Dường như không có một tổ chức tình báo nào hoạt động đặc biệt như Cụm điệp báo A10. Họ không được hướng dẫn, trang bị bất kỳ một thứ máy móc, thiết bị nào. Họ là những học sinh, sinh viên yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm. Họ chỉ biết định hướng chung từ thủ trưởng trực tiếp rồi tự quyết định hành động sao cho đạt hiệu quả cao nhất và không để bị lộ, bị bắt.
Xây dựng “lõm chính trị”
Đầu năm 1972, sau Hội nghị Bình Giã, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Thành ủy Sài Gòn - Gia Định nghiên cứu các nhân vật đối lập để vừa phân hóa, vừa lôi kéo, vừa cài người của ta để làm sao hạ bệ được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Nhận được chỉ thị, ông Nguyễn Quốc Hương (Mười Hương), Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, liền bàn bạc với ông Sáu Ngọc (tức Lê Thanh Vân, Phó ban An ninh T4 phụ trách điệp báo) tìm một số anh em cài vào nhóm của Đại tướng Dương Văn Minh để triển khai công tác hoạt động chính trị nhằm tạo thế và lực cho số đối lập chịu ảnh hưởng của cách mạng lớn mạnh đến khi đủ điều kiện có thể thay thế được Nguyễn Văn Thiệu.
Tháng 9-1972, ông Sáu Ngọc thành lập Cụm điệp báo lấy bí số A10. Cụm gồm các ông Nguyễn Minh Trí (tức Mười Thắng, Cụm trưởng), Nguyễn Hữu Khánh Duy (tức Năm Quang, Cụm phó), Huỳnh Huề (tức Ba Hoàng, Cụm phó)…
Ông Năm Quang cho biết: “Cụm điệp báo A10 có nhiệm vụ xây dựng cơ sở, thu thập tin tức, âm mưu thủ đoạn của địch; tấn công chính trị, phân hóa hàng ngũ địch, xây dựng “lõm chính trị”. Các “lõm chính trị” ở thành phố là lực lượng quần chúng có cảm tình với cách mạng và có thể lợi dụng được bộ máy hành chính của địch để phục vụ yêu cầu của ta. Lúc đó, tôi đang hoạt động trong Ban An ninh T4 được điều động về cụm điệp báo và đang là Đoàn trưởng Đoàn công tác Y-Nha-Dược. Đoàn công tác của chúng tôi chủ yếu làm công tác xã hội thuần túy như khám sức khỏe, phát thuốc cho bà con nghèo ở các quận 4, 6, 11…
Lợi dụng việc này, chúng tôi đã thâm nhập vào bà con và không ít lần ứng cứu bộ đội đang ẩn nấp trong dân cũng như chuyển thuốc men về vùng cách mạng. Tôi nhiều lần quy tụ sinh viên tổ chức biểu tình chống tham nhũng, vận động dân sinh, dân chủ, chống bắt lính… Do gia đình tôi có nhiều người giữ vị trí nòng cốt của ngụy quyền Sài Gòn nên bọn lính ngụy, mật thám coi tôi như một sinh viên ngoan cố, quậy phá. Với vỏ bọc như vậy, tôi dễ dàng tạo được nhiều cơ sở, “lõm chính trị”, trong đó có cơ sở quan trọng là ông Huỳnh Bá Thành (tức Ba Trung), Giám đốc kỹ thuật tờ Điện Tín, tờ báo đối lập có số phát hành khá cao vào thời điểm bấy giờ”.
Nhờ thân quen từ hồi học hồi phổ thông, ông Năm Quang đã tác động cho ông Ba Trung thực hiện và đăng tải các tin bài phản chiến, đấu tranh dân sinh, dân chủ, vạch mặt chính quyền tham nhũng, kêu gọi hòa bình, thực hiện hòa hợp, hòa giải trên cơ sở pháp lý và thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Paris…
Ông Năm Quang cho biết, với thế mạnh của tờ báo, từ sự rệu rã của ngụy quyền Sài Gòn, Mỹ không viện trợ cũng như các nguồn tin tình báo quan trọng không thể chuyển về trung ương kịp, đã được báo Điện Tín đăng tải. Khi đã là cơ sở nòng cốt của Cụm điệp báo A10, ông Huỳnh Bá Thành đã quan hệ chặt chẽ với các dân biểu, nghị sĩ, phóng viên, thành viên Văn phòng Chính phủ bên cạnh Đại tướng Dương Văn Minh.
Giờ phút lịch sử
Chính vì những bài báo “phương hại đến an ninh quốc gia”, tháng 3-1975, báo Điện Tín bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đóng cửa. Ban An ninh T4, Cụm điệp báo A10 yêu cầu ông Huỳnh Bá Thành tìm cách ở hẳn trong Dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh. Trong khí thế tấn công và chiến thắng của quân giải phóng ở khắp mọi miền, ông Sáu Ngọc, Phó ban An ninh T4 giao nhiệm vụ cho Cụm điệp báo A10 bằng mọi cách tấn công chính trị, tác động để Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu rồi tìm cách giao chính quyền cho cách mạng để cuộc chiến sớm chấm dứt và ít tổn thất.
Khi Tổng thống Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay thế, Cụm điệp báo A10 đã tác động các dân biểu đối lập đề ra bản tuyên cáo chống “Chính phủ Thiệu không có Thiệu”. Bản tuyên cáo được nhóm của ông Huỳnh Bá Thành biên soạn và dịch ra nhiều thứ tiếng trong đêm 24-4-1975 để kịp phân phát trong cuộc họp báo sáng hôm sau. Chính bản tuyên cáo này đã làm rối loạn cuộc họp của hạ viện. Cuộc họp này dự kiến là lễ tấn phong Tổng thống cho Trần Văn Hương.
Ông Mười Hương tiếp tục chỉ đạo Cụm A10 tác động để thay Trần Văn Hương và phương án tốt nhất là ông Dương Văn Minh thay thế. Cùng với nhiều lực lượng khác, Cụm điệp báo A10 đã tham gia tác động các nghị sĩ đối lập để Quốc hội chế độ Sài Gòn bầu ông Dương Văn Minh làm tổng thống vào ngày 28-4-1975.
Sau khi quân giải phóng cắm cờ Dinh Độc Lập, trưa ngày 30-4, ông Dương Văn Minh cùng nội các đi theo Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203; đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 đến đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Khi đến nơi, các nhân viên nhà đài đã bỏ chạy về nhà, máy vẫn mở nhưng không ai biết vận hành.
Ông Phạm Kỳ Nhân, phóng viên Hãng thông tấn AP (cơ sở của Cụm A10) liền phóng xe về Làng Báo chí (phường Thảo Điền, quận 2 bây giờ) để đưa các chuyên viên Hứa Trọng Liêm, Trần Tự Lập, Nguyễn Hữu Hùng… vào hướng dẫn, vận hành máy. Đến 12 giờ 15 phút, ông Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng. Và ông Phạm Kỳ Nhân đã chụp được bức ảnh lịch sử ghi nhận sự kiện trọng đại của đất nước.
ĐOÀN HIỆP