“Cú sốc”

Vòng một cuộc bầu cử các khu vực ở Pháp diễn ra vào ngày 6-12 và theo kết quả sơ bộ sau khi 85% số phiếu được kiểm, Mặt trận quốc gia (FN) cực hữu của bà Marine Le Pen vượt lên dẫn đầu với 29,4%, vượt qua đảng bảo thủ Những người Cộng hòa (LR - tiền thân là đảng Liên minh vì phong trào nhân dân) của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy với 27% và đẩy đảng Xã hội (SP) của đương kim Tổng thống Francois Hollande xuống thứ ba chỉ với 22,7%.

Đây là tỷ lệ phiếu bầu cao nhất mà đảng chống EU, chống nhập cư nhận được từ trước tới nay tại 6/13 khu vực. Trong lịch sử, FN từng kiểm soát chưa đầy 10 thị trấn nhưng chưa bao giờ kiểm soát được khu vực nào. Nghị sĩ quốc hội Marion Marechal-Le Pen, 25 tuổi, cháu nội của ông Jean-Marie Le Pen (nhà sáng lập FN) và cháu gọi lãnh đạo FN Marine Le Pen là cô, đã phát biểu trên truyền hình TF1 rằng: “Đây là kết quả lịch sử độc đáo. Hệ thống (các đảng phái cũ) đã chấm dứt”. Bản thân cô Marechal-Le Pen cũng đã giành được 42% phiếu bầu tại khu vực Đông Nam nước Pháp, gấp đôi số phiếu bầu của ông nội cô từng đạt được vào năm 2010. Vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 13-12. Còn bà Marine Le Pen giành được 40,5% phiếu bầu tại khu vực phía Bắc của Pháp vốn là địa bàn của SP.

Chiến thắng của FN đã đánh dấu sự thay đổi rõ ràng trên chính trường Pháp, theo đó nước Pháp sẽ không còn là cuộc đua song mã giữa SP và lực lượng bảo thủ. Dự báo, cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống Pháp vào năm 2017 sẽ là cuộc đua tam mã với sự xuất hiện đầy thách thức của lực lượng cực hữu đứng đầu là FN.

Tờ Le Figaro số ra ngày 7-12 đã đăng tựa đề “Cú sốc” khi nói về kết quả bầu cử trong khi tờ nhật báo cánh tả Leberation với tít “Đã kề cận rồi” (ý nói đến việc FN lên cầm quyền nước Pháp).

Thực ra, chiến thắng của FN không bất ngờ trong bối cảnh nước Pháp đối mặt với làn sóng hàng trăm ngàn người nhập cư từ các khu vực xung đột và nghèo khổ ở Trung Đông, châu Á và châu Phi. Không chỉ ở Pháp, bức xúc trước vấn đề nhập cư, không ít cử tri xoay sang ủng hộ các đảng cực hữu chống nhập cư như đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD - thành lập năm 2013), đảng Độc lập (UKIP) ở Anh, đảng Luật pháp và công lý ở Ba Lan, đảng Tự do ở Áo... Hơn thế nữa, loạt tấn công khủng bố ngày 13-11 tại Paris làm 130 người chết cũng làm cho đảng Xã hội cầm quyền mất phiếu về tay FN. Ngoài ra, tình hình kinh tế Pháp tiếp tục có chiều hướng xấu ngay cả trước khi xảy ra loạt tấn công khủng bố vào ngày 13-11 và sau ngày này, kinh tế Pháp càng khó khăn hơn khi ngành du lịch gặp thất thu nặng. Bản thân người dân Pháp cũng ngần ngại chi tiêu vì họ không muốn đến những nơi đông người để mua sắm hay giải trí do lo ngại xảy ra khủng bố. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp hiện ở mức 10,2%, một trong những tỷ lệ cao nhất trong EU.

Trước tình thế có thể mất thêm phiếu ở vòng 2 trước FN, Chủ tịch SP Jean Christophe Cambadelis tuyên bố sẽ rút lui khỏi các khu vực mà đảng này đứng thứ ba và kêu gọi cử tri dồn phiếu cho LR (đứng thứ nhì) thay vì kêu gọi cử tri đừng bầu cho FN. Tuy nhiên, Chủ tịch LR Sarkozy lại cho rằng hãy để cho cử tri toàn quyền định đoạt số phận của các đảng phái.


THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục