Từ năm 2014, Bộ Tư pháp đã có công văn chỉ đạo UBND cấp xã chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch và người khai phải chịu trách nhiệm về nội dung đã khai. Thế nhưng, thực tế đến nay vẫn có UBND xã xác nhận vào lý lịch của người trúng tuyển đại học rằng “Gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương” do chưa đóng các khoản thu theo huy động của xã.
Ngày 25-1-2017, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Thông tư về quy chế tuyển sinh đại học, trong đó Điều 14 nêu rõ hồ sơ trúng tuyển chỉ gồm 5 loại giấy tờ và không yêu cầu nộp sơ yếu lý lịch. Rõ ràng, các cơ quan cấp trên đã rất thoáng về yêu cầu thủ tục nhằm tránh phiền hà cho người dân, cụ thể ở đây là học sinh, sinh viên. Thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều trường đại học yêu cầu thí sinh trúng tuyển khi nhập học phải nộp lý lịch, cho rằng “cần có yếu tố pháp lý nào đó để quản lý sinh viên”.
Đăng ký thủ tục nhập học
Liệu có cần “yếu tố pháp lý” để quản lý sinh viên? Như học sinh phổ thông các cấp, các em khi vào học chỉ nộp học bạ, giấy khai sinh và khai thêm thông tin cá nhân là đủ. Cái gọi là “yếu tố pháp lý để quản lý sinh viên” dường như mang nhiều hơi hướng của chủ nghĩa lý lịch và cách tư duy cũ thời bao cấp. Việc xác nhận tờ lý lịch sinh viên không có giá trị với trường mà chỉ tạo thêm áp lực cho sinh viên. Trước đây, sinh viên phải cắt hộ khẩu chuyển về trường, nên đòi hỏi có lý lịch, bây giờ địa phương vẫn quản lý sinh viên về hành chính, nghĩa vụ quân sự, vậy trường yêu cầu sinh viên nộp lý lịch có xác nhận để làm gì? Sinh viên là công dân, nếu họ vi phạm pháp luật đã có cơ quan công an phụ trách. Khi tốt nghiệp, nộp hồ sơ xin vào làm tại các cơ quan đặc biệt, nếu có yêu cầu lý lịch tư pháp thì họ phải bổ sung. Vậy trường đại học có cần thiết quản lý “yếu tố pháp lý” không?
Giảm bớt thủ tục hành chính đang trở thành xu hướng chung và là yêu cầu của xã hội. Đây cũng là nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành nhằm giảm phiền hà, tốn kém chi phí tiền bạc và thời gian của người dân. Người có hộ khẩu TPHCM, đi lại chứng thực các loại giấy tờ cũng phiền hà, huống hồ là người ở các tỉnh, sống ở vùng sâu vùng xa, đi lại càng khó khăn, mỗi lần đến cơ quan công quyền là một lần khó. Nên thấu hiểu và chia sẻ với người dân.