Cuộc chiến chống thủy lôi

Cuộc chiến chống thủy lôi

Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa” ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ tiến hành phong tỏa bằng thủy lôi ở miền Bắc Việt Nam với quy mô chưa từng có, chúng coi đó là hành động quân sự có tính chất quyết định.

  • Phong tỏa cửa sông, bến cảng

Bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế, từ năm 1967 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã dùng thủy lôi phong tỏa các cửa biển của nước ta nhằm các mục đích: ngăn chặn từ gốc sự chi viện của các nước vào Việt Nam, từ đó hạn chế sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam; ngăn chặn và uy hiếp các hoạt động vận chuyển, làm ăn trên sông biển của nhân dân ta, hòng gây sức ép chính trị với ta trên bàn hội nghị (thời kỳ đàm phán ở Hội nghị Paris); ngăn chặn các hoạt động của Hải quân nhân dân Việt Nam…

Đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai trên chiến trường miền Nam, đưa cuộc chiến tranh cục bộ lên đỉnh cao, đồng thời Tổng thống Mỹ Giôn-xơn cũng bí mật cho rải thủy lôi ở các cửa sông, bến cảng phía Bắc.

Đợt đầu chúng chọn các cửa sông Mã, sông Gianh, cửa Hội, Nhật Lệ... là những đầu mối giao thông quan trọng của ta lúc bấy giờ. Từ ngày 26-2 đến ngày 21-5-1967, liên tiếp nhiều đêm máy bay A6A của hải quân Mỹ từ ngoài biển bay rất thấp, lẻn vào thả tổng số 160 quả.

Nhờ chủ động trước Quân chủng Hải quân của ta đưa công binh đến các cửa sông, bến cảng trên, phối hợp cùng lực lượng hải quân đóng ở địa phương và quân khu, Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành rà phá, trục vớt, tháo gỡ được nhiều thủy lôi trên, mang về nghiên cứu kỹ thuật, đồng thời cùng với các lực lượng khác nhanh chóng rà phá, mở luồng cho tàu thuyền đi lại, vận chuyển an toàn.

Từ tháng 6-1967 trở đi, địch dùng bom từ trường thay thế thủy lôi. Đồng thời chúng mở chiến dịch đánh phá phong tỏa cảng Hải Phòng bằng máy bay, kết hợp rải hàng ngàn bom từ trường trên các luồng sông, cửa biển, bến phà... tạo thành vành đai ngăn chặn các phương tiện vận chuyển đường thủy.

Hải quân với kinh nghiệm mò tìm, phát hiện, trục vớt đã lần lượt tháo gỡ ở cửa Nhật Lệ, sông Gianh, sông Mã, Hải Phòng... đầu nổ bom từ trường DST36, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu để sản xuất các loại khí tài rà phá bom từ trường, cùng với quân và dân các địa phương nhanh chóng giải tỏa luồng lạch, bến cảng.

Máy bay B52 và máy bay A6A ngày đêm ném bom và thả ngư lôi phong tỏa cửa sông, cảng biển ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Máy bay B52 và máy bay A6A ngày đêm ném bom và thả ngư lôi phong tỏa cửa sông, cảng biển ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Đầu năm 1972, Tổng thống Ních-xơn vội vã huy động không quân, hải quân tổ chức Đội đặc nhiệm số 11, mở chiến dịch ném bom, rải mìn ồ ạt với trận mở màn lúc 7 giờ 30 ngày 9-5-1972. Rải mìn xong, Ních-xơn công bố thời gian an toàn của thủy lôi là 3 ngày để thúc giục tàu nước ngoài đang bốc dỡ hàng tại Hải Phòng phải nhanh chóng rời cảng.

Ngày 11-5-1972, máy bay Mỹ tiếp tục rải mìn bịt luồng ra vào các cảng Hồng Gai, Cẩm Phả, các cửa sông và vùng ven biển miền Bắc nước ta. Từ ngày 9-5-1972 đến tháng 1-1973, địch đã thả ở 8 tỉnh - thành miền Bắc với 166 điểm, gồm hàng vạn quả bom từ trường, thủy lôi, mìn các loại; diện tích bị phong tỏa ở các khu vực trọng điểm gần 478km, suốt từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến cửa Tùng, cửa Việt...

