
(SGGP).- Tuyển không đủ nhân sự, khối lượng công việc quá lớn - đó là tình hình chung của công tác tư pháp tại các tỉnh miền Đông Nam bộ hiện nay. Dù các địa phương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ, nhưng xem ra những khó khăn này không thể giải quyết một sớm một chiều.
Tìm cán bộ - bài toán khó
Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho biết: “Dù TPHCM là đô thị lớn nhưng công tác tư pháp ở cơ sở vẫn gặp khó khăn về cán bộ. Có nơi, cán bộ tư pháp chưa qua các lớp đào tạo nghiệp vụ nên kiến thức pháp lý chưa vững, có nơi cán bộ “đủ lông, đủ cánh” thì chuyển đi nơi khác công tác”.
Tương tự, ông Trần Văn Xê, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận, nói về công tác nhân sự tại địa phương mình: “Hiện 10 huyện, thị trong tỉnh “kêu” không có nhân sự, dù nỗ lực tuyển cũng không ai vào; cán bộ tư pháp xã thường xuyên thay đổi, công tác chưa bao lâu thì được cất nhắc lên làm phó chủ tịch UBND xã hoặc làm ở vị trí khác tốt hơn, khiến lực lượng cán bộ tư pháp xã luôn bị thiếu hụt”.

Cán bộ cơ quan thi hành án Dân sự quận 1 TPHCM đang tổ chức cưỡng chế để thi hành một bản án. Ảnh: L.T.HÂN
Ông Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, chia sẻ: “Do Tây Ninh gần TPHCM nên rất khó giữ chân các cử nhân luật đã học xong lớp đào tạo luật sư làm việc tại các cơ quan tư pháp của tỉnh”. Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh than thở rằng ngành tòa án cũng không ngoại lệ, tuyển đã khó, giữ chân còn khó hơn. Thực tế đã có hiện tượng cán bộ tòa án chuyển sang hành nghề luật sư – nghề đang được xem “thời thượng”.
Trong lĩnh vực tư pháp, Thi hành án (THA) Dân sự là ngành khó tuyển dụng nhân sự nhất. Theo lãnh đạo THA Dân sự tỉnh Tây Ninh, ngành THA của tỉnh hiện còn thiếu 11 chỉ tiêu biên chế, dù đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hàng năm cũng chỉ tuyển được 2 – 3 người; và khi mới nhận vào được vài người thì lại có vài người khác rục rịch xin chuyển sang nơi khác công tác, mà nguyên nhân chỉ vì chế độ lương, thưởng chưa tương xứng với tính chất khó khăn, phức tạp, nguy hiểm của công việc. Tỉnh Bình Thuận cũng khó khăn chẳng kém, bằng nhiều kênh thông tin, tuyển dụng, từ đầu năm đến nay, ngành THA tỉnh chỉ tuyển được 3 chấp hành viên, vẫn còn thiếu 19 biên chế chưa tuyển dụng được.
Chỉ tiêu công việc - nhiệm vụ bất khả thi!?
May mắn hơn những địa phương khác về phần nhân sự, vì cơ bản đã tuyển đủ biên chế do Bộ Tư pháp phân bổ, nhưng ngành THA Dân sự TPHCM lại “đau đầu” với bài toán: làm thế nào hoàn thành chỉ tiêu công việc được giao. Ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng THA Dân sự TPHCM, bộc bạch: “Cái khó của chúng tôi là chấp hành viên đảm đương khối lượng việc quá lớn, trong khi đó các vụ việc thụ lý mới liên tục tăng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, lượng việc đã tăng 5% so với năm ngoái (ngành THA Dân sự tính thời gian một năm công tác từ ngày 1-10 năm trước đến hết ngày 30-9 năm sau). Việc bộ giao mỗi năm giải quyết từ 10% - 15% án tồn đọng rất khó thực hiện, bởi thực tế cho thấy, năm 2008 dù chúng tôi chỉ đạo quyết liệt, các chấp hành viên phấn đấu hết mình nhưng cũng chỉ giải quyết được 10,85% án tồn đọng. Chưa kể năm nay, cơ quan THA Dân sự mất nhiều thời gian, công sức cho công tác triển khai thực hiện Luật THA Dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009, do luật có nhiều quy định mới, mang tính đột phá”.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Lực đề nghị Bộ Tư pháp nên xem xét lại chỉ tiêu giải quyết án tồn đọng để đề ra con số chỉ tiêu hợp lý hơn.
Với nhiều địa phương khác, hoàn thành chỉ tiêu giải quyết 75% về việc, 55% về giá trị phải thi hành mà Bộ Tư pháp giao cho là một việc vượt quá khả năng. Ngoài việc thiếu nhân sự, một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ giải quyết đạt thấp là ý thức chấp hành pháp luật của người phải THA chưa cao, nhiều trường hợp người phải THA cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản để trốn tránh hoặc khiếu nại nhằm mục đích kéo dài việc thực hiện trách nhiệm THA của mình.
Bên cạnh đó, công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện THA chưa được quan tâm đúng mức, cũng là nguyên nhân làm giảm số vụ việc thi hành xong của cơ quan THA Dân sự. Ngoài ra, Luật THA Dân sự còn quy định chuyển giao công việc xác minh tài sản có điều kiện thi hành từ cơ quan THA sang cho người dân. Trên thực tế, người dân gặp khó khăn trong quá trình trực tiếp xác minh tài sản, từ đó khiến cho thời gian THA bị kéo dài.
Chính vì vậy, lãnh đạo ngành THA Dân sự nhiều địa phương gọi đây là “nhiệm vụ bất khả thi”. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2009 ở tỉnh Tây Ninh, THA về việc chỉ đạt gần 55%, THA về giá trị đạt gần 40%; ở tỉnh Bình Thuận THA về việc đạt gần 57%, THA về giá trị chỉ đạt gần 31%... Một khi những vướng mắc, khó khăn này chưa được tháo gỡ thì vẫn còn rất nhiều bản án, quyết định của tòa án chỉ “nằm trên giấy”, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người được tuyên thắng kiện.
TỐ NHI