Cử tri mong muốn những kiến nghị chính đáng sớm được giải quyết

Cử tri mong muốn những kiến nghị chính đáng sớm được giải quyết

Chuẩn bị kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM (Đoàn ĐBQH TP) đã tập hợp nhiều kiến nghị của cử tri TPHCM phản ánh những vướng mắc trong cuộc sống và đóng góp cho dự thảo các dự án luật trình Quốc hội.

“Những đóng góp và kiến nghị này, Đoàn ĐBQH TP sẽ chuyển đến kỳ họp Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết” - ông Huỳnh Thành Lập, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, Phó Chủ tịch HĐND TP cho biết trước khi ra Hà Nội dự họp Quốc hội.

- Phóng viên:
Thưa ông, trong các kiến nghị của cử tri, ông quan tâm đến vấn đề nào?

- Ông HUỲNH THÀNH LẬP: Thời gian qua, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 10 cuộc giám sát, khảo sát và 29 buổi tiếp xúc với gần 6.000 cử tri TPHCM. Trong các buổi gặp gỡ đó, Đoàn ĐBQH TP tiếp nhận nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và mong mỏi ĐBQH dũng cảm, không nể nang khi chất vấn các vấn đề chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong xây dựng cơ bản; vi phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng tài sản công…

Cử tri mong muốn những kiến nghị chính đáng sớm được giải quyết ảnh 1

Cán bộ công chức TPHCM góp ý cho các dự thảo luật.

Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam khi để xảy ra vụ tiêu cực tại Công ty Điện lực TPHCM trong vụ điện kế điện tử. Cử tri đặt câu hỏi: Tại sao cơ quan cấp trên có thanh tra định kỳ nhưng tổng công ty không hay biết gì khi chuyện xảy ra khá lâu và rất nghiêm trọng như thế?

Cử tri hiến kế cho Đoàn ĐBQH TP, để tránh giám sát “ngoài da”, đoàn phải chỉ ra nguyên nhân, bài học, địa chỉ cụ thể và quan trọng là phải kiên trì đeo bám việc giải quyết tới đâu.

- Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 20 về phát triển TPHCM, Chính phủ có Nghị định 93 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố và Nghị định 124 qui định cơ chế tài chính ngân sách đặc thù cho TPHCMø, nhưng nhiều cử tri cho rằng Quốc hội cần “nâng cấp” các vấn đề đó thành Pháp lệnh về TPHCM giống như Hà Nội đã có Pháp lệnh Thủ đô?

- Những năm qua, Trung ương đã tháo gỡ cho TPHCM nhiều rào cản thông qua các văn bản trên, tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thì còn khá nhiều cái vướng. Do vậy, cử tri đề đạt với Đoàn ĐBQH TP kiến nghị Quốc hội ban hành Pháp lệnh về TPHCM.

Đây là hành lang pháp lý tạo điều kiện cho TPHCM tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý và xây dựng. Tôi thấy rất có lý khi nhiều cử tri đề nghị Trung ương phân cấp cho Chủ tịch UBND TPHCM được phê duyệt các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng vốn đầu tư đến 40 triệu USD (trừ những lĩnh vực Chính phủ có qui định khác).

Nếu Trung ương tiếp tục phân cấp về cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án giáo dục và y tế thì TPHCM có nhiều cơ hội tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TPHCM, nhất là giáo dục, đào tạo nghề, ngoại ngữ, tin học, cơ sở khám chữa bệnh…

- Cử tri mong kỳ họp này của Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Khiếu nại, tố cáo (bổ sung, sửa đổi). Từ thực tiễn ở TPHCM, Đoàn ĐBQH TP sẽ kiến nghị sửa đổi như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời giảm đến mức thấp nhất tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài?

- Mong mỏi của cử tri cũng là bức xúc của Đoàn ĐBQH TP. Vướng lớn nhất vẫn là cơ chế giải quyết. Với cách làm như hiện nay, nếu không đồng ý với quyết định hành chính, công dân khiếu nại chính cơ quan đã ra quyết định. Không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu thì người dân chỉ được quyền chọn một trong hai cách: tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc kiện ra tòa.

Đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng người dân không được quyền khiếu nại hoặc khiếu kiện nữa. Quy định như thế chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi” và luôn quá tải trong giải quyết khiếu nại. Theo tôi, việc sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo cần theo hướng mở rộng quyền khởi kiện hành chính của người khiếu nại ra tòa án. Như thế vừa phát huy dân chủ, giảm tải đơn thư tồn đọng, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Thưa ông, thời gian qua, Tòa Hành chính lâm cảnh… thất nghiệp vì chẳng có mấy vụ tranh chấp đưa ra tòa xử và vẫn làm đơn gửi vượt cấp?

- Để tránh tình trạng này, dự thảo luật quy định: Người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các lần tiếp theo của cơ quan hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Khi đã khởi kiện tại Tòa Hành chính thì người khiếu nại không được khiếu nại lên người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo.

Đồng thời, để hạn chế tình trạng khiếu nại không có điểm dừng, lần sửa đổi này cần bỏ khái niệm “Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng” và bỏ qui định về thẩm quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng Thanh tra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, đối với các quyết định giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nêu trên, nếu theo thời hạn qui định mà không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo qui định của pháp luật về tố tụng hành chính.

- Dự thảo Luật Nhà ở được đông đảo người dân quan tâm, nhất là những người nghèo không có khả năng lo được chỗ ở. Để luật này đi vào cuộc sống, ông có ý kiến gì?

- Ngạn ngữ có câu “An cư lạc nghiệp”, do vậy, đây là dự luật rất quan trọng trong đời sống xã hội. Tôi cho rằng, luật cần quy định cụ thể việc giao UBND tỉnh, thành phố xây dựng chương trình nhà ở xã hội. Dự luật cần quy định, không chỉ có quỹ nhà thuê mua mà có cả quỹ nhà cho thuê và trả góp dài hạn. Để luật đi vào cuộc sống, Nhà nước cần có chính sách về đất đai, tài chính, thuế và kết hợp với hệ thống ngân hàng để thực hiện chương trình nhà ở trả góp.

- Liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều thủ tục quy định trong dự thảo luật còn rườm rà, phức tạp, thậm chí còn “đẻ” thêm một số thủ tục mới, giấy phép con và từ đó làm cơ chế “xin-cho” tiếp tục tồn tại. Ông nghĩ sao?

- Các ý kiến đóng góp đó sẽ được Quốc hội thảo luận và nếu thấy ý kiến nào hợp lý sẽ bổ sung trong dự luật. Còn theo quan điểm của tôi, vấn đề quan trọng là Nhà nước ban hành các quy định pháp lý rõ ràng, nhất quán, minh bạch về điều kiện kinh doanh, về môi trường, tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đai và có chế tài cụ thể.

Các quy định cần cụ thể, rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện và trao quyền tự chủ cho nhà đầu tư. Quản lý nhà nước về đầu tư không có nghĩa là cơ quan Nhà nước thẩm tra tính khả thi hay hiệu quả của dự án, vì Nhà nước không thể và không bao giờ đủ nhân lực để làm thay các chủ đầu tư.

- Xin cảm ơn ông!  

TUẤN SƠN - TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục