Hoa đào - vô hồn, giả tạo

Từ nỗi buồn “đào” giả…
Hoa đào - vô hồn, giả tạo

Nhớ khi đạo diễn Nguyễn Thế Vinh được giao làm bộ phim nhựa “Hoa đào”, nhiều người đã vui mừng vì đã lâu lắm rồi trong nghề mới có một người trẻ tuổi được giao trọng trách lớn như vậy. Thế nhưng, niềm vui ấy “chẳng được tày gang” - như nhiều người nhận xét sau buổi công chiếu ra mắt “Hoa đào” tại Hà Nội.

Hoa đào giả trong phim đã làm mất cảm xúc của người xem.

Hoa đào giả trong phim đã làm mất cảm xúc của người xem.

Từ nỗi buồn “đào” giả…

Phim “Hoa đào” có tên ban đầu là “Hoa đào ơi hoa đào”, kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát, do Hãng Phim truyện 1 sản xuất, kể về một vườn đào duy nhất của Nhật Tân, vùng đất trồng đào của Hà Nội, còn sót lại trước cơn lốc đô thị hóa. Phim xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Lâm, người chủ của vườn đào hiếm hoi còn sót lại nơi đô thị. Vườn đào ấy với ông Lâm không chỉ là nguồn sống, mà còn chứa chất biết bao kỷ niệm, tình yêu gia đình ông đã vun đắp qua nhiều thế hệ. Song trong sự biến chuyển quá trình đô thị hóa thì vườn đào của ông, gia đình ông đã phải cuốn vào vòng xoáy tình - tiền đầy khắc nghiệt. Những con người đã từng sống, gắn bó, lớn lên bên gốc đào, theo thời gian, cũng không còn giữ được nét duyên dáng, thuần chất của người dân Hà Nội. Có thể nói, hoa đào vừa là chủ đề và cũng là hình ảnh được xuất hiện liên tục và xuyên suốt 90 phút của bộ phim.

Ngay từ tên gọi bộ phim “Hoa đào” đã gợi cho người xem những hình ảnh mỏng manh, sắc hồng quyến rũ của một loài hoa đặc trưng cho ngày tết của Hà Nội. Song sự xuất hiện gần như liên tục và xuyên suốt của hoa đào trong nhiều cảnh phim đã không tạo được cảm xúc và ấn tượng cho người xem như mong muốn, chỉ bởi vì đó là những cành đào… lụa được làm giả vô hồn. Từ những cảnh mở đầu cho tới cảnh kết, mỗi góc quay đều vương vít hình ảnh của hoa đào, nhưng cái giả của hoa trong phim lộ liễu tới mức mà bất cứ một khán giả nào cũng nhận ra. Hoa đào, loài hoa vốn được coi là mong manh, ấy thế mà cả bộ phim, với bao cảnh hoa đào bị va đập trong tai nạn giao thông, hay cảnh cả vườn đào bị cầy xới tung bởi những chiếc xe xúc hạng nặng… khán giả đều không thấy một cánh đào nào rơi xuống.

Tới nỗi buồn dành cho đạo diễn trẻ

Mổ xẻ những thiếu sót của “Hoa đào” nhiều người cho rằng do đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay của một đạo diễn trẻ. Song, mọi lý lẽ bao biện trong trường hợp phim nhựa “Hoa đào” đều không thể chấp nhận được. Đành rằng, Nguyễn Thế Vinh mới ngoài 20 tuổi nhưng cơ hội làm phim nhựa như Thế Vinh là điều mà rất nhiều đạo diễn trẻ khác mơ ước. Vinh đã không trân trọng và nắm bắt cơ hội hiếm có ấy. Sự dễ dãi trong làm nghệ thuật ngay trong phim nhựa đầu tay đã biến vận may trở thành một vết hằn trong con đường làm nghề của Thế Vinh.

Vinh đã lý giải rằng: Việc sử dụng hoa đào giả trong phim là việc ngoài mong muốn, do thời gian đào nở quá ngắn trong khi thời điểm quay phim không rơi vào mùa xuân. Và rằng, nếu hoa đào thật xuất hiện trong phim thì bộ phim phải kéo dài tới 10 năm vì mỗi năm hoa chỉ nở 2 tuần. Rằng đoàn làm phim cũng cho quay bổ sung và ghép vào phim những cảnh đào thật, nhưng thấy đào thật không đẹp bằng đào giả nên bỏ… Thậm chí, đạo diễn này còn đưa dẫn chứng ở trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc, nơi Vinh đã từng đi tham quan, học hỏi, người ta cũng dùng đào giả, hoa giả để quay phim.

Vẫn biết làm điện ảnh không giống như phim tài liệu đòi hỏi mọi sự phải thật 100%, với “Hoa đào” không nhất thiết cảnh nào cũng phải dùng tới đào thật. Nhưng kỹ xảo điện ảnh ở đâu, vai trò của đạo diễn, quay phim và người làm đạo cụ ở chỗ nào, khi để những cảnh đào giả vô cùng lộ liễu ấy cứ lặp đi, lặp lại. Khó mà chấp nhận lời giải thích của đoàn làm phim về kinh phí, cũng như thời gian làm phim hạn chế bởi kịch bản đã được duyệt cách đây hơn 3 năm, việc chủ động sắp xếp quay vào mùa đào nở là hoàn toàn có thể. Hơn thế, như NSND Thế Anh đã nói: “Phim ảnh là giả nhưng phải giống như đời thường” và đó cũng là một trong những nguyên tắc mà không chỉ người làm nghề phải tuân thủ mà cả những khán giả đơn thuần cũng có thể hiểu được. Và như thế, ý đồ của đạo diễn muốn dùng tới hoa đào làm tâm điểm để khắc họa những va chạm trong cách nghĩ và lối sống của các thành viên một gia đình Việt truyền thống trong cơn lốc xoáy của cơ chế thị trường đã trở nên phản tác dụng.

Người xem không chỉ cảm thấy bị coi thường vì sự xem thường trong nghề nghiệp, khi đưa liên tiếp những cảnh đào giả trong phim “Hoa đào”, mà còn buồn vì đạo diễn trẻ chưa rành nghề đã làm ẩu. Và buồn hơn khi những người duyệt phim đã dễ dàng “cho qua”, để một tác phẩm chưa đạt như vậy đến với khán giả.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục