Cứ ngỡ như giấy và bút là hai thứ phải đi liền với nhau từ cổ xưa mà không phải. Kể từ khi tướng quân Mông Điềm nhà Tần bắt thỏ rừng lấy lông làm ra chiếc bút lông đầu tiên của người Trung Hoa vào năm 221-206 trước tây lịch cho đến lúc viên hoạn quan Thái Luân đời Hán làm ra tờ giấy viết vào năm 105 sau công nguyên thì khoảng cách ấy cũng là hơn 300 năm rồi. Hơn 300 năm có bút mà không có giấy. Người ta viết chữ lên thẻ tre, da thú, đá, gỗ và vải lụa.
Nghệ thuật nguyên thủy cách đấy cả vài chục ngàn năm về trước dĩ nhiên chưa hề có giấy bút. Người nguyên thủy dùng đá vạch lên vách hang và dùng đất màu tô thêm vào những hình vẽ rất sinh động mà ngày nay còn thấy trong các hang động tiền sử Altamira (Tây Ban Nha), Lascaux (Pháp).
Hà Nội những năm chiến tranh bao cấp vô cùng thiếu thốn giấy bút. Sách báo in ra trong nước chỉ có một loại giấy rơm tái chế chẳng biết bao nhiêu lần. Đen thui thủi. Nhặt được con chữ ra khỏi trang sách đến mờ cả mắt. Trẻ con người lớn chỉ có duy nhất một loại giấy viết tay. Gọi là giấy “Năm hào hai”. Bán phân phối với giá 5,2 hào một tập. Trị giá bằng 1,3kg gạo. Giấy viết cũng đạt độ đen như giấy in và dòng kẻ lúc thẳng lúc xiên. Rất lạ là người ta luôn viết theo dòng kẻ cho dù nó thế nào đi nữa. Bút cho người lớn là bút máy. Sau này có thêm bút bi. Cả hai đều bơm mực. Bút máy tự bơm và bút bi mang ra hàng bơm mực. Trẻ con bút sắt chấm mực tím. Ở thành phố có khay mực chung để sẵn trong lớp. Nông thôn phải tự mang mực đi học. Viết ít bôi nhiều. Tan buổi học chân tay mặt mũi đứa nào cũng tím.
Giấy bút hiếm thế nên không bao giờ có chuyện dùng lãng phí. Trẻ con, người lớn nghịch ngợm vẽ bậy lên tường thường dùng cục gạch non. Những mảng tường trống ở thành phố mỗi năm quét vôi một lần chính là “tờ giấy” vĩnh cửu. Tha hồ viết vẽ nhăng nhít lên đấy và cuối năm người ta lại xóa. Không hiểu tại sao lúc ấy Hà Nội có rất nhiều bức tường trống không. Những chỗ khuất rất dễ biến thành toilet công cộng. Người ta hay vẽ chiếc kéo có vài giọt máu rỏ xuống với lời chú thích đe nẹt kinh hồn “Đái bậy cắt...”. Trai gái hay viết lên tường những câu tỏ tình mùi mẫn. Đại loại như “Yêu em mãi mãi”, “Luôn nhớ về anh”... Dưới dòng chữ bay bướm nắn nót bao giờ cũng là hình hai trái tim lồng vào nhau có hai chữ cái cũng lồng bên trong. Đôi khi có cả hình chim bồ câu ngậm dải băng xoắn xít bay trong gió. Hình vẽ thô vụng ấy trẻ con hay gọi là “Bồ câu tha giun”.
Hà Nội bấy giờ có quán cà phê Lâm “khói” rất nổi tiếng. Các văn nghệ sĩ Hà Nội hay tụ tập ở đấy mỗi sáng. Họ gọi ông chủ quán là Lâm “khói” cho nhã nhặn chứ quán ấy không hề có khói lửa gì cả. Chỉ là ông chủ có cặp mắt bốn mùa kèm nhèm mơ mộng mà thôi. Ông Lâm “khói” dùng một “cuốn sổ ghi nợ” có một không hai trên đời. Chẳng biết có phải vì thiếu giấy bút không, “cuốn sổ nợ” của ông chính là mấy hàng cột gỗ đen thẫm trong ngôi quán ở khu phố cổ. Trên đỉnh cột là chữ cái viết tắt đầu tên của những họa sĩ, nhà văn lừng danh.
Dưới đó là những vạch xếp thành ô vuông có một nét chéo bằng phấn trắng tượng trưng cho năm cốc cà phê uống chịu. Vạch đến lưng lửng cây cột thì thanh toán tiền và xóa các ô vuông đi. Cũng có lúc họa sĩ thanh toán tiền cà phê bằng tranh và nhà văn trả nợ bằng bản thảo viết tay của mình. Con mắt tinh đời hết mực của ông chủ quán cà phê đã thu thập được một bộ sưu tập hội họa, văn chương thơ ca rất giá trị. Cuối đời ông chia cho con cháu một ít, phần còn lại ông làm từ thiện khắp nơi chưa hết tiền.
Giờ thì Hà Nội còn rất ít bức tường trống để người ta có thể viết vẽ nhăng cuội lên đấy. Thực ra thì cũng vẫn là nhăng cuội thôi nếu như nhìn kĩ và đọc hết những quảng cáo dán trên tường. Không còn dấu vết của hăm dọa hay yêu đương trên những bức tường nữa. Chỉ còn “khoan cắt bê tông”, “thiến mèo hoạn chó”, “tìm của rơi” và “mua đồ cũ”. Tất cả đều được in trên giấy đẹp kèm theo một số điện thoại liên hệ.
Nhưng Hà Nội vẫn còn những nơi người ta nhặt cục gạch mà vạch lên tường. Ngạc nhiên thay, đó lại là ở những nơi tôn nghiêm và thắng cảnh. Đầu rùa Văn Miếu, súng thần công trong bảo tàng, bệ tượng trong đền chùa, cây cối và ghế đá công viên. Nội dung của hình vẽ và chữ viết phần lớn có liên quan đến “kỷ niệm” về Hà Nội. Hình như không ghi lại kỷ niệm ấy ở Hà Nội thì lần sau đến Hà Nội sẽ chẳng biết mình là ai? Kể cũng hơi có lý!
ĐỖ PHẤN