Cù lao mía chuyển mình

Lâu nay huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) được mệnh danh là “cù lao mía”, bởi những cánh đồng mía chạy dài trên khắp dải đất cù lao này. Cây mía một thời giúp người dân có cái ăn cái mặc, tuy nhiên mấy năm gần đây mía rớt giá và khó tiêu thụ, đẩy người trồng mía vào cảnh khốn khó. Trước thực trạng trên, nhiều hộ dân mạnh dạn thay đổi, tìm hướng đi mới. 

Xóa dần cánh đồng mía

Những ngày này, vùng mía nguyên liệu Cù Lao Dung vào cao điểm thu hoạch niên vụ 2019-2020, thế nhưng không khí không còn sôi động như trước. Chỉ chúng tôi ruộng mía rộng 8 công của gia đình đã quá ngày thu hoạch nhưng chưa bán, ông Diệp Văn Tâm, ngụ xã An Thạnh Đông bộc bạch: “Hiện nay, mía ở ruộng dao động khoảng 500 - 700 đồng/kg, đây là mức giá không cao, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, nông dân không lãi bao nhiêu. Điều lo ngại là nắng nóng kéo dài, cộng với nước mặn bao bọc khắp cù lao, nếu mía để lâu trên đồng sẽ bị ảnh hưởng, bị thương lái chê”. 

Ông Trần Hiệp Thạnh, trồng mía nhiều năm ở Cù Lao Dung, nhìn nhận, đây là vụ mía thứ 3 liên tiếp nông dân gặp khó khăn. “Hồi vụ trước có thời điểm giá mía sụt còn 300 - 400 đồng/kg nhưng muốn bán cũng rất chậm vì thương lái ít mua. Vụ này giá mía có cải thiện hơn nhưng vẫn còn thấp, trong khi các chi phí đầu tư đều tăng. Sau gần 1 năm trồng mía, tính ra nông dân chẳng được gì…”, ông Thạnh than. 

Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung cho thấy, những năm từ 2006 - 2010, toàn huyện có hơn 8.500ha mía và là một trong những huyện có đồng mía lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, cũng như khu vực ĐBSCL. Nhưng sau đó cây mía mất dần lợi thế do giá đường xuống thấp, kéo giá mía tuột dốc theo. Mía làm ra không bán được khiến nhiều hộ lao đao vì không tiền trả nợ vật tư, nợ ngân hàng, thế là bà con phá bỏ ruộng mía, chuyển sang trồng cây khác. 

Ước tính khoảng 5 năm gần đây, diện tích mía ở Cù Lao Dung giảm rất mạnh; năm 2020 chỉ còn khoảng 3.900ha, trong đó nhiều diện tích mía trồng để bán nước ép (nước mía), riêng sản lượng mía cung ứng cho các nhà máy đường không còn nhiều.

Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Võ Thanh Quang nhìn nhận: “Cây mía đã gắn bó lâu đời với vùng đất cù lao này, nên giờ đây phá bỏ không phải dễ. Tuy nhiên, do nông dân càng trồng càng lỗ, vì vậy huyện bàn bạc với các ngành chức năng của tỉnh Sóc Trăng đi đến thống nhất giảm mía để chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp theo tình hình mới”. 

Phát triển mô hình mới

Để chuyển dịch cơ cấu sản xuất hiệu quả, việc đầu tiên của huyện Cù Lao Dung là quy hoạch lại đất nông nghiệp trên cơ sở phát huy thế mạnh từng nơi, từng khu vực. Theo đó, những khu vực nằm ven sông Hậu khuyến khích bà con nuôi thủy sản bởi nguồn nước dồi dào; còn những nơi đất nằm bên trong thì áp dụng trồng rau màu, cây ăn trái. Ngoài ra khu vực đầu cù lao và cuối cù lao hoặc nơi gần rừng phòng hộ, gần khu di tích… được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. 

Cù lao mía chuyển mình ảnh 1 Trồng rau màu trên đất Cù Lao Dung mang lại lợi nhuận cao hơn mía

Ông Trần Văn Phục, ngụ xã Đại Ân 1, là người đi đầu trong chuyển dịch kinh tế trên đất cù lao, cho biết: “Sau khi được các chuyên gia nông nghiệp tư vấn, vùng đất Cù Lao Dung có nhiều phù sa, màu mỡ, bãi bồi, khí hậu ôn hòa… thích hợp phát triển cây ăn trái, tôi lặn lội lên cù lao An Nhơn (Đồng Tháp) học kinh nghiệm trồng nhãn Idol về áp dụng. Ban đầu, tôi trồng thử nghiệm 1ha nhãn Idol, sau gần 3 năm chăm sóc nhãn cho trái với năng suất 22 - 25 tấn/ha, bán giá bình quân 25.000 - 35.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so trồng mía. Ngay lập tức, tôi mở rộng diện tích nhãn Idol lên 6ha và đang trồng thêm 4ha nữa; sáng chế hệ thống tưới nước, bón phân… tự động cho vườn nhãn, vừa tiết kiệm chi phí, nhân công và đảm bảo cây nhãn phát triển tươi tốt”.

Từ hiệu quả bước đầu của cây nhãn Idol trên đất cù lao mang lại, ông Phục kêu gọi và hướng dẫn nhiều hộ khác làm theo. Đến nay, đã có khoảng 400ha nhãn Idol được trồng trên đất mía. 

Cùng với cây nhãn, nhiều nông dân còn chuyển đất mía sang trồng xoài cát chu, bưởi da xanh, ổi, chanh dây, thanh long, dừa… nâng tổng diện tích cây ăn trái ở Cù Lao Dung lên hơn 3.638ha. Ngoài ra, nông dân còn trồng hàng trăm hécta khoai môn, khoai lang, đậu nành, rau..., đồng thời, nuôi hơn 3.960ha thủy sản với tổng sản lượng đạt khoảng 32.000 tấn/năm. 

Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Bé Tư khẳng định: “Nhờ chuyển dịch cây trồng, vật nuôi đúng hướng, phát huy tối đa thế mạnh, ứng dụng hợp lý khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng đã tăng được giá trị đất sản xuất nông nghiệp ở huyện lên bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2019 đạt hơn 41 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hơn 17% năm 2015, giảm xuống còn 3,74% năm 2019...”.

Ông Trần Bé Tư cho rằng, hiệu quả bước đầu là rất đáng mừng, song để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đã thành lập 12 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác để đưa nông dân vào làm ăn tập thể, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP gắn với các doanh nghiệp nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 5 loại trái cây gồm: xoài, nhãn, bưởi, thanh long và dừa; hình thành các mã số vùng trồng trên cây ăn trái, rau màu và thủy sản. 

Theo Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Võ Thanh Quang, thêm một triển vọng mà huyện đang tập trung khai thác là mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, cộng đồng, du lịch lịch sử, tâm linh, với những lợi thế của vùng đất cù lao lộng gió, nằm giữa 2 cửa sông Định An và Trần Đề hướng ra biển, 1.600ha rừng bần ngập mặn, 25.000ha đất bãi bồi ven biển và mạng lưới sông rạch chằng chịt…

Đã có 3 điểm du lịch sinh thái được thành lập, đưa vào hoạt động ở xã An Thạnh 1 và An Thạnh Nam. Huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển giao thông, hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm đa dạng, ẩm thực đặc trưng hấp dẫn du khách, nhằm đưa du lịch phát triển mạnh trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục