Cuộc chạy đua không gian thế kỷ 21 - Ai sẽ thắng? - Bài 1: Bí mật Thần Châu

Thông điệp Bắc Kinh
Cuộc chạy đua không gian thế kỷ 21 - Ai sẽ thắng? - Bài 1: Bí mật Thần Châu

43 năm sau khi phi hành gia Liên Xô Alexei Leonov thực hiện chuyến đi bộ đầu tiên với 12 phút trong không gian vào ngày 18-3-1965 từ tàu Voskhod 2, Trung Quốc đã trở thành nước thứ ba thế giới sau Mỹ và Liên Xô thực hiện kỳ tích tương tự trong sứ mạng vào ngày 25-9-2008 với tàu Thần Châu 7.

Thông điệp Bắc Kinh

“Bắc Kinh muốn đưa ra tín hiệu cho thế giới thấy họ là cường quốc đẳng cấp hàng đầu về kỹ thuật không gian” - phát biểu của Dean Cheng, nhà phân tích người Trung Quốc thuộc tổ chức nghiên cứu Mỹ CNA Corp - “Rằng họ có thể làm được những điều mà chỉ Mỹ và Liên Xô mới có thể và như vậy họ đã qua mặt Nhật và châu Âu”. Chứng kiến tiến bộ liên tục trong lĩnh vực không gian Trung Quốc, nhiều nước đã bắt đầu sốt ruột và thực hiện cuộc chiến “tranh giành” không gian một cách quyết liệt…

Cuộc chạy đua không gian thế kỷ 21 - Ai sẽ thắng? - Bài 1: Bí mật Thần Châu ảnh 1

Thần Châu 7 cất cánh

Cách đây ba năm (và hai năm sau khi trở thành quốc gia thứ ba thế giới thành công trong việc đưa người vào không gian), 9g sáng thứ tư, 12-10-2005, Trung Quốc đã phóng thành công tàu Thần Châu 6 trong “sứ mạng huy hoàng và thiêng liêng” - như lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Đây là chuyến du hành không gian mang theo phi hành gia lần thứ hai, sau chuyến bay đưa Trung tá Dương Lợi Vĩ  quanh quỹ đạo trái đất 14 vòng vào ngày 15-10-2003 và trở về đúng vào ngày mà 39 năm trước Trung Quốc đã thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên.

Thần Châu được thai nghén từ Viện Nghiên cứu kỹ thuật tên lửa Trung Quốc (nằm trong Công ty Kỹ thuật và khoa học không gian Trung Quốc), Viện Nghiên cứu kỹ thuật không gian Trung Quốc và Viện Nghiên cứu kỹ thuật không gian Thượng Hải.

Phần thiết kế và thử nghiệm còn có sự giúp sức của Học viện Khoa học Trung Quốc và Bộ Công nghiệp thông tin. Thần Châu nằm trong khuôn khổ Đề án 921 tuyệt mật, được đích thân Chủ tịch Giang Trạch Dân chỉ đạo (tên con tàu - Thần Châu - cũng do Giang Chủ tịch đặt).

Từ thập niên 1970, Trung Quốc đã hoàn chỉnh các kỹ thuật đạn đạo đưa tàu không gian trở về trái đất. Đến cuối thập niên 1970, Trung Quốc bắt đầu thực hiện công tác huấn luyện phi hành gia và năm 1980 thì nước này đã xây xong một hải đội trục vớt module ngoài biển.

Mọi sự tiến triển tốt đẹp thì bỗng dưng đến tháng 12-1980, Wang Zhuanshan - Tổng Giám đốc Hội Nghiên cứu không gian Tân Trung Quốc kiêm kỹ sư trưởng Trung tâm không gian thuộc Viện Khoa học Trung Quốc - tuyên bố kế hoạch đưa người vào không gian bị đình chỉ vì không có kinh phí.

Tháng 4-1992, Giang Trạch Dân quyết định khôi phục lại chương trình không gian. Bắc Kinh ra chỉ thị bằng mọi giá một con tàu có người lái do Trung Quốc chế tạo phải được phóng trước thời điểm bản lề thiên niên kỷ mới, nhằm khẳng định vị trí cường quốc.

Chương trình này được đặt tên Đề án 921. Ngày 1-8-1992, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình dự cuộc họp cuối cùng với nhóm kỹ sư Đề án 921 và được nghe trình bày các giai đoạn của chương trình nghiên cứu không gian.

Bước 1 gồm việc phóng hai tàu không người lái và sau đó là tàu có người lái đầu tiên vào trước năm 2002. Bước hai kéo dài đến năm 2007 với loạt chuyến bay thử nghiệm nhằm kiểm tra kỹ thuật phối hợp trong không gian. Bước 3 gồm việc phóng vào quỹ đạo trạm không gian 20 tấn dự kiến trong giai đoạn 2010-2015. Cuối cùng, ngày 21-9-1992, Đề án 921 được chuẩn y với kinh phí 2,3 tỷ USD cho giai đoạn 1992-2003…

Thỏa thuận Nga-Trung

Giai đoạn đầu (921-1) là phóng một tàu không gian không người lái vào trước tháng 10-1999 để đánh dấu cột mốc lớn nhân dịp kỷ niệm đại lễ 50 năm Quốc khánh. Bản thiết kế đầu tiên của “con tàu tháng 10” hoàn thành năm 1992, dựa theo phiên bản tàu Soyuz của Nga.

Để phóng con tàu này, hệ thống tên lửa đẩy với tên lửa Trường Chinh thế hệ mới (dùng oxy lỏng và kerosene) đã được đề nghị. Đề án 921 ráo riết tiến hành tại Văn phòng không gian Thượng Hải, trong khuôn khổ Các kế hoạch kinh tế 10 năm. Sau nhiều bàn cãi, hệ thống đẩy oxy lỏng và kerosene bị hủy và thay vào đó là hệ thống cải tiến CZ-2F.

Bãi phóng CZ-2F được gấp rút khởi công xây tại ngoại vi Đông Bắc Bắc Kinh. Năm 1994, Đề án 921 lại bị thay đổi, khi Trung Quốc biết được Nga đang sẵn lòng bán một số kỹ thuật không gian.

Tháng 9-1994, đích thân Chủ tịch Giang Trạch Dân sang Nga, đến tận Trung tâm quản lý không gian ở Kaliningrad. Tháng 3-1995, một thỏa thuận Nga-Trung được ký với nội dung Moscow chuyển giao một số kỹ thuật không gian cho Bắc Kinh, trong đó có cả việc huấn luyện phi hành gia Trung Quốc.

Năm 1996, hai phi hành gia Trung Quốc - Ngô Kiệt (Wu Jie) và Lý Khánh Long (Li Quinglong) -bắt đầu khóa huấn luyện tại Trung tâm vũ trụ Yuri Gagarin ở Nga. Sau đó, hai người tiên phong này trở về Trung Quốc để thực hiện công tác huấn luyện trong nước. Tháng 5-1998, hệ thống đẩy CZ-2F được hoàn thành và tàu 921-1 (tức Thần Châu) cũng ra đời. Tất cả được kéo đến bãi phóng Tửu Tuyền để thử nghiệm.

Tháng 6-1999, cùng lúc với “tin đồn” Trung Quốc sẽ phóng một tàu không gian không người lái vào trước tháng 10, các bức ảnh chụp dàn phóng CZ-2F với con tàu trông hệt Soyuz bỗng hiện diện một cách bí hiểm trên Internet. Người ta kháo rằng những bức ảnh này được quét (scan) từ một quyển sách giới thiệu của một công ty xây dựng tại Nội Mông có chân thầu khoán xây bãi phóng CZ-2F.

Đầu tháng 8, lại xảy ra đồn đại rằng có vụ nổ một tên lửa đẩy ở bãi phóng Tửu Tuyền, làm hỏng phần cứng con tàu có người lái. Bắc Kinh lặng thinh. Sau đó, người ta lại xì xầm “con tàu tháng 10” sẽ bị hoãn cho đến “một thời điểm nào đó trong năm 1999” và con tàu có người lái đầu tiên “nghe đâu dời đến năm 2005”.

Có một điều ít người biết là Trung Quốc cùng Nga tiếp tục hợp tác ngày càng chặt chẽ. Tháng 8-1999, tại Thành phố Ngôi sao, trong một phòng rộng ở tầng hai của tòa nhà Hydrolab, nhóm 20 chuyên gia Trung Quốc vẫn miệt mài làm việc, dưới sự hướng dẫn của Yuri L. Bogoroditsky - trưởng phòng phát triển kinh tế đối ngoại thuộc Trung tâm vũ trụ Gagarin. Và rồi các thao tác chót cũng hoàn thành.

Do một số trục trặc khách quan, tàu Thần Châu được phóng muộn 49 ngày, sau ngày dự tính là 1-10. Cuối cùng, 6g30 ngày 20-11-1999 (giờ Bắc Kinh), từ bãi phóng Tửu Tuyền ở Tây Bắc tỉnh Cam Túc, tàu không gian Thần Châu đã vọt lên bầu trời...

Bài 2: Tham vọng với “thành phố không gian”

Mạnh Kim (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục