Đúng giờ giao thừa Ất Mùi, Nguyễn Thanh Minh, Trạm trưởng trạm bờ lên sóng, dò tần số, chúc mừng năm mới đến khoảng 20 tàu thuyền tỉnh Quảng Bình đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.
Trạm trưởng Nguyễn Thanh Minh liên lạc với ngư dân hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa.
Đón giao thừa cùng ngư dân
Các tỉnh ven biển được triển khai trạm liên lạc đất liền với tàu khai thác xa bờ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ thông qua hệ thống định vị GPS. Quảng Bình là một trong những địa phương đã triển khai trạm bờ từ cuối năm 2011. Trạm có 3 người, thuộc Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tỉnh nhưng năm nào cũng trực đón giao thừa cùng ngư dân trên cánh sóng.
Anh Nguyễn Thanh Minh cho biết: “Ngư dân đánh bắt theo luồng cá, có tàu đánh bắt cá cả trong những ngày tết nên anh em phải túc trực bám sóng, bám đài 24/24 nhằm hướng dẫn bà con bất cứ lúc nào họ cần thông tin”.
Từ ngày có trạm đặt ở đất liền, Minh và đồng nghiệp đã qua 3 cái tết thường trực với máy móc Icom. Tết này, trong thời khắc giao thừa, Minh trực canh sóng đón nhận thông tin của khoảng 20 tàu cá đang đánh bắt ở Hoàng Sa. Năm nào cũng thế, Minh là trưởng trạm bờ nên chọn trực đêm giao thừa và mùng 1 Tết, hai nhân viên còn lại được ưu tiên trực sau tết để dành thời gian cho gia đình.
Minh vốn quê hương Bảo Ninh, một trong những xã biển của miền Trung, có nhiều bà con bạn bè đi biển xa nên thấu hiểu nỗi lòng ngư dân thời khắc giao thừa trên biển. Có giọng nói rắn rỏi, đậm chắc, khi nghe trạm bờ lên tiếng, các tàu cá xa nhà nhận ra chất giọng của Minh là bắt đầu cười đùa, chúc tụng đánh bắt, chúc tụng làm ăn, chúc tụng năm mới an khang, lộc biển đầy khoang thuyền.
Hoa tiêu của ngư dân
Hiện nay, hệ thống máy thông tin liên lạc tầm xa HF tích hợp GPS VX được trang bị cho các trạm bờ và tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân ở vùng biển xa đã đưa lại hiệu quả thiết thực cả kinh tế lẫn an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo, làm thay đổi nhận thức của ngư dân cũng như cuộc sống của họ ở trên biển và chính trong đất liền.
Ngư dân Phạm Tuyển (Bảo Ninh, Đồng Hới) nói: “Từ ngày có trạm bờ, thuyền đánh cá của ngư dân ra Hoàng Sa như có thêm mắt, được phía bờ chỉ dẫn rõ ràng”. Ông Hồ Minh Thuần, chủ chiếc tàu cá 800CV ở Đức Trạch (Bố Trạch), nói: “Trước đây không có trạm bờ, thuyền trưởng chỉ dựa vào la bàn với kênh liên lạc của bộ đội biên phòng, các đài duyên hải nhưng hạn chế nhiều do tần số chỉ tốt khi trời nắng ráo. Nay trời xấu, trạm bờ hiện đại vẫn liên lạc rõ. Đúng là hoa tiêu cho ngư dân bám biển chú ơi”.
Tuy nhiên, cũng có không ít tàu cá muốn dùng thủ thuật để tư lợi tiền hỗ trợ dầu của Nhà nước. Việc này, Minh kể, có một số tàu cá khi ra chưa đến vị trí đã nhắn tín hiệu về. Đến lúc đưa hồ sơ lên, nói bà con không trung thực, có chủ tàu cự cãi nhưng cho xem toàn bộ tọa độ tín hiệu lúc truyền họ mới thừa nhận sự không thành tâm của mình. Có tàu ra đúng vị trí, bấm tín hiệu rồi lại trở vào cũng bị phát giác khi đưa hồ sơ đến thanh toán hỗ trợ tiền dầu.
Bởi theo Minh, mỗi khi tàu có kết nối tín hiệu, đi bất cứ đâu, ở bất cứ vùng biển nào thuộc chủ quyền Việt Nam, hệ thống đều ghi lại và lưu trữ cẩn thận bởi các thuật toán tự động của máy tính, con người không thể can thiệp được. “Từ đó mà bà con ngư dân mới tự giác và không thể qua được máy tính”, Minh giải thích.
MINH PHONG