Công tác y tế dự phòng: Thiếu và yếu

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh tại TPHCM diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh sốt xuất huyết và tiêu chảy cấp, dịch tay-chân-miệng, cúm A các loại cũng lây lan rộng, độc lực virus biến chủng. Trong khi người dân ngày càng hoang mang đối phó với dịch bệnh thì hệ thống y tế phòng dịch lại đang đối diện với nhiều bất cập.
Công tác y tế dự phòng: Thiếu và yếu

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh tại TPHCM diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh sốt xuất huyết và tiêu chảy cấp, dịch tay-chân-miệng, cúm A các loại cũng lây lan rộng, độc lực virus biến chủng. Trong khi người dân ngày càng hoang mang đối phó với dịch bệnh thì hệ thống y tế phòng dịch lại đang đối diện với nhiều bất cập.

  • Thiếu nhân lực

Vừa bùng phát dịch bệnh tay-chân-miệng mấy tháng qua nhưng công tác y tế dự phòng quận Bình Tân đã tỏ ra rất lúng túng. Không chỉ số ca mắc cao nhất thành phố (230 ca) mà số ca tử vong cũng đứng đầu (2 ca).

Tại cuộc họp mới đây, ông Ngô Văn Lượm, Trưởng phòng Y tế quận Bình Tân, cho rằng không phải ngành y tế và chính quyền địa phương thờ ơ với phòng chống dịch mà là do dân cư quá đông trong khi lực lượng y tế quá mỏng. Ông Lượm đơn cử cả quận có 10 trạm y tế nhưng bình quân mỗi trạm chỉ có 6-7 cán bộ y tế, với bao nhiêu việc phải làm.

Quận 8 là một trong những địa bàn xảy ra nhiều dịch bệnh trong nhiều năm qua, nhất là dịch sốt xuất huyết. Vừa qua, tình hình dịch bệnh tay-chân-miệng ở địa bàn này cũng phức tạp với nhiều ca mắc. Tại cuộc họp phòng chống dịch bệnh do quận tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế hiện nay trong mạng lưới y tế dự phòng là tổ chống dịch ở các phường.

Quận 8 có 16 phường và mỗi phường đều có tổ chống dịch bệnh do UBND phường thành lập, chỉ đạo. Thành phần của tổ là nhân viên trạm y tế phường, cán bộ trật tự đô thị và chủ yếu là các tổ trưởng tổ dân phố. Mặc dù tổ chống dịch cũng được tập huấn kiến thức nhận biết bệnh, kỹ thuật phun thuốc, vệ sinh diệt trùng, diệt muỗi, lăng quăng nhưng thành phần của tổ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ hạn chế.

Thực tế này cũng đang xảy ra tại Trung tâm y tế dự phòng quận Bình Thạnh. Trong các năm qua, quận Bình Thạnh là một trong những địa bàn dẫn đầu TP về dịch sốt xuất huyết. Quận Bình Thạnh có 20 phường, mỗi phường có một tổ chống dịch bệnh. Mỗi tổ chống dịch có 4-5 người và thành phần chủ yếu cũng chỉ có các tổ trưởng tổ dân phố dưới sự chủ trì của cán bộ trạm y tế. “Chính vì nhân sự kiêm nhiệm, không chuyên trách và thay đổi xoành xoạch nên mỗi lần như thế lại phải tập huấn lại” - một cán bộ Trung tâm y tế dự phòng quận than thở.

Quy trình hoạt động của tổ chống dịch cũng theo kiểu… có ca dịch thì làm, không có thì thôi. Thậm chí, mỗi lần có ca dịch, tập hợp tổ chống dịch cũng không đủ quân số vì thay đổi nhân sự liên tục.

Sau khi có chủ trương tách y tế dự phòng ra khỏi trung tâm y tế quận huyện từ năm 2006, vai trò của y tế dự phòng quận huyện gần như tê liệt trong thời gian chuyển đổi. Nhiều quận huyện khi tách y tế dự phòng ra nhưng không có trụ sở, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị èo uột. Bình quân trung tâm y tế dự phòng mỗi quận, huyện chỉ có 3-4 cán bộ chuyên trách phòng chống dịch bệnh.

“Với tình hình dịch bệnh ngày càng tăng, chí ít khoa kiểm soát dịch bệnh của mỗi trung tâm cũng phải 7-8 người nhưng con số thực chưa được một nửa” - giám đốc một trung tâm y tế dự phòng cho biết.

Theo Sở Y tế TPHCM, mỗi năm toàn TP chỉ có khoảng 40-50 cử nhân y tế công cộng ra trường và 20-25 bác sĩ chuyên khoa y tế công cộng. Con số này không đáp ứng đủ nhu cầu.

  • Yếu chuyên môn

Mặc dù 322 trạm y tế phường xã của TPHCM đạt chuẩn quốc gia nhưng đó chỉ là tiêu chuẩn về nhân sự và cơ sở vật chất. Về chuyên môn, nhất là phòng chống dịch bệnh, còn nhiều hạn chế.

Thiếu nhân lực, không ít Trung tâm y tế dự phòng quận huyện phải thuê mướn người phun hóa chất phòng dịch. Ảnh: Tg. LÂM

Thiếu nhân lực, không ít Trung tâm y tế dự phòng quận huyện phải thuê mướn người phun hóa chất phòng dịch. Ảnh: Tg. LÂM

Trong nhiều cuộc họp giao ban về phòng chống dịch bệnh tay-chân-miệng mới đây, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, không khỏi băn khoăn về trình độ chuyên môn của cán bộ phòng dịch trạm y tế phường xã. Đơn cử như liều lượng, cách thức pha chế và sử dụng hóa chất diệt khuẩn Chloramin B, không phải cán bộ nào cũng thuộc hết.

“Nhiều khi cán bộ trạm y tế được tập huấn về tỷ lệ, cách thức pha, phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng nhưng không trực tiếp đi phun mà thuê người đi phun. Cho nên không thể kiểm soát được hiệu quả. Phun xong, muỗi vẫn sống sờ sờ” - BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP, phàn nàn.

Đó là chưa kể không ngoại trừ trường hợp các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện giao thuốc, hóa chất về cho các trạm y tế phường, xã, rồi trạm y tế giao lại cho người được thuê mướn tự pha lấy càng lãng phí, không hiệu quả.

Hoạt động phòng chống dịch bệnh của trung tâm y tế dự phòng các quận huyện hiện nay vẫn trông chờ vào tổ chống dịch phường xã. Khi nào các bệnh viện hoặc Trung tâm y tế dự phòng TP báo xuống có ca dịch bệnh, trung tâm y tế dự phòng quận huyện lại chỉ đạo cho tổ chống dịch phường xã đi xác minh. Nếu xác minh có sẽ tiến hành xử lý, dập dịch, còn không thì thôi. Có nghĩa là công tác phòng chống dịch bệnh vẫn hoàn toàn thụ động, chạy theo ca bệnh là chính.

Ngoài ra, việc dự trữ thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh cũng đáng bàn. Nhiều trung tâm y tế dự phòng quận huyện phàn nàn năm nào dịch sốt xuất huyết cũng bùng phát mạnh nhưng mỗi lần cần thuốc phun xịt, hóa chất khử khuẩn là phải lên Trung tâm y tế dự phòng TP xin. Tuy nhiên, muốn xin hóa chất dự trữ nguyên cả năm thì kho bãi lại tạm bợ, không đảm bảo.

“Có lúc dịch bệnh phát sinh bất ngờ, cần phải có hóa chất ngay để xử lý nhưng thủ kho thông báo đã cạn kiệt. Đến khi lên Trung tâm y tế dự phòng TP nhận hóa chất về thì đã muộn” - giám đốc một trung tâm y tế dự phòng cho biết.

Hiện tất cả trung tâm y tế dự phòng của 24 quận huyện đều không đủ khả năng dự trữ vaccine, hóa chất nguyên cả năm. Ngoài một số quận huyện có thể dự trữ được trong vòng 3-6 tháng, hầu hết các quận huyện còn lại chỉ dự trữ được khoảng 1-2 tháng. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục