Để các công viên phục vụ tốt cho người dân vào sinh hoạt, vui chơi giải trí, UBND TPHCM đã chỉ đạo các ngành liên quan không tổ chức hội chợ, triển lãm tại các công viên ở trung tâm TP như Tao Đàn, 30-4, 23-9, Lê Văn Tám… Thế nhưng tình trạng lạm dụng công viên để tổ chức lễ hội, hội chợ, triển lãm vẫn thường xuyên diễn ra.
Trưng dụng công viên sai công năng
Trưng dụng công viên sai công năng
Công viên 23-9 ở trung tâm quận 1, có diện tích hơn 9ha, được chia thành khu A và khu B, nhưng hiện phần lớn diện tích của công viên này trở thành bãi xe, bến xe buýt, khu ăn uống… Phần nhỏ còn lại là cây xanh, bãi cỏ, bồn hoa và lối đi bộ cho người dân vào tập thể dục, giải trí. Tuy nhiên, phần diện tích này cũng thường xuyên bị trưng dụng để tổ chức các lễ hội, hội chợ nhằm mục đích kinh doanh.
Chờ chương trình Giao lưu văn hóa - thương mại các nước ASEAN 2018 kết thúc sau một tuần diễn ra tại Công viên 23-9, ông Phạm Văn Tình (ngụ quận 1) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP than: “Mỗi ngày ở công viên này có hàng ngàn người tới tập thể dục, nhưng vì công viên thường xuyên bị trưng dụng để tổ chức hội chợ, lễ hội, nên chúng tôi hay bị gián đoạn việc tập thể dục nhiều ngày. Khi chúng tôi thắc mắc, Ban quản lý công viên chống chế rằng có thể tập vào sáng sớm khi hội chợ chưa hoạt động. Nhưng nhà báo thử đến đây sẽ thấy, nếu hôm trước có chương trình là sáng hôm sau cả công viên toàn mùi chua của đồ ăn, nước uống bị hư, rồi ly, hộp giấy vứt khắp nơi. Đó là chưa kể không gian toàn ki ốt, gian hàng, bàn ghế, dây nhợ lùng nhùng thì chúng tôi tập thể dục, thư giãn chỗ nào? Ngoài các lễ hội, triển lãm, hội chợ được tổ chức dài ngày thì cứ vào cuối tuần, Công viên 23-9 lại là nơi diễn ra chợ phiên nông sản an toàn. Cho nên thời gian mà công viên này hoạt động đúng công năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, tập thể dục của người dân rất ít ỏi”.
Tương tự, các công viên Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng, Gia Định… cũng bị trưng dụng làm hội chợ, triển lãm, lễ hội liên miên. Cứ vài ngày lại thấy dựng hàng trăm ki ốt, treo băng rôn. Các thảm cỏ, chậu hoa chưa kịp hồi phục vì bị giẫm nát ở hội chợ trước thì lại tiếp tục bị giẫm đạp ở hội chợ sau. Đáng nói, điểm chung của các hội chợ, lễ hội là phần lớn các ki ốt được cho thuê để bán đồ ăn, nước uống, quần áo, túi xách, giày dép… giảm giá. Đó là chưa kể đồ dùng cá nhân của nhân viên các quầy hàng được giăng khắp nơi trong công viên, nên dù tổ chức vì mục đích gì thì cũng không tránh khỏi cảnh nhếch nhác, xấu xí.
Ông Vũ Văn Hải (ngụ ở quận 3) băn khoăn: “TPHCM có rất ít mảng xanh để người dân thư giãn, hít thở không khí trong lành, vậy mà công viên cứ bị trưng dụng làm hội chợ, lễ hội kéo dài hàng tuần. Sau mỗi đợt như vậy, các công viên đều xơ xác. Hàng ngày, bảo vệ phải nhắc nhở người dân vào công viên không được phép ngồi hoặc đi trên cỏ, nhưng mỗi kỳ hội chợ thì người ta cứ tự tiện đào hố, cắm cọc, đặt bàn ghế và ăn uống trên bãi cỏ, còn cây xanh thì bị cột dây, đóng đinh. Tôi vẫn dạy cháu mình phải giữ gìn từng bông hoa, từng cọng cỏ trong công viên, nhưng hội chợ cứ diễn ra bát nháo trong công viên như vậy thì làm sao giữ gìn được”.
Chấn chỉnh
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, trong năm 2016 và 2017, chỉ tính riêng các công viên do đơn vị này quản lý, đã có khoảng 24 lượt trưng dụng công viên làm hội chợ, triển lãm. Trong đó, tại Công viên 23-9 diễn ra 9 đợt với 130 ngày; Công viên Lê Văn Tám diễn ra 7 đợt với 73 ngày; Công viên Gia Định diễn ra 7 đợt với 115 ngày; Công viên 30-4 diễn ra 1 đợt với 15 ngày. Như vậy, Công viên 23-9 là nơi bị lạm dụng nhiều nhất, trung bình cứ 2 tuần lại có 3 ngày là lễ hội, hội chợ, triển lãm, đó là chưa tính chợ phiên vào ngày cuối tuần. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, cũng đã diễn ra 8 đợt hội chợ và các hoạt động thương mại tổ chức trong công viên, trong đó Công viên Lê Văn Tám có 5 lễ hội (Món ngon các nước lần thứ 12, Tuần lễ Sản phẩm doanh nghiệp Lào, Hội sách TPHCM lần thứ 10, Chợ phiên nông sản, 10 năm Ngày hội việc làm phụ nữ - Tự hào thương hiệu Việt 2018). Công viên 23-9 diễn ra Lễ hội Việt - Nhật và chợ phiên nông sản an toàn tổ chức vào cuối tuần. Công viên Gia Định tổ chức Ngày hội giới thiệu việc làm và Hội chợ kích cầu mua sắm.
Ngoài ra, các công viên nhỏ ở các quận, huyện cũng thường xuyên bị trưng dụng để tổ chức các chợ phiên, ngày hội mua sắm. Công viên Đồng Diều (phường 4, quận 8) chỉ sau vài lần bị trưng dụng làm hội chợ đã xơ xác, chết rất nhiều cây xanh rồi không được trồng thay thế. Sở GTVT cũng ghi nhận việc tổ chức hội chợ, lễ hội, triển lãm trong công viên đã làm ảnh hưởng đến hoạt động thể dục, vui chơi giải trí của người dân, hư hại cây cỏ, làm xấu cảnh quan và ảnh hưởng đến hạ tầng trong công viên.
Trước thực trạng đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện sử dụng đúng công năng, mục đích của công viên, không tổ chức các hội chợ và hạn chế tối đa tổ chức các lễ hội, triển lãm có hoạt động thương mại trong công viên. Đối với những hoạt động đặc biệt mang tính cổ động chính trị hoặc lễ hội lớn của TP cần tổ chức trong công viên, thì phải lập kế hoạch trình UBND TPHCM xem xét chấp thuận trước khi tổ chức ít nhất 2 tháng. Đây không phải lần đầu UBND TPHCM chỉ đạo như vậy, cách đây 12 năm, từ 2006, UBND TP đã chỉ đạo không tổ chức hội chợ, triển lãm trong công viên, nhưng từ ấy đến nay các công viên vẫn cứ bị lạm dụng. UBND TPHCM cần nghiên cứu và chỉ định cụ thể các điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm không làm phiền đến hoạt động vui chơi, giải trí của người dân, thí dụ như các nhà thi đấu, trung tâm thể dục thể thao, nhà văn hóa từ quận, huyện đến thành phố chưa sử dụng hết công năng.