Cụ thể hóa các nội dung trong dự thảo Luật Hàng hải

Cụ thể hóa các nội dung trong dự thảo Luật Hàng hải

(SGGPO).- Dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp sáng nay 8-4.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, dự thảo Bộ luật đã “ôm” vào khá nhiều nội dung đã được quy định trong các luật như Đầu tư, Luật Giá, Luật Doanh nghiệp… Nội dung về chính sách phát triển hàng hải trong dự thảo nêu 6 chính sách nhưng chỉ mang tính hô hào, khẩu hiệu. Nếu có đưa, chỉ nên đưa vào chiến lược phát triển ngành...

Có cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ rõ một số “khập khiễng” trong các quy định giữa dự thảo và nhiều luật khác. Ông Phùng Quốc Hiển bình luận: “Quan điểm khi xây dựng Luật Giá và Luật Phí, lệ phí, là chuyển mạnh sang cơ chế giá dịch vụ và tối giản danh mục nhà nước định giá, bình ổn giá nhưng dự thảo luật chưa tuân thủ nguyên tắc này”.

Nhiều ý kiến phát biểu sau đó cũng bày tỏ băn khoăn về khái niệm “chính quyền cảng” và yêu cầu làm rõ quy định này có phù hợp với khung khổ pháp luật hiện hành về tổ chức chính quyền hay không.

Ông Nguyễn Kim Khoa góp ý dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ Luật

Nêu vấn đề tại sao hàng hải Việt Nam chưa phát triển tương xứng với vị thế của một quốc gia biển, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền kỳ vọng nhiều hơn ở dự thảo Bộ luật trong việc góp phần hiện thực hóa Chiến lược biển đến 2020, xây dựng một quốc gia “mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển”. Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu Bộ luật Lao động 2012 để quy định cho phù hợp, đồng thời làm rõ nhiều vấn đề khác ngay trong Bộ luật mà không giao cho Chính phủ quy định. “Dự thảo nêu việc phục hồi phá dỡ phải thực hiện theo các điều kiện tại điều 24 a luật này nhưng đọc điều đó thì lại thấy không có điều kiện gì cụ thể mà giao cho Chính phủ quy định”, bà Trương Thị Mai nêu dẫn chứng cụ thể. Bà Mai cũng yêu cầu phân định rạch ròi thẩm quyền của thuyền trưởng và chủ tàu trong trường hợp yêu cầu rời tàu (cấp thiết và không cấp thiết).

“Sự phối hợp giữa Bộ Giao thông và Vận tải với các bộ, ngành có liên quan khác như Bộ Quốc phòng, lực lượng cảnh sát biển, thủy sản… còn mờ nhạt”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhận xét và gợi ý, nếu cần thiết có thể trình Quốc hội cho sửa đổi toàn diện Bộ luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận xét, phát triển hàng hải có sự liên quan chặt chẽ đến an ninh hàng hải, chủ quyền quốc gia, do đó, có rất nhiều vấn đề phải tính kỹ, từ quy hoạch cảng biển cho đến vai trò, chức trách của chính quyền cảng… để đáp ứng đồng thời nhiều mục tiêu.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục