Cùng nhau vượt qua gian khó - Bài 3: Gượng dậy sau mất mát

Cuộc chiến với Covid-19 được ví như “chiến trường” không tiếng súng và chiến trường nào cũng có những mất mát, hy sinh. Hàng chục ngàn tính mạng người dân đã ngã xuống, kéo theo biết bao gia đình tan vỡ. Hàng triệu đứa trẻ vì thế cũng rơi vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa. Trong cuộc chiến ấy, cũng đã có rất nhiều sự hy sinh của những người ở nơi tuyến đầu - những chiến binh áo trắng, áo xanh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì tính mạng, sức khỏe nhân dân.
Đại diện Trạm y tế lưu động số 27 (phường 25, quận Bình Thạnh) cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế ngừa Covid-19 cho người dân tại khu căn hộ An Huy, đường Ung Văn Khiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đại diện Trạm y tế lưu động số 27 (phường 25, quận Bình Thạnh) cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế ngừa Covid-19 cho người dân tại khu căn hộ An Huy, đường Ung Văn Khiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hàng chục ngàn người đã ngã xuống 

Cứ chiều chiều, bé Quế Anh (9 tuổi, trú hẻm 258 Trần Hưng Đạo, quận 1) lại chạy sang căn nhà cũ và cất tiếng gọi tìm “mẹ ơi”. Đã gần 2 tháng kể từ ngày chị Dạ Thảo - mẹ Quế Anh ra đi vì mắc Covid-19, cô bé vẫn chưa nguôi nỗi nhớ mẹ. Vốn một mình nuôi con nên khi chị Thảo mất đi, Quế Anh cũng không còn nơi nương tựa. Thương cô bé còn quá nhỏ, bà Chào - hàng xóm đã đón cô bé về chăm sóc, coi như con cháu trong nhà. Thế nhưng, tương lai của đứa trẻ này ra sao thì vẫn chưa ai có thể biết được. Bà Chào bộc bạch: “Nhiều hôm cứ tối đến là nó ra trước cửa, nhìn sang nhà gọi “Mẹ ơi, mẹ ơi” mà xót cả ruột. Hỏi đến thì nó lại khóc lớn hơn nên lắm lúc tôi cũng giả lơ, để con bé tự bình tĩnh trở lại. Sau này nó nói là nhớ mẹ quá không kiềm chế được, nghe thương quá”.

Còn bà Lê Thị Phượng (ngụ phường 3, quận 4) thì vẫn chưa thể chấp nhận được những mất mát do dịch Covid-19 gây nên. Chỉ trong 3 ngày liên tiếp, bà mất đi 3 người thân. “Tối hôm trước, mẹ tôi mất; chiều hôm sau, chồng tôi cũng ra đi. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, khi trưa hôm kế tiếp, chị tôi cũng qua đời vì dịch bệnh. Chứng kiến từng người thân yêu ra đi, tôi chỉ biết bất lực đứng từ xa nhìn, cũng không có cơ hội lo đủ phận sự của người con, người vợ, người em. Ngày trước, tôi cứ nghĩ dịch bệnh còn ở đâu xa lắm, rồi nó ập đến bất ngờ khiến mình trở tay không kịp. Đến khi từng người thân lần lượt ra đi, tôi mới thấm hết nỗi đau nhiều gia đình như mình gặp phải”, bà Phượng tâm sự trong nước mắt. 

Cũng lần lượt tiễn vợ, con và anh trai ruột ra đi vì mắc Covid-19, ông Lê Trọng Hải (ngụ quận 8) càng thấu hiểu hơn sự khốc liệt của dịch Covid-19. Người thân mất nhưng không thể tổ chức đám tang, tro cốt cũng phải sau 2-3 tháng mới được nhận về. Nỗi đau thương của ông Hải càng tăng lên gấp bội khi bản thân ông và các con của mình cũng lần lượt mắc Covid-19. Một đại gia đình đông đúc đang sum vầy bên nhau bỗng chốc rơi vào cảnh “tan đàn xẻ nghé”. “Nỗi mất mát, đau thương của gia đình mình quá lớn, nhưng tôi biết nhiều gia đình có số người tử vong còn cao hơn, nhiều y, bác sĩ đành bỏ lại con thơ lên đường chống dịch rồi mãi nằm xuống. Nỗi đau chung ấy, biết lấy gì bù đắp cho được?”, ông Hải trăn trở. 

Đầu tháng 10, trong cuộc tiếp xúc cử tri TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ những mất mát mà người dân thành phố đã phải chịu trong đợt dịch lần thứ 4: “Tôi xin được gửi lời chia sẻ với đồng bào, nhân dân TPHCM về những đau thương, mất mát quá lớn do tác động của đại dịch Covid-19”. Theo Chủ tịch nước, thời gian vừa qua, TPHCM có hàng chục  ngàn người bị nhiễm bệnh và tử vong khiến rất nhiều trẻ em mồ côi, trong đó nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh rất thương tâm. 

