Công ty cà phê ép dân nhận khoán

Công ty cà phê ép dân nhận khoán

>> Đắk Lắk: Hộ dân nhận khoán cà phê ăn, ngủ trước cổng nhà máy đòi quyền lợi

Hàng chục hộ dân ở xã Cư Né (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) vừa tập trung trước cổng Công ty TNHH Cà phê Phước An để phản đối việc công ty cố tình o ép các hộ nhận khoán cà phê. Các hộ nhận khoán cho rằng, phía công ty đã tự ý thay đổi các điều khoản trong hợp đồng, gây bất lợi cho người dân...

Ép làm hợp đồng mới

Vào năm 1997, nhiều hộ dân ở xã Cư Né và Công ty TNHH Cà phê Phước An (Công ty Phước An, có trụ sở tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đã ký hợp đồng liên kết sản xuất kinh doanh cà phê với phần đầu tư và lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 60-40 (công ty 60%, hộ liên kết 40%); thời gian hợp đồng 25 năm, khi hết hợp đồng thì tài sản còn lại trên đất mỗi bên được hưởng 50%.

Đến năm 2004, Công ty Phước An thay đổi sổ hợp đồng mới, từ hợp đồng “Liên kết sản xuất kinh doanh” sang hợp đồng “Giao nhận khoán vườn cây cà phê” nhưng không thanh lý hợp đồng năm 1997. Đối với hợp đồng năm 2004, các hộ nhận khoán cho rằng, phía công ty đã không bàn bạc thỏa thuận với người dân mà tự ý soạn thảo thay đổi một số điều khoản gây bất lợi cho họ.

Ông Y Ku Niê Siêng (một hộ dân nhận khoán ở xã Cư Né) cho biết: “Trong hợp đồng năm 2004, công ty hủy bỏ quyền lợi của các hộ liên kết khi hết thời hạn hợp đồng 25 năm. Sản lượng nộp lại tăng lên, lượng phân bón đầu tư cho cây trồng lại giảm và phần thuốc trừ sâu thì cắt hẳn. Bên cạnh đó, công ty còn thu thêm 2% phí dự phòng rủi ro, 1% chính sách xã hội; đồng thời tự ý bỏ phần thừa kế sang nhượng trong hợp đồng”.

Nhiều hộ dân tập trung trước cổng Công ty cà phê Phước An để phản đối việc công ty ép họ nhận khoán với nhiều bất lợi. Ảnh: ĐỒNG NGUYÊN

Sau đó, Công ty Phước An còn tiếp tục thay đổi nội dung trong hợp đồng vào năm 2011 và 2014 mà người dân cũng không được tham gia bàn bạc hay thỏa thuận gì. Một số hộ dân liên kết phản ánh rằng, công ty này còn tự ý giả mạo chữ ký của họ để hợp thức hóa các bản hợp đồng này. “Công ty tự soạn thảo nội dung, bổ sung các điều khoản trong hợp đồng gây bất lợi cho các hộ dân như: Bắt người dân trồng cây bơ vào bờ lô và xen cây bơ vào vườn cà phê. Trong khi sản lượng nộp khoán cho công ty vẫn không thay đổi. Công ty còn quy định khi chuyển nhượng vườn cây cho người khác phải đóng phí sang nhượng cho công ty từ 10 - 50 triệu đồng. Khoản thu này không có trong hợp đồng và việc thu phí của công ty không có mức thu cụ thể, thu bằng tiền mặt hoặc trừ thẳng vào sản lượng cà phê vượt khoán của người dân”, chị Nguyễn Thị Thu (ở xã Cư Né) bức xúc.

Thực hiện đúng pháp luật?

Ông Hồ Sỹ Trung, Giám đốc Công ty cà phê Phước An, cho rằng: “Vào năm 2004, trước khi thay đổi hợp đồng, phía công ty tổ chức hội nghị công nhân viên chức và đã được người dân đồng thuận thay đổi các điều khoản trong hợp đồng. Bên cạnh đó, hợp đồng năm 1997 là hợp đồng dân sự, các hợp đồng được ký sau này đã thông qua thỏa thuận nên có thể thay thế hợp đồng cũ mà không cần thanh lý(?). “Trong các hợp đồng ký kết sau này, phía công ty đều làm việc khách quan, đúng quy định của pháp luật, không có chuyện o ép các hộ nhận khoán. Nếu người dân không thống nhất quan điểm vụ việc, có thể được đưa ra tòa án”, ông Trung cho hay. Nói về việc thu phí sang nhượng vườn cây, ông Trung cho rằng: “Việc công ty thực hiện thu phí sang nhượng vườn cây để hạn chế việc sang nhượng hợp đồng của các hộ nhận khoán. Sau khi các hộ kiến nghị, công ty đã xem xét và trả lại tiền cho các hộ dân”.

Theo luật sư Dương Lê Sơn, Văn phòng luật sư La Minh - Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, việc Công ty Phước An tự ý thay đổi nội dung trong hợp đồng, buộc các hộ dân ký kết lại hợp đồng mới, trong khi hợp đồng cũ chưa đến thời hạn kết thúc là không đúng với quy định của pháp luật. “Các hợp đồng được ký kết giữa công ty và người dân là hợp đồng dân sự, được ký kết giữa pháp nhân và cá nhân. Các hợp đồng dân sự này là hợp đồng song vụ, quyền và nghĩa vụ của hai bên tương đồng nhau. Thời gian phát sinh hiệu lực của hợp đồng được xác lập từ khi hai bên ký kết hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng giữa các hộ nhận khoán và công ty đã được ký kết từ năm 1997, có nghĩa là quyền và nghĩa vụ của các bên được xác lập kể từ lúc giao kết hợp đồng là năm 1997. Các hợp đồng sau này được công ty và người dân ký lại vào năm 2004 và 2014 không có điều khoản nào thể hiện đã bãi bỏ nội dung của hợp đồng năm 1997. Vì thế hợp đồng này vẫn tồn tại và có giá trị pháp lý khi giải quyết các tranh chấp”, luật sư Sơn cho hay.

CÔNG HOAN - ĐỒNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục