Cuộc cách mạng du lịch ở Đồng Tháp

U.90 vẫn làm du lịch

Không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như những địa phương khác, nhưng với sự thân thiện, mến khách… Đồng Tháp đã tạo nên sự đột phá trong phát triển du lịch, khi lượng khách trong nước và quốc tế đến tăng liên tục. Du lịch đất sen hồng đang khởi sắc, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, nhờ các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân… cùng chung tay phát triển.

U.90 vẫn làm du lịch

Đến cồn Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh nghe nhiều người bàn chuyện lão nông Lê Văn Thành gần 90 tuổi vẫn “khởi nghiệp” làm du lịch. Năm 2016, khi địa phương khuyến khích nông dân làm du lịch thì ông Thành tiên phong đăng ký tham gia. Ông và con trai út (Lê Thanh Tâm) quy hoạch lại khu vườn trái cây đặc sản rộng 3ha của gia đình để xây dựng các mô hình ao cá, giàn bầu, khu tham quan vườn cây, khu nghỉ dưỡng sinh thái, bơi xuồng khám phá, thưởng thức trái cây sạch, các món cá đồng, bánh dân gian… Ông Thành huy động con cháu trong nhà và tuyển thêm cả chục người ở xóm để đưa đi học cách nấu ăn, cách phục vụ…

Du khách đến với vườn quýt hồng Lai Vung

Ông Thành tâm sự: “Do lần đầu tiên làm du lịch nên còn bỡ ngỡ, nhưng được các ngành chức năng động viên, giúp đỡ… cuối cùng mọi việc đâu vào đấy. Lợi thế của vùng này là không gian yên tĩnh, vườn cây trĩu trái, mát mẽ, cộng với sự thân thiện đã làm du khách ngạc nhiên, thích thú; nhất là khách quốc tế”. Với cách làm “chân quê” như vậy, nhưng khu du lịch miệt vườn của lão nông này mỗi ngày đón cả trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống.

Ông Phan Văn Thương, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, nhìn nhận: “Chính quyền cũng bất ngờ trước sự nhạy bén của ông Thành về cách làm du lịch vườn bình dị, hoang sơ, gần gũi… tạo sự hài lòng cho du khách. Có thể nói, ông Thành là người truyền cảm hứng, tạo sự tự tin cho nhiều nông dân khác mạnh dạn làm du lịch vườn nhằm giới thiệu những sản phẩm đặc thù của địa phương với du khách”.

Là nông dân chính gốc mấy chục năm chỉ quen chăm sóc vườn xoài. Nhưng khi nghe địa phương phát triển du lịch cộng đồng thì ông Đoàn Thanh Hiền ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh liền tham gia. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, đầu năm 2016, vườn xoài rộng 1,7ha của ông Hiền đưa vào làm du lịch.

Ông Hiền bộc bạch: “Thông thường cây xoài cho trái theo mùa, như vậy sẽ khó làm du lịch. Để hấp dẫn khách, tôi đã nghiên cứu và quy hoạch mảnh vườn ra nhiều khu vực để rải vụ cho xoài ra trái quanh năm, đảm bảo lúc nào du khách cũng được tận tay hái trái và thưởng thức xoài đặc sản Cao Lãnh. Bên cạnh đó là giới thiệu quy trình trồng xoài, phục vụ những sản phẩm từ xoài như xoài sấy, dưa xoài, rượu xoài, yaout xoài, xoài tươi; dịch vụ câu cá, tát mương, đơn ca tài tử… Cách làm kiểu “cây nhà lá vườn”, nhưng thân tình, mến khách đã được nhiều người “khoái” khi về đây thư giãn với thiên nhiên”. 

Hướng tới mục tiêu bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh chọn phát triển du lịch, tạo bước đột phá kinh tế - xã hội, giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, du lịch Đồng Tháp tập trung cho loại hình sinh thái, nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, tạo nét đặc sắc riêng tránh trùng lắp với các tỉnh khác. Từ đó hướng tới mục tiêu là một trong những tỉnh đứng đầu về du lịch ở Tây Nam bộ trong 10 năm tới”.

Theo ông Thương, tỉnh tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân, cộng đồng… cùng làm du lịch. Ngoài các di tích, điểm du lịch nổi tiếng như Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch đồng sen Tháp Mười, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Làng hoa Sa Đéc… tỉnh cũng hỗ trợ tích cực cho mô hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch miệt vườn của nông dân. Thời gian qua, tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn về du lịch cho chính quyền địa phương, nông dân… học hỏi; nghe các chuyên gia, công ty lữ hành đến từ TPHCM… hướng dẫn, góp ý kinh nghiệm làm du lịch. Qua đó, nâng cao hiểu biết về phương pháp làm du lịch.

Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist, nhận xét: “Đồng Tháp có thể phát triển du lịch sông nước, du lịch sinh thái, du lịch xanh, văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch mùa nước nổi… Khi khảo sát ở Đồng Tháp tôi thấy ấn tượng về làng hoa Sa Đéc, làng trái cây đặc sản Tân Thuận Đông, nhà sàn Nam bộ ở Hòa An, sự thân thiện của cồn Phú Mỹ, những lò gạch hoang ở huyện Châu Thành, nhà cổ Sa Đéc… Tất cả đều là những “nét độc” mà Đồng Tháp có thể khai thác du lịch. Thêm cái hay là Đồng Tháp đề cao loại hình du lịch trách nhiệm gắn với cộng đồng nhằm hướng tới sự bền vững”.


NGỌC DÂN

Tin cùng chuyên mục