Những hy sinh không nói thành lời

“Chỉ còn 3 tháng nữa thôi, anh ấy sẽ được nghỉ hưu, sống trọn vẹn với gia đình, vợ con. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã cướp anh đi mãi mãi. Anh đã sống trọn vẹn với đời, với nghề”, bà Thân Ngọc Hương, vợ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, chia sẻ trong nước mắt khi nói về sự ra đi của chồng mình. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn là Trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Trong những ngày tháng dịch Covid-19 hoành hành tại thành phố, ông cùng 4 nhân viên trạm y tế xã đảm nhận truy vết F0, F1, lấy mẫu, xét nghiệm... cho hàng chục người dân. 

Bà Hương kể: “Suốt thời gian đó, ông gần như không về nhà mà cắm chốt tại trạm y tế. Dù gia đình muốn ông xin nghỉ hưu sớm, nhưng ông vẫn quyết tâm chiến đấu cùng đồng đội với mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi. Đến đầu tháng 7, bác sĩ Nhẫn mắc Covid-19”. Dù nằm trên giường bệnh, nhưng bác sĩ Nhẫn không hề ngơi nghỉ, vẫn điều hành công việc và tư vấn cho người bệnh qua điện thoại. Sau đó, bệnh tình ông ngày càng trở nặng, hôn mê và được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Và phép màu đã không xảy ra, bác sĩ Nhẫn ra đi mãi mãi khi chỉ còn 3 tháng nữa sẽ nhận được quyết định nghỉ hưu. Tính đến ngày ra đi, bác sĩ Nhẫn đã có 40 năm công tác trong ngành y tế, trong đó có đến 38 năm gắn bó với Trạm y tế xã Phước Lộc. 

Cũng ra đi bởi dịch Covid-19 là điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngày 27-7-2021, khi Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc thành Khoa Hồi sức Covid-19 cũng là lúc chị Hằng phải xa gia đình, xa 2 con nhỏ đang học lớp 9 và lớp 5 để toàn tâm chống dịch. Không may trong quá trình chăm sóc cho người bệnh, chị Hằng nhiễm virus SARS-CoV-2 và phải nhập viện điều trị từ ngày 1-8. Sau 12 ngày điều trị, điều dưỡng Hằng đủ điều kiện xuất viện và chị có nguyện vọng về nhà tiếp tục cách ly. Thế nhưng, khi vừa về đến nhà thì chị đột ngột trở nặng và qua đời, bỏ lại sau lưng cha mẹ già, 2 đứa con thơ và bao ước nguyện còn dang dở. 

Trong những ngày tháng gian khó nhất của đại dịch, TPHCM đã huy động hơn 170.000 người tham gia phòng chống dịch. Trong đó, lực lượng y tế tuyến đầu làm công việc trực tiếp khoảng 13.200 người, tuyến đầu làm công việc gián tiếp khoảng 33.000 người, tổ Covid-19 cộng đồng khoảng 68.400 người, tình nguyện viên khoảng 8.300 người và khoảng 6.700 nhân lực y tế do Bộ Y tế chi viện. Đã có quá nhiều mất mát trong cuộc chiến này! Và sự hy sinh ấy góp phần làm cho dịch bệnh dần được kiểm soát, người dân đã bắt đầu có lại cuộc sống “bình thường mới”.

Thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, đến ngày 17-11, TPHCM đã có khoảng  17.239 người chết do Covid-19, trong đó có những ngày ghi nhận hơn 300 ca tử vong. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, thừa nhận, đây là giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất mà chính quyền, nhân dân thành phố phải trải qua trong 35 năm trở lại đây. Trước những mất mát của người dân, Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ nỗi đau tột cùng với gia quyến, người thân có bệnh nhân Covid-19 qua đời, đặc biệt là những trẻ em không còn cha mẹ do đại dịch.

Năm 2021 đang dần trôi qua, những dự báo - kỳ vọng bị đảo lộn bởi sự tàn phá khốc liệt của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Sau một thời gian dài gồng mình chống dịch, gần 13 triệu người dân TPHCM chính thức bước vào những ngày nới lỏng giãn cách xã hội, tiến gần đến trạng thái “bình thường mới”. Không ít những bất tiện và khó khăn sau nhiều tháng trời gồng mình chống dịch, nhưng thành phố đã bước sang một giai đoạn tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, thành phố và người dân luôn giữ tâm thế cảnh giác trước nguy cơ dịch có thể tái bùng phát và diễn biến phức tạp hơn.

Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, đến nay đã có khoảng 3.200 y bác sĩ bị mắc Covid-19. Đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 tới nay) đã có 8 cán bộ, nhân viên y tế tử vong thuộc các đơn vị: Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương; Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè - TPHCM; Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn - Nghệ An; Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn - Lào Cai; Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu; Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ - Hải Dương; Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho biết, trong cuộc chống dịch Covid-19, ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, lại trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, đồ bảo hộ. Công đoàn Y tế đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước phong tặng liệt sĩ đối với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch, coi họ là người thi hành công vụ.

Tin cùng chuyên mục