Do việc tổ chức quan sát tốt, gồm hệ thống ra-đa của hải quân, các trạm quan sát phòng không, nhất là các tổ quan sát thủy lôi của lực lượng vũ trang và bán vũ trang ven biển, đã được Quân chủng Hải quân huấn luyện, trang bị khí tài, cách đánh dấu và hệ thống báo cáo từ dưới lên trên, vì vậy, sau khi địch thả 3 ngày, chúng ta đã có trong tay những số liệu tin cậy. Quân chủng Hải quân tổ chức rà quét thí điểm ở cửa Nam Triệu. Đoàn tàu 171 làm nhiệm vụ chủ trì hiệp đồng các lực lượng, chỉ sau 2 ngày chuẩn bị, đoàn đã ra quân thực hiện tốt kế hoạch.

Với kinh nghiệm sẵn có, lực lượng công binh, hải quân nhanh chóng tháo được 2 quả MK52 ở đảo Đình Vũ, kịp thời nghiên cứu và tìm cách chống phá loại vũ khí mới này của địch. Trong thời gian nghiên cứu và sản xuất dụng cụ rà phá, ta đã dùng biện pháp kích nổ để phá hoại thủy lôi âm thanh áp suất.

Thực hiện chủ trương này, ta dùng ca-nô thả bộc phá, kích nổ ở phao số 17 luồng Nam Triệu lúc 8 giờ ngày 19-5-1972 và sau đó ta dùng 6 tàu thả bom chìm, kích nổ. Đồng thời dùng máy bay AN2 rải bộc phá, kích nổ. Các phương tiện trên đã kích nổ hàng trăm thủy lôi của địch đã thả.

  • Dùng từ trường phá bom từ trường

Trong những ngày tháng nóng bỏng của năm 1972, là phóng viên của Báo Quân đội Nhân dân, tôi đã đến Hải Phòng để viết bài về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi, bom từ trường ở cửa biển này.

Tôi đến Cục Đường biển ở số 13 đường Võ Thị Sáu, thành phố Hải Phòng, là đơn vị có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc nghiên cứu tìm ra giải pháp phá bom từ trường để lấy tài liệu và thăm anh Hoàng Chương. Tôi và anh Hoàng Chương cùng quê (xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Hai anh em cùng lứa tuổi (sinh năm 1938), cùng học một lớp bậc tiểu học thời thơ ấu ở trường làng và cùng nhập ngũ một ngày (9-2-1954) rồi cùng tập kết ra miền Bắc. Hoàng Chương sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành kỹ sư vô tuyến điện và được bố trí về công tác ở Cục Đường biển.

Đối với nhiệm vụ vô cùng cấp thiết trong thời gian đó, Hoàng Chương cho biết: “Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc nước ta ngày càng quyết liệt. Việc chống phá các loại bom mìn, thủy lôi để giải phóng các bến cảng, cửa biển đang là nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Cục Đường biển được cấp trên giao nhiệm vụ phá bom từ trường, nên cục đã nhanh chóng thành lập tổ nghiên cứu và tìm giải pháp phá bom từ trường”.

Các đồng chí Thái Phong, Lê Gia Chưởng, Hoàng Chương được quyết định là thành viên Tổ nghiên cứu phá bom từ trường, do đồng chí Lê Văn Kỳ, Cục trưởng Cục Đường biển trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, tổ đã nghiên cứu và đề xuất phương án Thiết kế và lắp ráp thiết bị tạo ra từ trường mạnh để gây nổ những quả bom từ trường.

Sau một thời gian ngắn, tổ nghiên cứu đã hoàn thành thiết bị tạo từ trường mạnh để phá bom từ trường đạt kết quả tốt đẹp và thành công ngay lần đầu tiên khi áp dụng ở cảng Hải Phòng.

Kết quả đem lại, nhiều chuyến tàu vận tải lương thực, vũ khí vào các bến cảng ở Quân khu 4 và miền Nam xuất phát tại cảng Hải Phòng, vượt qua nhiều bãi bom từ trường địch rải dày đặc, vẫn an toàn và đi đến đích đúng thời gian quy định, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà...

  • Địch “kéo cày trả nợ”

Ngày 17-12-1972, Ních-xơn lại ngoan cố đẩy thêm một bước leo thang mới rất nghiêm trọng và xảo quyệt trong việc đánh phá miền Bắc bằng máy bay B52 và tiếp tục rải thủy lôi, bom từ trường bịt chặt mọi lối ra vào các cảng biển của miền Bắc. Tất cả chúng ta đều rất bình tĩnh, tự tin bước vào cuộc chiến đấu mới với một tinh thần kiên cường, bất khuất, với một thế trận được chuẩn bị rất đầy đủ để đánh thắng kẻ thù.

Ngày 16-1-1973, luồng Nam Triệu lại được khai thông, 6 tàu hải quân: 213, 217, 203, 205, 150, 416 đã anh dũng mở đường dẫn dắt tàu của Cục Vận tải đường biển từ hòn Sãi Cóc qua phao số 0, luồng Nam Triệu vào đến Đèn Kính an toàn.

Ngày 21-1-1973, 4 tàu hải quân nữa mở đường dẫn dắt tàu Ghi Sa của Cuba đi từ Long Châu vào Sãi Cóc thắng lợi. Rồi lần lượt tàu Đa Nhin (Liên Xô), tàu Việt Bảo... từ Hải Phòng ra phao số 0 an toàn. Như vậy, trước khi Hải quân Mỹ vào “kéo cày trả nợ”, rà quét thủy lôi theo Hiệp định Paris thì chúng ta đã mở thông luồng ở Hải Phòng cho tàu 2.000 - 16.000 tấn đi lại an toàn và tất cả các luồng lạch của sông chính đều được khai thông, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào suốt ngày đêm.

Tuy vậy, ta vẫn buộc phía Hoa Kỳ phải rà quét theo Nghị định thư của Hiệp định Paris. Đơn vị đặc nhiệm 77 của hải quân Mỹ bắt đầu “kéo cày trả nợ”, thực hiện rà quét từ ngày 6-3-1973 đến ngày 18-7-1973. Ngày 20-7-1973, đế quốc Mỹ giao cho Việt Nam 10 bản thông báo đã hoàn thành việc quét lôi trên 10 luồng: Hải Phòng, Nam Triệu, Lạch Huyện, Cẩm Phả, Hồng Gai, cửa Hội, cửa Sót, sông Gianh, Hòn La, Quảng Hưng.

Với những phương tiện khá hiện đại của tàu quét lôi MSO và phương tiện MK 105 do máy bay lên thẳng CH53 kéo cùng với một số phương tiện đơn giản khác, hải quân của Mỹ cũng chỉ làm nổ được chỉ có 3 quả nằm ngoài luồng Nam Triệu, còn không thể nào quét sạch được những quả thủy lôi chưa nổ còn nằm sâu trong lòng đất ở trên cạn. Sự việc trên chứng tỏ 2 điều: Một là, trình độ chuyên môn của bọn lính Mỹ rất non kém. Hai là, thái độ chây lười, thờ ơ “sống chết mặc bay” của đế quốc Mỹ khi buộc phải “kéo cày trả nợ”.

Vì vậy, hải quân ta cùng với mọi lực lượng khác tiếp tục ra quân, triển khai kế hoạch chia ô, khoanh vùng để quét sạch thủy lôi của địch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tàu thuyền tiếp tục đi lại và sự bình yên cho mọi hoạt động của nhân dân trong công cuộc lao động, xây dựng hòa bình trên các vùng biển mà giặc Mỹ đã phong tỏa bằng thủy lôi. 


Trong bài, tác giả có sử dụng nguồn tư liệu từ bài viết: “Đánh thắng phong tỏa bằng thủy lôi của giặc Mỹ” của trung tá Lê Nga, đăng trên Tạp chí Hải quân số đặc biệt kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7-5-1955 - 7-5-1985) và của TTXVN.

TÔ PHƯƠNG

Giao lưu “Những chiến công huyền thoại”

Sáng 7-10, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Cung Văn hóa Lao động TP tổ chức chương trình giao lưu “Những chiến công huyền thoại”. Đông đảo bạn trẻ TP đã có dịp giao lưu với các chiến sĩ - nhân chứng lịch sử: Trần Phong, nguyên thuyền trưởng tàu không số, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125; Ngô Văn Tân, thủy thủ tàu Phương Đông I, nguyên Chính trị viên đại đội, Đại đội trưởng đoàn vận chuyển vũ khí; Trần Phấn, nguyên thuyền trưởng tàu không số, Trưởng ban Tác chiến Lữ đoàn 125; Huỳnh Văn Tiến, nguyên thuyền trưởng tàu không số, Ban Tham mưu Lữ đoàn 125.

TH.AN

Thông tin liên quan

- Con tàu huyền thoại

- Cảm tử quân mang tên T165

- Những anh hùng chưa được phong tặng

- Mở đường, lập bến vùng đất mũi Cà Mau 

Tin cùng chuyên mục