIV/AIDS, thành phố đã chỉ đạo nhân rộng mô hình nhóm học viên đồng đẳng của Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân. Vận động 50 học viên tình nguyện tham gia khóa tập huấn nhân viên chăm sóc sức khỏe và vận động được 12 Sơ thuộc các dòng tu tình nguyện tham gia chăm sóc học viên nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy.
Song song với công tác khám chữa bệnh cho học viên và người sau cai nghiện, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cũng được quan tâm chỉ đạo với các biện pháp đồng bộ như:
Tổ chức bếp ăn công nghiệp, thường xuyên thực hiện 3 diệt (diệt ruồi, muỗi, gián). Đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt và quy trình xử lý rác thải và nước thải y tế cho mỗi trường, trung tâm, vì vậy đến nay chưa để xảy ra tình trạng dịch bệnh hay bị ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó để xử lý triệt để rác thải và nước thải sinh hoạt, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã đi khảo sát thực tế các trung tâm cụm Phước Long - Bình Phước để đưa ra biện pháp giải quyết triệt để phương án xử lý nước thải phù hợp với đặc điểm từng trung tâm theo hướng đưa công nghệ mới về sinh học và hóa học để xử lý tốt và an toàn cho môi trường.
7. Công tác đấu tranh phòng chống thẩm lậu thuốc lá, ma túy, tiền vàng; tình trạng đại bàng, đầu gấu, trốn trường, trốn viện:
Đây là một trong những nhiệm vụ mà thành phố rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, vì vậy trong 6 tháng đầu năm các trường, trung tâm đã chủ động phòng ngừa nạn thẩm lậu thuốc lá, ma túy vào các trung tâm cai nghiện khá hiệu quả. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Lực lượng Thanh niên xung phong đã tập trung chỉ đạo nhiều biện pháp khắc phục như xây dựng kế hoạch quản lý học viên, trong đó tập trung nhóm có khả năng vi phạm; tư vấn, động viên gia đình học viên; tăng cường kiểm tra giám sát ngày thăm nuôi, kiểm tra căng tin, kiểm tra cán bộ nhân viên khi ra vào trung tâm.
Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương đấu tranh chuyển hóa địa bàn nhằm ngăn chặn việc thẩm lậu ma túy, thuốc lá. Kết quả trong 6 tháng đầu năm giảm 25% vụ thẩm lậu thuốc lá và 80% thẩm lậu ma túy tình trạng học viên trốn trường giảm hẳn trong những tháng gần đây.
8. Công tác tổ chức bộ máy, đào tạo, tuyển dụng cán bộ tại các trường, trung tâm:
8.1- Củng cố kiện toàn bộ máy:
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tổ chức bộ máy và cán bộ tại các đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng, thành phố đã tạo điều kiện về chính sách chế độ trợ cấp ngoài lương để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên, tạo điều kiện học tập về chuyên môn, cho nhập hộ khẩu thành phố... để thu hút cán bộ phục vụ tại các trường, trung tâm xa thành phố. Đến nay, tổng số định biên của các trung tâm 5 - 6 là 2.738 người, trong đó 30% có trình độ đại học, trên 20% cán bộ có trình độ trung học chuyên nghiệp và cao đẳng, hướng tới thành phố tiếp tục tuyển thêm 300 người (chưa kể hai trung tâm mới thành lập). Mức thu nhập bình quân hiện nay của cán bộ công nhân viên ở các trường, trung tâm từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng.
Việc củng cố kiện toàn Ban lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn của các trường, trung tâm cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó giúp cho các đơn vị khắc phục được những mặt tồn tại, yếu kém, để từng bước đưa đơn vị đi vào hoạt động ổn định.
Thiết lập mối quan hệ giữa các trường, trung tâm theo từng cụm để kịp thời có phương án hợp đồng tác chiến ứng phó kịp thời các tình huống phức tạp nảy sinh và hỗ trợ trong công tác quản lý
8.2- Công tác đào tạo, bồi đường tập huấn nghiệp vụ:
– Trong 6 tháng đầu năm 2004 các trường, trung tâm đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo vệ cho cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, quản lý học viên và phối hợp với Công an thành phố - Phòng PV28, các phòng nghiệp vụ Công an thành phố đã tổ chức 2 khóa tập huấn cho 84 cán bộ công nhân viên làm công tác bảo vệ. Dự kiến đến tháng 7 năm 2004 tổ chức tập huấn cho 223 cán bộ nhân viên còn lại tại cụm Bình Phước.
– Tham gia lớp tập huấn cai nghiện phục hồi do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức cho Ban Giám đốc, Trưởng phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng, Trưởng phòng y tế các trung tâm cai nghiện.
II.- NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ:
1. Thuận lợi:
Trong năm qua, các nội dung của chương trình mục tiêu "3 giảm" tiếp tục được thành phố, các ngành, các cấp, Mặt trận và các đoàn thể triển khai khá quyết liệt.
Chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội và ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức xã hội tham gia với những việc làm hết sức thiết thực, hiệu quả.
Quá trình thực hiện chương trình mục tiêu "3 giảm", thành phố đã dồn sức xử lý nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh đòi hỏi phải luôn được bổ sung về mặt nhận thức lý luận cũng như công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện trong thực tiễn để có thể tiếp nhận trên 30 ngàn học viên tập trung cai nghiện và từng bước thực hiện Đề án "Tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sai cai nghiện" đã được Quốc hội xem xét thông qua và cho phép triển khai thực hiện thí điểm; đồng thời việc nghiên cứu xây dựng một loạt các văn bản pháp lý làm cơ sở tổ chức thực hiện như:
Quy chế quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; Quy định trình tự thủ tục giải quyết hồi gia và quản lý người sau nghiện hồi gia về địa phương;
Quy định chế độ ưu đãi, khuyến khích các cơ sở sử dụng lao động là học viên và người sau cai nghiện... Các chính sách chế độ để thu hút cán bộ quản lý và giáo dục viên công tác tại các trường, trung tâm xa thành phố được Hội đồng Nhân dân thành phố cho phép áp dụng, tất cả đã phần nào đáp ứng kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, giúp giải quyết các vấn đề trọng tâm để thực hiện cho được đề án.
2. Khó khăn:

Trong xưởng mộc- mỹ nghệ
Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, thì vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có thời gian để giải quyết đó là vấn đề học nghề và việc làm trong điều kiện có gần 90% học viên và người san cai nghiện mù chữ và có trình độ văn hóa cấp 1, 2; 90% không có tay nghề chuyên môn và việc làm ổn định, tình trạng sức khỏe kém...
Thực trạng tình hình và diễn biến của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và mại dâm còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp; tuy tội phạm nhìn chung có giảm, nhưng trọng án (phần lớn vì các nguyên nhân xã hội) lại tăng, nạn trộm cắp chưa giảm; nhất là tội phạm ma túy, mua bán và chích ma túy tuy được thành phố dồn sức đấu tranh quyết liệt, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn lớn; tệ nạn mại dâm cũng còn nhiều biến tướng tinh vi hơn; việc giáo dục và làm thay đổi hành vi sau khi được tập trung chữa trị, chăm sóc sức khỏe và giáo dục tỏ ra kém hiệu quả..., đòi hỏi phải được tập trung, dồn sức giải quyết với nhiều nội dung, biện pháp đồng bộ và các bước đi thích hợp, từng bước và lâu đài.
Vấn đề thẩm lậu ma túy tại các trường, trung tâm tuy đã được quan tâm giải quyết, xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vì phạm, nhưng vẫn còn xảy ra, cần được tập trung đấu tranh triệt để hơn, song song với việc giải quyết tình trạng đại bàng, đầu gấu đang làm ô nhiễm môi trường sư phạm tại các đơn vị.
Về chính sách ưu đãi khuyến khích các nhà đầu tư liên kết sản xuất tạo việc làm cho học viên và người sau cai nghiện đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng, chưa ban hành chính thức nên chưa thu hút nhiều các doanh nghiệp đầu tư cho các đơn vị ở vùng xa thành phố.
III.- KIẾN NGHỊ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ:
Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các trung tâm, trường trại khắc phục khó khăn và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, xin kiến nghị Hội đồng Nhân dân thành phố như sau:
1. Hình thành trung tâm riêng để tiếp nhận quản lý học viên nghiện ma túy có tiền án, tiền sự, các băng nhóm xã hội đen ngoài đời hiện đang quậy phá tìm cách lôi kéo học viên trốn trại gây mất trật tự; đồng thời có quy định xử lý những học viên cố tình vi phạm những quy chế, quy định của trung tâm cai nghiện.
Đối với gia đình thân nhân học viên cố tình tiếp tay, khuyến khích hoặc bao che cho hành vi vi phạm của con, em mình thì đề nghị chính quyền quận-huyện, phường-xã đưa ra tổ dân phố để kiểm điểm phê bình.
2. Xem xét tiếp tục hỗ trợ tiền ăn hàng ngày và kinh phí khám, điều trị cho học viên sức khỏe loại 4-5 và học viên sau cai nghiện tham gia lao động sản xuất nông nghiệp và những nghề tiểu thủ công nghiệp không ổn định, có thu nhập thấp không tự trang trải cuộc sống được theo tinh thần Đề án sau cai; xin mức trợ cấp giữ nguyên như hiện nay.
TM. Ủy ban Nhân dân thành phố
KT. Chủ tịch
Phó Chủ tịch
NGUYỄN THÀNH TÀI