Cùng con trưởng thành

Tại một hội thảo phát triển kỹ năng sống cho con trẻ diễn ra tại TPHCM mới đây, nhiều phụ huynh thổ lộ rằng họ không kiểm soát được hành vi của con (đặc biệt là các con ở độ tuổi bắt đầu trưởng thành).
Gần gũi con, hướng con đến với các hoạt động đội nhóm, cộng đồng sẽ giúp con trưởng thành, tự tin hơn
Gần gũi con, hướng con đến với các hoạt động đội nhóm, cộng đồng sẽ giúp con trưởng thành, tự tin hơn

Thậm chí, nhiều người tỏ ra chán chường khi con học giỏi các môn tại trường nhưng tư duy sống, cách tiếp cận với mọi người xung quanh thì lại quá tệ. Một số phụ huynh tỏ ra bất lực và buông hẳn việc tự tìm phương pháp để giúp con “vượt khó” ở giai đoạn thay đổi sự phát triển (bắt đầu trưởng thành), thay vào đó họ lại tìm kiếm những giải pháp khác từ các khóa học kỹ năng đang được nhiều đơn vị mời chào trên mạng xã hội…

Những đổi thay…

Chị Hạnh Nguyên (quận Gò Vấp) than thở, lúc nhỏ con trai chị rất dễ thương và nghe lời ba mẹ, gần như chị không phải lo lắng bất cứ điều gì vì ba mẹ nói gì con làm theo đó. Chị bắt con phải học bơi thay vì chơi đá bóng hoặc phải học piano thay vì học guitar… con chị đều theo ý mẹ, ngoan ngoãn cuối tuần ngồi lên xe để mẹ chở đi học. 

Nhưng đến lớp 9, con bắt đầu vịn đủ cớ học hành, thi cử, tham gia các buổi ngoại khóa với trường, lớp, con bắt đầu thưa dần và nghỉ hẳn các lớp học năng khiếu. Thay vào đó, hoặc con vắng nhà, hoặc đóng cửa phòng và dần ít nói chuyện với ba mẹ. 

Lúc đầu chị Nguyên cảm thấy bình thường với việc thay đổi của con vì nghĩ các lý do con đưa ra khá chính đáng. Nhưng càng lúc chị lại thấy rõ ràng con đang tạo khoảng cách với gia đình. Con ít khi tham gia cùng gia đình trong các chuyến đi chơi và ăn uống với lý do bận học. 

Đỉnh điểm là khi cô giáo gọi điện, chị Nguyên mới biết sức học của con giảm sút hẳn trong khoảng thời gian qua. Chị quyết định nói chuyện với con về việc học nhưng lại càng thất vọng hơn khi con chị tỏ ra “miễn nhiễm” với những lời càm ràm của mẹ. “Thằng bé thậm chí không tập trung lắng nghe tôi nói và phân tích những cái đúng, sai của nó”, chị Nguyên than thở.

Đem chuyện con nói với chồng, chị chỉ nhận được câu trả lời: “Nó lớn rồi, tự khắc biết điều chỉnh hành vi”. Nhưng thật sự con trai chị chưa lớn, cháu chỉ đang bước vào giai đoạn sắp trở thành người lớn, hay nói đúng hơn là cháu đang ở “quãng giữa” - giai đoạn của độ tuổi trưởng thành (từ 15 - 20 tuổi). “Cuối cùng, vì không sắp xếp được công việc, cả hai vợ chồng quyết định “buộc” con tham gia một khóa học 7 ngày tại TPHCM về kỹ năng sống và trưởng thành. Giá cả khóa học khá cao và lịch học nguyên ngày. 

Lúc đầu con phản đối nhưng nghe mẹ năn nỉ riết, thằng bé chịu đi học”, Chị Nguyên kể. Kết thúc khóa học, chị tâm sự, thằng bé ngủ li bì và than mỏi mệt vì vừa học lý thuyết vừa phải vận động các kiểu. 

Một tuần sau, chị mới hỏi con xem thái độ của con về khóa học như thế nào. Chị kể, lúc đó con trai chị không nói gì, chỉ ôm chị và an ủi: “Mẹ yên tâm đi, con không sao”. 

