Đội ngũ trí thức KH-CN TPHCM 30 năm, nhìn lại

Đội ngũ trí thức KH-CN TPHCM 30 năm, nhìn lại

Hơn 150 nhà khoa học đầu ngành ở TPHCM đã có mặt tại buổi hội thảo “Tập hợp, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức KH-CN TPHCM vì sự nghiệp phát triển” vừa được tổ chức mới đây.

Tại hội thảo, các trí thức KH-CN TP đã khẳng định: vượt lên tất cả, đội ngũ trí thức KH-CN TPHCM đã tập hợp nhau lại, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, đóng góp ngày càng thiết thực vào việc phát triển kinh tế- xã hội của TPHCM.

  • Tiến thẳng vào công nghệ cao
Đội ngũ trí thức KH-CN TPHCM 30 năm, nhìn lại ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ phải sang) trao đổi với các nhà khoa học được nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ TPHCM 2004. Ảnh: MAI HẢI

Với phong cách trẻ trung, mạnh dạn, PGS-TS Trần Linh Thước, Chủ nhiệm chương trình công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM nêu vấn đề: các nước phát triển về CNSH hiện đang đầu tư kinh phí rất lớn để tiến hành các nghiên cứu triển khai làm nền tảng cho việc hình thành nền công nghiệp CNSH dựa trên bộ gien.

Trong khi đó, ở nước ta, CNSH vẫn còn lạc hậu. Tháng 11-1004, Chính phủ đã có nghị quyết 18/CP về phát triển CNSH đến năm 2010, xác định CNSH là một trong ba ngành công nghệ mũi nhọn góp phần khai thác tối ưu các nguồn lực của đất nước, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tháng 3-2005, chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra về việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH từ nay đến năm 2020 đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của CNSH trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ở TPHCM, các kết quả phát triển CNSH TPHCM hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi. Để có thể xây dựng CNSH thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, PGS Trần Linh Thước nêu một số giải pháp: cần có sự đổi mới trong nhận thức về mục tiêu phát triển CNSH và vai trò của CNSH, xác định phát triển CNSH là nhằm hình thành một ngành kinh tế tri thức có tính cạnh tranh cao dựa trên CNSH; xây dựng chiến lược phát triển CNSH TPHCM và quy họach phát triển công nghiệp sinh học; tăng cường việc tổ chức chỉ đạo phát triển CNSH; có chính sách khai thác hiệu quả tiềm lực nghiên cứu triển khai CNSH; ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào CNSH.

“TP cần có ngay một siêu thị tự động hóa, tiến hành phổ cập kiến thức tự động hóa cơ bản, cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng về công nghệ tự động hóa trên cơ sở có những trang thiết bị thực hành, thực tập hiện đại và tài liệu giảng dạy luôn được cập nhật mới; phối hợp khai thác sử dụng tốt phòng thí nghiệm tự động hóa trọng điểm quốc gia, xây dựng và đưa vào hoạt động các trung tâm tự động hóa công nghiệp tương đối hiện đại…” là mong muốn của PGS, TS Nguyễn Mộng Hùng, người lãnh đạo lâu năm của Hội Khoa học công nghệ tự động hóa TPHCM.

Ông nhấn mạnh: phải có những động thái mạnh để sớm tạo ra môi trường và thị trường cho công nghệ tự động hóa tại TPHCM.

Trong báo cáo về hoạt động 30 năm qua của ngành hóa học TPHCM, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn nêu yêu cầu mới: Chúng ta nói nhiều đến hóa học xanh, nhưng vấn đề then chốt là đưa hóa học xanh như thế nào vào thànnh phố để có thể làm ra được một số sản phẩm chủ lực có hàm lượng chất xám cao, có giá trị kinh tế lớn mà không gây ô nhiễm môi trường.

Trong chiều hướng đó, sự kết hợp có tính cách chế định giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu là cấp bách để có thể khai thác hữu hiệu các phương tiện vật chất và nguồn nhân lực của nhau.

Hội thảo còn có báo cáo của của PGS-TS Võ Văn Sen về “Khoa học lịch sử và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế”, của TS Trương Văn Đa về “xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái” …

  • Phát huy tài năng sáng tạo của các nhà khoa học

Về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội – một trong những công việc quan trọng của Liên hiệp Các Hội KH KT TPHCM (LHHKHKT TP), PGS-TS Huỳnh Văn Hoàng phấn khởi thông báo: từ năm 2003, UBND TPHCM đã hỗ trợ mỗi năm 1 tỷ đồng cho hoạt động này của LHHKHKT TP.

Các ý kiến đóng góp khoa học, độc lập, trung thực, khách quan, các giải pháp công nghệ hữu ích trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHHKHKT TP đã góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh các dự án, công trình của thành phố theo hướng chất lượng hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả thiết thực hơn, góp phần tránh được sai sót không đáng có ở nhiều dự án, công trình.

Mặt khác, hoạt động này cũng góp phần giúp LHHKHKT TP tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH-CN, thể hiện tiềm năng to lớn, đa ngành cũng như tâm huyết của đội ngũ trí thức KH-CN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Là chủ nhiệm đề tài “Thực trạng sử dụng đội ngũ KH-CN trên địa bàn TPHCM - nguyên nhân và các giải pháp phát huy hiệu quả”, PGS.TS Hòang Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở KH-CN TPHCM đã nêu mặt mạnh của đội ngũ KH-CN TPHCM là: năng động, gắn kết với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các nhu cầu của thực tiễn kinh tế- xã hội, thích nghi với cơ chế thị trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội thành phố.

Tuy vậy, mặt hạn chế của đội ngũ này cũng còn không ít: chưa cập nhật được với trình độ KH-CN thế giới; điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, chậm được cải thiện; có quá nhiều “lỗ trống” ở các lĩnh vực công nghệ cao; thiếu nhiều cán bộ đầu đàn giỏi…

Ông cho rằng suất đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D) của thành phố còn nhỏ quá nên không tạo ra được những thành quả KH-CN lớn, quy mô thương mại hóa công nghệ còn nhỏ bé và các công nghệ được thương mại hóa còn giới hạn ở những loại đơn giản.

Trong loạt giải pháp đề nghị để xây dựng và phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ KH-CN trên địa bàn TP, PGS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: phải quản lý được tri thức, phải biết tri thức đang có để phát huy và tri thức đang thiếu để thu thập từ ngoài hoặc tự sáng tạo ra; cần đa dạng hóa phương thức phát huy tiềm năng sáng tạo và có cơ chế quản lý tương ứng; cần chỉnh sửa lại các chính sách, chế độ, cơ chế quản lý KH-CN.

Nhìn lại chặng đường 30 năm, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn bày tỏ: 30 năm qua, đội ngũ cán bộ nghiên cứu ngành hóa TP từng bước đã trưởng thành và luôn nhận được sự chăm sóc, động viên, hỗ trợ phương tiện làm việc của TP. GS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch LHHKHKT TP, đúc kết: có thể tự hào rằng đội ngũ trí thức TPHCM đã đạt được vị trí xứng đáng trong liên minh công-nông-trí dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh.

KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục