Đã 36 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân được sống trong thanh bình, ấm no, hạnh phúc. 36 năm – 36 mùa hoa thắng lợi đã đem lại nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa và xã hội ở khắp các tỉnh thành của Tổ quốc.
Có thể khẳng định, công trình Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc TPHCM là một thành tựu văn hóa lớn, độc đáo, mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc. Thực hiện công trình mang đậm chất văn hóa, lịch sử như thế là hành động thiết thực mà chính quyền và nhân dân thành phố thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn của thế hệ hôm nay với tổ tiên, với nguồn cội.
Theo dự án xây dựng hoàn tất công viên trong 20 năm, thì đến năm 2020, công viên sẽ đưa vào hoạt động đến hơn 80% các công trình lớn nhỏ với tổng diện tích hơn 400 ha, được quy hoạch tổng thể với 4 khu: khu Cổ đại, khu Trung đại, khu cận hiện đại và khu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí (bao gồm cù lao Bà Sang). Vì là một công trình quy mô, có giá trị đặc biệt, nên việc thực hiện và hoàn tất công trình được chăm chút, quan tâm kỹ lưỡng, kiểm tra sát sao, cẩn trọng, để cầu sự chỉnh chu, hoàn mỹ, đạt được độ chính xác về lịch sử, văn hóa, kiến trúc…
Từ ngày Giỗ Tổ mùng 10-3 năm 2009 đến nay, Đền thờ các vua Hùng đã chào đón hàng trăm ngàn lượt nhân dân TPHCM và nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam đến tham quan, tưởng niệm, vọng bái tổ tiên, hướng về cội nguồn, là nơi tổ chức các lễ hội, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc của các thế hệ, đặc biệt là nơi tôn nghiêm tổ chức lễ Giỗ Tổ hàng năm tại TPHCM.
Nhắc đến Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc – niềm tự hào của chính quyền và nhân dân thành phố, những ai quan tâm đều hy vọng, dự án sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch để nhân dân thành phố và cả nước có thêm một điểm đến tham quan, vui chơi giải trí, hướng về nguồn cội thật ý nghĩa, bổ ích.
BẢO LÂM