Cư dân chung cư 109 Nguyễn Biểu (quận 5): Chưa an cư sau tái định cư

Hàng trăm hộ dân, ở chung cư (CC) 727 Trần Hưng Đạo tái định cư (TĐC) sang CC 109 Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5, TPHCM), phản ánh: Giá bán và cho thuê căn hộ quá cao; nhiều gia đình chính sách không được vay vốn theo diện ưu đãi; cuộc sống của cư dân bị xáo trộn do CC ngày càng xuống cấp!
Cư dân chung cư 109 Nguyễn Biểu (quận 5): Chưa an cư sau tái định cư

Hàng trăm hộ dân, ở chung cư (CC) 727 Trần Hưng Đạo tái định cư (TĐC) sang CC 109 Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5, TPHCM), phản ánh: Giá bán và cho thuê căn hộ quá cao; nhiều gia đình chính sách không được vay vốn theo diện ưu đãi; cuộc sống của cư dân bị xáo trộn do CC ngày càng xuống cấp!

Ở nhà tái định cư - Kẻ ôm nợ, người ở thuê

Khi TĐC sang CC 109 Nguyễn Biểu, các hộ dân được đổi ngang diện tích nhà ở CC 727 Trần Hưng Đạo và được mua nhà theo Nghị định 61. Phần diện tích chênh lệch (căn hộ TĐC lớn hơn căn hộ bị giải tỏa) được mua theo giá bảo toàn vốn. Tuy nhiên, rất ít hộ dân mua được nhà do giá bán quá cao, tầng lửng: 25 triệu đồng/m², tầng 14: 15 triệu đồng/m². Hộ ông Phạm Đình Lạc, 79 tuổi, chuyển về ở căn hộ 11.1A, vợ chồng sống nhờ lương hưu 2 triệu đồng/tháng, với phần diện tích chênh lệch 13,27m², nếu mua phải trả hơn 200 triệu đồng chưa tính thuế giá trị gia tăng, phí bảo trì CC…; còn thuê phải trả 45.000 đồng/m²/tháng. Hai ông bà than giá quá cao như thế không biết đào đâu ra tiền để mua nhà, cũng không thể thuê nhà bởi không có tiền tích lũy. Cùng cảnh ngộ, để mua được 26m² chênh lệch, hộ bà Đặng Ngọc Trinh ở căn hộ A3.8 phải trả gần 700 triệu đồng, ngoài khả năng gia đình (bà nghỉ hưu, con gái và con rể là giáo viên tiểu học).

Kể từ lúc đưa vào sử dụng, trần của căn hộ A6.1 chung cư 109 Nguyễn Biểu liên tục bị thấm dột, lớp bê tông bên ngoài đã bong tróc

Kể từ lúc đưa vào sử dụng, trần của căn hộ A6.1 chung cư 109 Nguyễn Biểu liên tục bị thấm dột, lớp bê tông bên ngoài đã bong tróc

“Mua trả góp cũng khó, bởi phải trả trước 200 triệu đồng, lãi suất gần 5 triệu đồng/tháng! Mức giá bán và cho thuê nhà như thế là quá cao, quận cần xem xét lại, bởi cư dân ở đây là lao động thu nhập thấp” – bà Trinh nói. Nhiều hộ dân có người thân là thương binh, liệt sĩ, là hộ nghèo nhưng không được Công ty MTV Dịch vụ công ích quận 5 (chủ đầu tư) xét cho vay của Ngân hàng Chính sách (lãi suất 9%/tháng). Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng ban quản trị CC 109 Nguyễn Biểu, cho biết có đến 2/3 trong số gần 300 hộ dân ở CC 727 Trần Hưng Đạo chuyển qua không có khả năng mua nhà. Nhiều hộ đã đi vay mượn, “ôm cả núi nợ” vẫn không đủ tiền.

Chung cư tái định cư - Càng chống càng dột!

Ngoài nỗi lo tiền mua, thuê nhà, cư dân CC 109 Nguyễn Biểu còn bất an trước mức độ xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của tòa nhà. Đưa vào vận hành cuối năm 2008 nhưng đến giữa năm 2009 tường và trần của hàng loạt căn hộ đã xuất hiện rạn nứt, thấm dột… Đơn vị thi công (Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) nhiều lần sửa chữa nhưng tình trạng vẫn vậy. Căn hộ C14.1 của ông La Cẩm Lộc, từ cuối năm 2010 đến nay liên tục bị nước thải thấm ra trần và dột xuống nền. Đơn vị thi công đã 4 lần sửa chữa nhưng dột vẫn hoàn dột, lại còn xuất hiện nhiều đường rạn nứt trên tường nhà.

Tương tự, dọn về ở căn A6.1, hộ ông Dương Quang Trọng liên tục chịu cảnh “nay sửa, mai dột”. Việc sửa chữa tốn nhiều thời gian, sửa trần tầng dưới phải đào sàn tầng trên nhưng đơn vị sửa chữa làm rất sơ sài, chiếu lệ nên vài ngày… lại dột! Theo Ban quản trị CC, từ tháng 8-2010 đến tháng 3-2011, toàn CC có gần 200 trường hợp yêu cầu sửa chữa, rất nhiều căn hộ đã sửa đi sửa lại hơn 10 lần vẫn chưa hết dột. Đại diện Công ty MTV Dịch vụ công ích quận 5 (chủ đầu tư) cho biết đã rất nhiều lần làm việc và yêu cầu Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn khắc phục nhưng đơn vị này không khắc phục triệt để.

Tiếp xúc với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Lê Phong, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) – đơn vị thi công và đang bảo hành CC 109 Nguyễn Biểu, thoái thác: Chuyện thấm dột ở CC là chuyện bình thường. Các hư hỏng ở CC 109 Nguyễn Biểu là do trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công không kiểm soát hết các thiếu sót, ở đây nguyên nhân chính gây thấm dột là do chủ căn hộ xả rác làm nghẽn đường ống thoát nước. Hiện tổng công ty cũng đang chỉ đạo Công ty Địa ốc quận 11 (công ty con) theo dõi và khắc phục, sửa chữa thấm dột, rạn nứt tường. Tuy nhiên, khi được hỏi cách khắc phục như thế nào và bao giờ khắc phục triệt để các hư hỏng, thấm dột ở CC thì vị lãnh đạo này phân trần: “Thấm đến đâu sửa đến đó, còn cách sửa thì mỗi vị trí có cách khác nhau”.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục