Nếu như năm 2012, cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc nổi lên trên chính trường thế giới thì năm 2013 cuộc đua tranh quyết liệt giữa Nga và Mỹ đã làm tốn nhiều bút mực của các tờ báo lớn trên thế giới. Cuộc chạy đua giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc này đã trở thành tiêu điểm của năm 2013 với kết quả cuối cùng: Nga lập cú hat-trick.
Trước hết là sự kiện Nga giải quyết cuộc khủng hoảng Syria một cách êm thấm, buộc Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử không thể tiến hành một cuộc chiến tranh như mong muốn. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với dân chúng Mỹ rằng ông cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải tiến hành một cuộc chiến tranh mới. Nhưng sự thật có như vậy không? Tổng thống Syria Bashar Al Assad đang điều hành đất nước theo truyền thống của cha mình - cố Tổng thống Hafez Al Assad, người bị Mỹ xem là “cứng đầu” nhất ở Trung Đông, có ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào chống Mỹ trong khu vực và là người mà các đời tổng thống Mỹ đều muốn lật đổ. Có thể nói, có được một cái cớ để tiến hành chiến dịch quân sự lật đổ Bashar Al Assad là điều Mỹ mong đợi, thậm chí các chính trị gia Mỹ còn khẳng định sẽ tạo dựng cớ để đánh bằng được Syria. Chiếm được Syria, Mỹ dễ dàng đối phó với Iran vì lúc này đất nước bên bờ Vịnh Ba Tư sẽ là quốc gia cuối cùng ở Trung Đông chưa bị Mỹ khuất phục. Cho nên có thể khẳng định, lần đầu tiên sau nhiều nỗ lực, tốn tiền bạc hỗ trợ phe đối lập Syria rồi đấu tranh pháp lý với cộng đồng quốc tế mà không lật đổ được ông Al Assad, rõ ràng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới đã thật sự suy giảm.
Sau sự kiện này, chính dư luận Mỹ cũng xem Tổng thống Nga có ảnh hưởng lớn hơn Tổng thống Mỹ. Cuối năm qua, độc giả tạp chí Forbes đã bình chọn ông Putin là chính trị gia ảnh hưởng nhất thế giới, sau đó mới đến ông Obama. Như vậy, ông Putin đã “làm một cuộc đổi ngôi” ngoạn mục.
Nhưng cuộc đua Nga - Mỹ không chỉ dừng lại ở đó.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Gruzia vào tháng 10-2013, cử tri nước này đã bỏ phiếu cho ông Irakli Marvelashili - một nhân vật theo nhận định của báo chí phương Tây là người thân Nga. Năm 2012, cử tri nước này cũng chọn đảng Giấc mơ Gruzia có chính sách thân Nga và đưa tỷ phú Bidzina Ivanishvili vào chiếc ghế thủ tướng. Như vậy lực lượng của ông Micheil Saakashili, nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng hoa hồng năm nào quyết tâm đoạn tuyệt với Nga để đi với Mỹ đã thất bại. Chuyển biến trên chính trường Gruzia là điều bất ngờ nhất. Sự kiện này ghi thêm 1 điểm cho nước Nga.
Một tháng sau, tại Ukraine, chính phủ nước này bất ngờ hoãn các cuộc đàm phán tiến tới ký hiệp định thương mại với EU vào phút chót để chuyển sang tăng cường hợp tác với Nga. Nỗ lực đưa Ukraine đi vào quỹ đạo của Mỹ xem như đã thất bại. Mỹ tuyên bố cấm vận Ukraine với lý do đàn áp người biểu tình phản đối việc hoãn đàm phán với EU. EU cũng tìm mọi biện pháp can thiệp vào nội bộ Ukraine. Quyết định của Ukraine đã giúp Nga ghi cú hat-trick vào phút chót.