Con chị giải thích, nhiều bạn trong khóa học là con của đại gia nên gần như rất hư hỏng, thậm chí sống ích kỷ. Họ chỉ biết tiêu xài tiền của ba mẹ và không quan tâm đến gia đình. Tuy nhiên, qua khóa học con cũng hiểu được thêm nhiều điều mới mẻ về cuộc sống… 

Chị Nguyên kết luận: “Thật ra thằng bé không thay đổi nhiều sau khóa học, nhưng có một điều tôi thấy con thay đổi, đó là con nhận biết được sự quan tâm, lo lắng của mẹ, nên dần cởi mở hơn, gần gũi hơn”. 

Chúng ta cùng lớn

Một chuyên gia tâm lý cho biết: “Ở độ tuổi này, cha mẹ cứ nghĩ con đã đủ lớn nên buông tay để con tự vượt qua khó khăn của tuổi dậy thì. Thật ra điều đó hoàn toàn sai và nếu không điều chỉnh kịp thời cha mẹ có thể sẽ “vuột mất” đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo và học giỏi của mình”. 

Vậy đâu là phương pháp giúp con vượt qua giai đoạn này? Các chuyên viên tư vấn tại các khóa học được nhiều người hưởng ứng như: Tôi tài giỏi, bạn cũng thế của Adam Khoo; Cha mẹ giỏi, con thông minh của Myrna B.Shure; Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương của Sara Imas… cũng cho rằng, khóa học một hoặc hai tuần không thể nào giúp con thay đổi hành vi và thái độ ngay tức thì, mà nó chỉ định hướng một phần nào cho con trong biểu đồ lập trình trưởng thành của con. Phần lớn phải nhờ vào sự giúp sức của gia đình và quan trọng nhất là của ba và mẹ. Có khi để thay đổi một đứa trẻ ngang bướng trở thành ngoan ngoãn, phụ huynh phải cùng nhà trường cận kề bên con suốt một năm học. 

Như trường hợp của chị Kim Phượng (quận 11), chị đã phải bỏ hết công việc bên lề để “xâm nhập” các hoạt động thường ngày của con một cách âm thầm. Trước đây, do công việc nên buổi sáng chị phát tiền cho con tự ăn và không quan tâm đến buổi trưa và chiều của con. Có khi quá bận việc thậm chí cả ngày chị không hề nói chuyện với con. Một tuần chị và con tiếp xúc rất ít. Đến một ngày, cô con gái của chị bỗng trở nên xa cách… Sau khi nhận ra sự thay đổi của con ở độ tuổi trưởng thành, chị Phượng cũng thay đổi cả lịch sinh hoạt của mình. Chị thường xuyên gọi điện cho con, hỏi bâng quơ và nhắc nhở con về nhà ăn trưa, ăn tối. Tan ca, chị rủ con đi uống nước, mua sắm và hỏi thăm các bạn trong lớp. Cuối tuần chị nấu ăn và bảo con rủ bạn về nhà cùng chơi và học. 

“Tôi đã dành hẳn một tháng làm bạn với con như lúc con ở độ tuổi 9-10 và gần như cố níu con để con không trượt xa mình…”, chị Phượng nghẹn ngào. Tiếp xúc với con gái chị Phượng, cháu vô tư: “Con đâu có hư, do mẹ không trò chuyện và đi suốt nên con chẳng muốn về nhà sớm. Giờ mẹ đã ở nhà nhiều hơn, dành thời gian trò chuyện với con nhiều hơn nên con rất vui”. 

Qua đó mới thấy, dù ở độ tuổi nào cũng vậy, con cái vẫn rất cần có sự định hướng, trò chuyện, chỉ dẫn của ba mẹ. Đặc biệt, ở “quãng giữa” ai cũng phải trải qua, đó là lúc các con cần ba mẹ nhất. Nhiều phụ huynh chia sẻ: Giúp con vượt qua tâm bão tuổi teen thành công mới là điều cần thiết nhất…

Tin cùng chuyên mục