Cửa Đại “đóng cửa” cảng

Bồi lấp vì… nạo vét
Cửa Đại “đóng cửa” cảng

Thời hoàng kim, cảng Cửa Đại (TP Quảng Ngãi) mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu đánh bắt cá ra vào, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Thế nhưng hơn 3 năm qua, cảng bị bồi lấp mạnh do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, dẫn đến tàu thuyền bị “giam lỏng” tại cảng…

Bồi lấp vì… nạo vét

7 giờ sáng nhưng quanh cảng cá Cửa Đại vắng lặng không một bóng người. Thấy lạ, tôi hỏi một lão ngư đang neo tàu gần đó, mới biết cảng cá này đã trở thành phế tích hơn 3 năm rồi.

Gần đó, chủ tàu là anh Trần Thanh Tùng đang hí hoáy vặn lại những con ốc vít, nghe tôi hỏi chuyện, anh dừng hẳn công việc, rồi nói một mạch như chưa bao giờ được nói: “Anh coi, cả cảng cá to như ri mà giờ đứng trước nguy cơ… vô dụng vì tàu không ra vào được. Tàu nhỏ còn xoay xở theo con nước chứ tàu to đành chịu. Giờ muốn ra biển cũng phải tốn 40-50 triệu đồng mới đưa được tàu thoát ra cửa biển đang bị bồi lấp kia. Tình trạng này cứ kéo dài thì dân đi biển tụi tui chỉ có đi xin neo nhờ ở các cửa biển khác”. Cách đó không xa, con tàu 450CV của anh Thương cũng lâm vào tình trạng tương tự. Tàu chỉ ra vào được cảng những ngày nước lớn, còn đến lúc nước cạn xem như tàu bị “giam lỏng”.

Cảng cá Cửa Đại đìu hiu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cảng Cửa Đại bị bồi lấp mạnh là do trước đó UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý cho Công ty cổ phần Trường Phát Lộc và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Ngọc Việt kết hợp nạo vét và tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu. Nhưng quá trình nạo vét đã vượt phạm vi, kích thước và độ sâu cho phép, dẫn đến phá vỡ thế cân bằng động ở vùng cửa sông, gây nên hiện tượng bồi lấp nghiêm trọng cửa sông Kinh, sông Phú Thọ và sạt lở bờ biển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Lạc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Việc cảng Cửa Đại bị bồi lấp những năm gần đây, trước hết là do việc nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn đã vi phạm kích thước và độ sâu cho phép. Kế đó, những cơn bão liên tiếp trong năm 2013 cũng làm cửa biển bị bồi lấp mạnh hơn. Chúng tôi đã thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá tác động và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này nhưng do kinh phí đầu tư cần đến 700 tỷ đồng, trong khi ngân sách của tỉnh quá eo hẹp nên chưa thể nạo vét cửa cảng”.

Dịch vụ cũng chết yểu

Anh Bùi Văn Thuận, chủ một cửa hàng bán phụ tùng máy móc, nói như than: “Nếu trước đây, bình quân một ngày tôi bán được 1-2 triệu đồng, còn bây giờ có ngày không bán được gì. Cửa hàng hiện chỉ hoạt động cầm chừng, bán cho hết hàng cũ thôi chứ không dám lấy thêm hàng về. Nếu tình trạng này cứ kéo đài, chắc phải đóng cửa thôi!”.

Dẫn tôi đi xem cơ sở sản xuất nước đá nằm cách nhà không xa, ông Phan Văn Thuận vừa đi vừa than ngắn thở dài: “Hơn 3 năm rồi tôi không bán được một cây đá nào vì tàu thuyền có ra khơi đánh bắt được đâu mà mua đá ướp cá. Nếu như tình trạng này không được cải thiện, chắc tôi phải tính chuyện tháo dỡ để lấy sắt bán đồng nát, chứ để vậy gỉ sét hết rồi còn đâu”.

Ông Phan Thành Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, thừa nhận: “Đa số bà con ở đây đều theo nghề biển, người nào có tiền thì đóng tàu vươn khơi, còn không ở nhà làm các dịch vụ hậu cần. Những năm cảng chưa bị bồi lấp, cuộc sống của bà con sung túc lắm, ai cũng có công ăn việc làm. Dịch vụ ăn theo nghề biển cũng làm ăn khấm khá. Ngân sách của xã hồi đó tăng đáng kể, thế nhưng từ khi cảng Cửa Đại bị bồi lấp, cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất. Ngư dân ở đây ai cũng mong muốn cửa cảng nhanh chóng được nạo vét để tàu thuyền ra vào, nhằm giúp bà con có được công ăn việc làm như xưa”.

Nguyễn Đắc Thành

Tin cùng chuyên mục