Hẳn ai cũng nhớ cuộc Cách mạng cam ở Ukraine năm 2004 và Cách mạng hoa hồng ở Gruzia năm 2003 đưa các thế lực thân phương Tây lên cầm quyền ở hai quốc gia từng là hai nước cộng hòa của Liên Xô. Lúc đó, phương Tây tuyên bố mở rộng quan hệ hợp tác thương mại với hai nước này, hứa hẹn cho gia nhập EU, khuyến khích Ukraine và Gruzia gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm đưa NATO áp sát biên giới Nga. Nhưng tiêu chuẩn để gia nhập NATO là phải dành tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng, cải cách mạnh mẽ chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Trong khi đó, cho đến năm 2012, ngân sách quốc phòng của Ukraine mới chỉ khoảng 1,9 tỷ USD, chiếm 1,1% GDP, còn Gruzia mới dành có 360 triệu USD, tương đương 1,2% GDP cho quốc phòng. Năm 2010, khi Tổng thống Victok Yanukovich lên cầm quyền ở Ukraine, ông tuyên bố đóng hồ sơ gia nhập khối quân sự này. Gruzia vẫn để ngỏ khả năng trở thành thành viên NATO nhưng so với tiêu chuẩn thì còn xa vời. Nên cho dù NATO tuyên bố cánh cửa NATO luôn mở rộng đón các nước này nhưng dư luận cho rằng đó là cánh cửa của con tàu đang chạy.
Còn mở rộng thị trường sang EU hay Mỹ đều không dễ dàng vì hàng hóa muốn xuất sang châu Âu phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng và cả những chính sách bảo hộ tinh vi của EU như chống bán phá giá, chống độc quyền, quy định bảo vệ môi trường... Cuối cùng hàng hóa châu Âu và Mỹ tràn ngập thị trường của họ, còn hàng hóa của họ trầy trật mới vào được nhà các “đại gia”. Ví dụ như ở Ukraine, để triển khai các tiêu chuẩn của EU trong toàn bộ nền kinh tế, Ukraine cần có ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2017, trong khi việc ký hiệp định liên kết trên không bảo đảm triển vọng gia nhập EU. Ngoài ra, trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ chối cho Ukraine vay tiền do nước này không chấp nhận tăng giá bán khí đốt sinh hoạt cho người dân và trì hoãn chi trả lương và lương hưu, kéo theo việc EU không cấp hỗ trợ kỹ thuật 610 triệu EUR mà Ukraine rất cần trong giai đoạn chuẩn bị ký hiệp định liên kết với EU. Trong khi đó, nếu không phải là quốc gia được hưởng quy chế tối huệ quốc của Nga, họ không được ưu đãi giá khi mua khí đốt, nguồn nhiên liệu không thể thiếu và cũng bỏ lỡ cơ hội gia nhập thị trường nước này, nơi mà các quốc gia châu Âu và Mỹ cũng đang thèm khát vì 143 triệu dân và tỷ lệ tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh mà không khó tính như dân châu Âu hay dân Mỹ. Theo tính toán của Chính phủ Ukraine, nếu không ký kết hiệp định thương mại với Nga, nước này sẽ thiệt hại khoảng 500 tỷ USD trong những năm tới. Bên cạnh đó, Ukraine và Gruzia đã có những giai đoạn lịch sử phát triển tương đồng với Nga và đối với người dân trong không gian hậu Xô Viết- “một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới”.
Vì vậy sau gần 10 năm cuốn trong dư âm của các cuộc cách mạng màu, gió đã đổi chiều ngược lại.
Ngày nay, mục tiêu của các nước trong tiến trình hợp tác quốc tế đều đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Trong khi nước lớn cố tình lái các chính phủ theo quỹ đạo của mình để phục vụ lợi ích của chính nước lớn và các thế lực cầm quyền thì chắc chắn kế hoạch đó sẽ sụp đổ. Qua cuộc đua Trung - Mỹ hay Nga - Mỹ trên thế giới, các quốc gia có được bài học về cân bằng quan hệ với các nước lớn, để không bị “kẹt” về một phía nào khi các nước lớn đối đầu nhau. Và để cân bằng được quan hệ với các nước lớn, để không phải bị động trong các mối bang giao quốc tế, mỗi quốc gia phải tự đứng vững trên đôi chân của mình, chủ động hội nhập và đảm bảo độc lập về kinh tế, chính trị và sức mạnh quân sự. Nhưng điều cốt lõi của vấn đề mà các quốc gia đều mong muốn là tiến trình hợp tác quốc tế phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của các bên, vì hòa bình và sự thịnh vượng chung của toàn nhân loại.
VIỆT TRUNG