Cứ 2 phút, 1 bệnh nhân tử vong do ung thư cổ tử cung

Trong 2 ngày 26 và 27-5, tại Nha Trang, Khánh Hòa diễn ra hội thảo “Cập nhật thông tin liên quan đến an toàn tiêm chủng và HPV vaccine” do Hội Y học dự phòng Việt Nam và Công ty MSD tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Từ Dũ, Hùng Vương, Đại học Y Dược TPHCM…

(SGGP).- Trong 2 ngày 26 và 27-5, tại Nha Trang, Khánh Hòa diễn ra hội thảo “Cập nhật thông tin liên quan đến an toàn tiêm chủng và HPV vaccine” do Hội Y học dự phòng Việt Nam và Công ty MSD tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Từ Dũ, Hùng Vương, Đại học Y Dược TPHCM…

Theo các bác sĩ, cứ 2 phút trên thế giới có 1 người tử vong do bệnh ung thư cổ tử cung, 99,7% bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Tại Việt Nam, mỗi năm có 5.000-6.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trung bình mỗi ngày có 6 người tử vong do ung thư cổ tử cung.

Tại Bệnh viện Từ Dũ, năm 2011 phát hiện 560 ca ung thư cổ tử cung mới, năm 2007 trên 600 ca mắc mới. Ngoài các type 16 và 18 của virus HPV gây ung thư cổ tử cung cao nhất, nhiều type còn lại gây ung thư và nhiều bệnh truyền nhiễm khác ở cả nam và nữ. 

Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có đến 80% phụ nữ bị lây nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời. Virus HPV dễ lây lan qua đường tình dục (da tiếp xúc da), mặc chung đồ lót, găng tay phẫu thuật, mẹ truyền sang con…

Bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần, gây bệnh ung thư và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhiều ca tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tâm lý, chi phí điều trị. Ngoài biện pháp giáo dục tuyên truyền phòng bệnh, có chiến lược tầm soát phát hiện và điều trị sớm, tiêm ngừa vaccine có tỷ lệ phòng bệnh rất cao.

Viện đã trình Bộ Y tế kế hoạch đưa vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung vào chương trình tiêm chủng mở rộng cả nước. Tuy nhiên, để giảm bớt việc sử dụng kinh phí ngân sách, cần vận động các tổ chức kinh tế xã hội, kể cả việc sử dụng từ nguồn BHYT hỗ trợ để giảm chi phí cho người dân được sử dụng vaccine ngừa ung thư cổ tử cung.

TR.NG

Tin cùng chuyên mục