Việt Nam luôn trong nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng thu nhập của người trồng lúa vẫn ở mức rất thấp. Điệp khúc thiếu vốn, kỹ thuật, trúng mùa mất giá luôn đeo đẳng nông dân trồng lúa ở ĐBSCL nhiều năm qua… Làm thế nào để cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, nâng tầm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam lên vị thế mới là mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp. 2 vụ đông xuân và hè thu vừa qua ở ĐBSCL, mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả rất khả quan, bước đầu giải được bài toán khó này.
- Nông dân phấn khởi
Nông dân Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có 1ha lúa với thâm niên 2 vụ liên tiếp tham gia cánh đồng mẫu lớn cùng Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) phấn khởi nói: “Hiệu quả đem lại rất cao. Quan trọng nhất là nông dân quyết định được đầu ra của hạt lúa. Công ty cho ứng trước giống xác nhận, phân bón, nông dược và cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ quy trình sản xuất. Chúng tôi được lợi 3 vấn đề: Chi phí sản xuất giảm khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ từ việc bớt lần phun thuốc, giống, công lao động…
Tiếp cận quy trình sản xuất mang tính bền vững, kỹ thuật cao. Đặc biệt là xóa điệp khúc trúng mùa rớt giá. Hiện nông dân thấy lúa có giá thì bán, nếu không thì lưu kho miễn phí”. Vụ đông xuân vừa qua, chi phí sản xuất 1kg lúa trên cánh đồng hơn 1.000ha tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang giảm tới 30% so với canh tác nông hộ nhỏ lẻ. Với năng suất đạt 8 - 9 tấn/ha, giá bán từ 6.300 - 6.700 đồng/kg, gần 500 hộ dân tham gia đạt mức lợi nhuận rất cao, hơn 150%. Vụ hè thu này, có 684 nông hộ tham gia, năng suất bình quân đạt 6,1 tấn/ha, cao hơn 200kg so với các hộ canh tác nhỏ lẻ bên ngoài, giá thành sản xuất dưới 2.900 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg.
Cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của tỉnh Trà Vinh trong vụ hè thu vừa qua tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có 302 nông hộ tham gia với diện tích 300ha cũng đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Chi phí sản xuất chưa tới 2.100 đồng/kg, thấp hơn bên ngoài gần 900 đồng/kg. Tham quan cánh đồng mẫu lớn này, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV khẳng định: “Vụ hè thu mà năng suất đạt 7,5 tấn là thành công lớn. Năng suất cao nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, toàn cánh đồng xuống giống đồng loạt, sản xuất theo quy trình hiện đại, ít sâu bệnh…”. Ông Kiên Ninh, Chủ tịch UBND xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh nói: “Tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn thu nhập bà con được nâng lên 20%-30%. Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Chỉ mới phát động trong vụ lúa đông xuân và hè thu vừa qua, ĐBSCL có hơn 6.400 hộ tham gia với diện tích 8.200ha (riêng vụ hè thu là 7.800ha), kết quả hết sức khả quan. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt phấn khởi: “Kết quả bước đầu như thế là rất tốt. Quan trọng nhất là mô hình được sự đồng thuận của bà con nông dân. Các doanh nghiệp như: AGPPS, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Gentraco, Angimex... mạnh dạn đầu tư với lãi suất 0%, chủ yếu hướng đến lợi nhuận cho bà con nông dân.
- “Tích tụ ruộng đất” theo hướng mới
Các chuyên gia xác định: Việc lúa gạo Việt Nam thua kém Thái Lan về chất lượng suốt thời gian dài vì chưa có vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể chủ động về sản lượng xuất khẩu. Thực trạng sản xuất lúa gạo hiện nay chủ yếu dưới hình thức nhỏ lẻ, thiếu liên kết; cản trở việc áp dụng cơ giới hóa, khó áp dụng công nghệ nhằm tăng năng suất, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng; xây dựng thương hiệu… Đặc biệt là thất thoát sau thu hoạch rất lớn, khoảng 13,7%, tương đương 635 triệu USD/năm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng lúa…
Vua lúa giống Dương Văn Châu (Năm Châu) ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh phản ánh: “Để nông dân có lợi hơn thì nhất thiết phải tổ chức lại quy trình sản xuất một cách chuyên nghiệp. Việc tập hợp nông dân tham gia các cánh đồng lớn, cùng làm một vài giống lúa tốt, thích ứng biến đổi khí hậu… là rất cần thiết. Doanh nghiệp đứng ra cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất rồi bao tiêu sản phẩm… Có như thế nông dân mới giảm được chi phí đầu tư, có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát, hạn chế các khâu trung gian, tăng lợi nhuận trên cánh đồng của mình. Doanh nghiệp thì được lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, bán được giá…”.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc AGPPS, đơn vị tiên phong trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL: “Nếu không có lợi thì việc xây dựng cánh đồng mẫu chỉ để lấy tiếng, không mở rộng được. Với việc sản xuất theo quy trình của công ty, hạt lúa có chất lượng, thương hiệu, địa chỉ xuất xứ nên giá bán cao hơn vài chục USD trở lên, từ đó phân phối lại giá trị lợi nhuận cho bà con nông dân”. Hiện ngoài nhà máy sấy lúa công suất 500 tấn/ngày và kho chứa 35.000 tấn tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang; AGPPS vừa đầu tư thêm 2 nhà máy sấy lúa và kho chứa tại huyện Thoại Sơn (An Giang) và Tân Hồng (Đồng Tháp). Trong tháng 9-2011 sẽ xây dựng thêm một nhà máy sấy lúa ở huyện Vĩnh Hưng (Long An) với công suất 1.000 tấn/ngày cùng cánh đồng mẫu lớn tại các địa phương này.
Ông Đoàn Minh Triết, Phó chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết: “Địa phương đang triển khai đề án thí điểm mô hình xóa bờ thửa - sản xuất lớn quy mô 200ha. Theo đó, sẽ thành lập một công ty nông nghiệp huy động nông dân hùn đất, góp vốn bằng tiền để có diện tích ruộng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”. Tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp), mô hình công ty nông nghiệp cũng vừa ra đời theo hướng “dồn điền, đổi thửa”. Trước mắt, năm 2012, các địa phương ở ĐBSCL đăng ký thực hiện các cánh đồng mẫu lớn khoảng 70.000ha.
BÌNH ĐẠI
Mục tiêu của việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn là kết hợp bà con nông dân cùng nhau sản xuất; đặc biệt là các nông hộ sản xuất nhỏ, ít am hiểu kỹ thuật, thiếu vốn... Việc tích tụ ruộng đất hình thành các cánh đồng lớn không phải từ một vài người mua gom đất mà hàng trăm nông dân vẫn làm được do liên kết lại, phối hợp tốt với các doanh nghiệp. Về phía nhà nước cần mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, cấu trúc nông thôn, hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao chống lũ… để mô hình này phát triển trọn vẹn TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT