Tháng 7-2000, với khát vọng phát triển ngành công nghiệp phần mềm, với hàm lượng giá trị gia tăng cao, lãnh đạo UBND thành phố quyết định xây dựng Khu Công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT) trên khu đất vốn là Trung tâm Hội chợ để hoang hóa do hoạt động kém.
Bước khởi đầu khó khăn
“Sao quên được khoảnh khắc anh Nhân (đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM) đề nghị tôi tham gia vào công tác hình thành và phát triển một ngành kinh tế tri thức mới. Mọi người nghĩ ngay đến lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), và đó phải là phần mềm. Ý tưởng về một CVPM sớm hình thành. Đó không chỉ là nơi ươm tạo tài năng CNTT mà còn là trung tâm phát triển phần mềm, thu hút chất xám cả trong và ngoài nước hội tụ”, ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Sài Gòn (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát triển CVPMQT) kể lại.
Một góc Công viên phần mềm Quang Trung
Đầu năm 2001, tại cuộc họp với Công ty Phát triển CVPMQT, Chủ tịch UBND thành phố khi đó là đồng chí Võ Viết Thanh đã quyết định chọn lựa mô hình quản lý CVPMQT. điểm nổi bật là không hình thành Ban quản lý mà tập trung nhiệm vụ quản lý và phát triển cho Công ty Phát triển CVPMQT, dưới sự hỗ trợ giai đoạn đầu của thành phố. Công ty vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý phát triển vừa thực hiện mục tiêu kinh tế, phát triển các dịch vụ để tự cân đối và kinh doanh có lãi. Công ty được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù riêng để thực hiện nhiệm vụ chính trị là xây dựng CVPMQT.
Lúc đó mọi thứ đều mới mẻ. Việc tổ chức tham quan một số mô hình khu CVPM thành công của một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Mã Lai… chỉ giúp những người nhận sứ mệnh “khai hoang” mường tượng về một mô hình mới. Còn làm gì trước tiên thu hút đầu tư, chọn thế mạnh gì để phát triển… là cả một câu chuyện dài trong nhiều cuộc họp. Và, với quyết tâm còn cao hơn núi, nên 18 tháng sau, ngày 16-3-2001, CVPMQT - công viên phần mềm đầu tiên trong cả nước đi vào hoạt động.
Muốn tạo ra lối đi mới, cơ chế phải đi đầu. CVPMQT là khu đặc thù, vì thế những cơ chế thành phố dành cho khu cũng đặc biệt: hơn 3 năm đầu, kinh phí nhà nước chấp nhận bù lỗ; internet, chính sách đất đai, vốn đầu tư hạ tầng CNTT, giá thuê đất, thuê hạ tầng kỹ thuật… được lãnh đạo TP quyết theo “cơ chế đặc thù”; ngay cả việc đãi ngộ những người làm việc trong CVPMQT được thành phố quyết theo cơ chế “hai lần lương”...
Từ phiên bản 2.0 đến chuỗi công viên phần mềm
Từ những cơ chế mở, sau 15 năm xây dựng, thành công của CVPMQT là hình thành và xây dựng được những yếu tố tiên quyết của một hệ sinh thái công nghiệp CNTT. Một hệ sinh thái tương tác có tính cộng hưởng, cộng sinh lẫn nhau rất cao giữa các yếu tố: Môi trường xanh thân thiện; hạ tầng kỹ thuật mạnh, định hướng công nghệ tương lai; các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ và UBND TPHCM; dịch vụ phục vụ phát triển kinh doanh một cửa; các cơ sở đào tạo nhân lực; trung tâm ươm tạo sáng tạo doanh nghiệp phần mềm; một cộng đồng doanh nghiệp CNTT đoàn kết, gắn bó…
Kỹ sư CNTT của Công ty CP Global CyberSoft trong giờ làm việc
Nhưng chưa phải là tất cả, Đề án thành lập “Chuỗi CVPMQT” đã được thành phố đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, CVPMQT 2 sẽ hướng đến ứng dụng các giải pháp CNTT mới nhất, tạo sự khác biệt, xây dựng “đô thị thông minh”; CVPM Đại học Quốc gia TPHCM tập trung vào hoạt động khởi nghiệp, cung ứng nguồn nhân lực CNTT; CVPMQT Đà Lạt sẽ có “hình hài” của một trung tâm ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, du lịch… và là trung tâm chuyển giao công nghệ khu vực Tây Nguyên. Sự “phân vai” này nhằm đảm bảo quá trình hình thành chuỗi CVPMQT không bị trùng lắp đầu tư vào các sản phẩm công nghệ.
Việc hình thành chuỗi CVPMQT khắp cả nước sẽ được phát triển dựa trên nền tảng của CVPMQT hiện hữu tại TPHCM. Bởi không chỉ do thương hiệu CVPMQT từ lâu đã được định hình là thương hiệu mạnh, mà đây chính là yếu tố quan trọng để các CVPM mới ra đời chẳng phải “tốn công” gầy dựng giá trị thương hiệu, nhanh chóng đưa sản phẩm, dịch vụ CNTT của mình lấn sâu vào thị trường quốc tế.
| |
TƯỜNG HÂN