
Hai năm lại đây, khái niệm cosplay - một hình thức hóa trang với đầy đủ trang phục và thần thái của một nhân vật truyện tranh/game cụ thể, đã trở nên phổ biến với nhiều bạn trẻ tại TPHCM. Thế nhưng, sân chơi này đang xuất hiện nhiều tiêu cực cần báo động.
Thiếu sáng tạo
Không thể không nhắc đến sự đáp ứng kịp thời của các sân chơi dành cho loại hình cosplay đang có mặt ở TPHCM: Teen & Otaku Festival (TOF), Manga Festival, Natsu Matsuri… nhưng tất cả đều yếu về kịch bản lẫn cách thức tổ chức.
So sánh thử, dễ bắt gặp kịch bản của những lễ hội này đều gói gọn và trùng lặp nhau như: thi cosplay theo hình thức đơn lẻ, từng đôi hoặc nhóm, trình diễn thời trang cosplay, hát nhạc anime (phim hoạt hình Nhật). Thường các kịch bản được sao chép từ những lễ hội cosplay thời ban đầu như JOVP (2006) hay ACCtive Expo (2008) mà nội dung thi đấu rất sơ sài, các bài diễn thiếu sáng tạo… đã dần làm mất tính thu hút, hấp dẫn vốn có của một lễ hội cosplay.

Một tấm poster nhạy cảm tại lễ hội MF 2011.
Đối với các nước tiên tiến, người biểu diễn cosplay và sự chuyên nghiệp của các sân chơi cùng song hành và có chiều hướng ngày càng phát triển, trái lại sân chơi cosplay TPHCM có chiều hướng đi xuống.
Điển hình là sân chơi Manga & Anime Festival (MAF) diễn ra vào 2 ngày 17, 18-9 vừa qua tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10, cho thấy một sự đầu tư lệch lạc, khi nhà tổ chức là Công ty Sáng tạo Bình Nguyên chỉ chăm chút về số lượng, với việc hạ giá thành các gian hàng để thu hút khách tham quan thay vì đầu tư nội dung lễ hội cosplay, chỉ duy nhất tổ chức một sân khấu karaoke nhỏ dành cho thí sinh và khán giả.
Câu khách rẻ tiền
Đáng báo động hơn là tại một số lễ hội cosplay hiện nay đang sử dụng những trò câu khách gây tác động xấu đến giới trẻ. Đáng lưu ý là việc cổ xúy cho phong trào tình yêu đồng tính. Lễ hội Manga Festival (MF) do Công ty Quảng cáo Hải Dương tổ chức vào cuối tháng 7-2011 cũng tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, có nội dung rất phản cảm, gây bức xúc cho nhiều bạn trẻ và phụ huynh.
Không chỉ dừng ở đó, MC còn mời một số bạn trẻ lên sân khấu để “hôn thị phạm” cho số đông khán giả chứng kiến. Những hình ảnh cổ xúy tình yêu đồng tính còn thấy nhan nhản ở các poster, banner treo bán, quảng cáo tại các shop.
Người tham gia khó có thể quên các sự cố tại MF 2011 khi một vài thanh niên hung hăng cầm các mảnh chai bể rượt đánh nhau làm náo loạn không gian lễ hội, cộng tác viên bị khách tấn công, một số cosplayer ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện… Ở các lễ hội khác cũng xuất hiện hiện tượng bát nháo, lộn xộn: thùng phiếu bị gian lận, các đạo cụ vũ khí hóa trang và các màn biểu diễn bị đánh tráo, mất mát.
Đáng lo ngại nhất chính là nhà tổ chức Manga Festival 2011 đang tiếp tục lên kế hoạch cho chương trình Giáng sinh Winter Convention tại Công viên Lê Thị Riêng từ 23 đến 25-12-2011. Liệu những hình ảnh bát nháo, mất trật tự, phản cảm, thiếu văn hóa… sẽ lặp lại như đã diễn ra ở rất nhiều lễ hội cosplay trước đây?
Vấn đề đặt ra là đơn vị cấp phép cho các lễ hội có lường trước những tiêu cực đã tồn tại và liệu có tiếp tục tái diễn trong lễ hội sắp tới?
GIA BẢO