Cụm công nghiệp vắng hoe

Cụm công nghiệp vắng hoe

Hàng loạt cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên đã được xây dựng với kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhưng hiện không thu hút được nhà đầu tư, gây lãng phí lớn.

Cụm Công nghiệp (CCN) Đắk La (huyện Đắk Hà, Kon Tum) được xây dựng trên diện tích 50ha từ nhiều năm trước. Tổng cộng có khoảng 10 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng đường, cổng chào… nhưng hiện không có nhà đầu tư nào vào hoạt động, chỉ thấy toàn cao su và mì của dân. Ông Vũ Mạnh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý kinh tế tỉnh Kon Tum, cho biết, trước đây có 4 đơn vị đăng ký đầu tư tại CCN Đắk La nhưng do chậm triển khai nên đã bị kiến nghị thu hồi. Còn CCN Ia Grai (Gia Lai) có quyết định xây dựng từ năm 2009 trên diện tích 15ha hiện cũng không có gì ngoài những khu đất cỏ mọc um tùm, những rẫy cà phê chín mọng đang chờ dân thu hoạch. Tại đây, có 2,8/15ha đất của dân đã được đền bù nhưng cũng do chưa có nhà đầu tư nên các hộ dân vẫn đang tiếp tục canh tác trên mảnh đất này. Tương tự, CCN Chư Prông có diện tích quy hoạch 15ha cũng được đền bù giải phóng mặt bằng gần hết nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào đến thuê đất…

CCN Ia Grai hiện là bãi đất trống và rẫy cà phê

Trên địa bàn Gia Lai có 11 CCN được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích hơn 297ha. Ngoài 2 CCN “đìu hiu” trên, các cụm còn lại như CCN Diên Phú (TP Pleiku) có diện tích 40ha, đã giải phóng mặt bằng 100%, hiện chỉ có 8 doanh nghiệp thuê đất; CCN Ia Khươl (hơn 53ha) có 5 doanh nghiệp thuê; CCN Đắk Djrăng (huyện Mang Yang, 15ha) có 2 doanh nghiệp đăng ký; CCN Chư Sê (51ha) hiện 1 doanh nghiệp thuê, 1 doanh nghiệp khác đang làm thủ tục đầu tư. CCN Kông Chro (15ha) chỉ có 1 doanh nghiệp đăng ký thuê đất. Các CCN: Ia Sao (thị xã Ayun Pa), Phú An (huyện Đắk Pơ), Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) và Ia Pa (huyện Ia Pa) chưa giải phóng xong mặt bằng.

Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, việc thiếu kinh phí đền bù giải tỏa và đầu tư hạ tầng kỹ thuật là nguyên nhân khiến việc thu hút dự án đầu tư vào các CCN gặp nhiều khó khăn. Còn các doanh nghiệp lý giải, muốn vào một CCN thuê đất đầu tư, họ phải cân nhắc bên trong CCN đã có những gì, thuận lợi cho việc kinh doanh hay không. Trường hợp các CCN không được đầu tư hạ tầng, nếu vào họ phải tốn bộn tiền để kéo điện, nước nên còn e ngại.

Để thu hút các nhà đầu tư, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã kiến nghị UBND tỉnh nhiều nội dung; trong đó, với những CCN đã quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng, đề nghị UBND tỉnh có chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn vốn; chỉ đạo các địa phương quy định, bố trí ngành nghề phù hợp vào CCN nhằm phát huy lợi thế của địa phương, đảm bảo mỹ quan môi trường; xem xét, cân đối nguồn ngân sách của Trung ương tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp.

VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục