Đã gần 10 năm, kể từ ngày con đường bộ mới - nối 2 thành phố du lịch Nha Trang với Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng gọi tỉnh lộ 723, còn Khánh Hòa gọi đường Khánh Vĩnh - Đà Lạt) được đưa vào sử dụng, con đường ngày càng phát huy tác dụng với lượng xe qua lại mỗi ngày một đông hơn và đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Đẳng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng), con đường hình thành là quyết tâm lớn của Đảng bộ hai địa phương nhằm tạo bệ phóng để phát triển, nhất là cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại 2 huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) và Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
Trước đây, từ TP Nha Trang đến TP Đà Lạt phải ra quốc lộ 1, sau đó theo quốc lộ 27, nhập vào quốc lộ 20 với chiều dài khoảng 225km và phải mất 5 - 6 giờ, nhưng khi có con đường mới, lộ trình chỉ còn 138km, rút ngắn khoảng 2 giờ so với trước. Trong thời buổi công nghiệp hóa thì ngần ấy thời gian rất có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế, giao thông và nhất là phát triển du lịch.
Một cung đường đẹp trên tỉnh lộ 723
Du khách từ TPHCM và các tỉnh miền phía Nam có thể dễ dàng thực hiện các chuyến du lịch liên tuyến biển - núi cũng thuận lợi, nhất là khi lượng ô tô gia đình ngày một tăng thì vào dịp tết hay hè để rong ruổi, khám phá cảnh đẹp hai bên đường. Nếu khởi hành từ TP Đà Lạt, du khách sẽ đi qua làng hoa Thái Phiên, được tận mắt ngắm nhìn những vườn rau, hoa trong nhà kính, biết thế nào là atiso - một loại cây thực phẩm - dược liệu đặc hữu của Đà Lạt; kế đó sẽ khám phá các bản làng người dân tộc K’Ho ở 2 xã Đạ Nhim, Đạ Chais của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) với những căn nhà sàn đặc trưng. Bên địa phận tỉnh Khánh Hòa là huyện Khánh Vĩnh với những thôn làng đồng bào dân tộc Rắc Lây, vốn nổi tiếng với cây đàn Cha Pi. Và nối giữa 2 tỉnh là một đường đèo dài gần 30km quanh co, uốn lượn chạy qua những khu rừng nguyên sinh chập chùng của Vườn quốc gia Bi Đúp - Núi Bà, với những vách đá dựng đứng to lớn, những thác nước giữa rừng trong vắt từ trên cao đổ xuống mà du khách hay gọi là Thiên Thai. Con đường đèo có đỉnh cao hơn mặt nước biển 1.600m (phía Khánh Hòa gọi hòn Giao) nên quanh năm sương mù bao phủ dày đặc, nhất là vào mùa mưa, tạo cảm giác mát lạnh.
Chính vì thế, dù đã nhiều lần qua lại trên con đường mới nối Nha Trang với Đà Lạt nhưng cứ mỗi lần qua đây, khách lữ hành vẫn còn nguyên cảm giác thích thú với cảnh sắc hai bên đường.
Văn Phong