"Cuộc chiến" cửa hàng tiện lợi

Chưa có thời điểm nào, mô hình cửa hàng tiện lợi (CHTL) lại phát triển mạnh như hiện nay. Với các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, bên cạnh việc phát triển hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), họ đã và đang ráo riết phát triển phân khúc CHTL dưới nhiều tên gọi khác nhau.
"Cuộc chiến" cửa hàng tiện lợi


Chưa có thời điểm nào, mô hình cửa hàng tiện lợi (CHTL) lại phát triển mạnh như hiện nay. Với các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, bên cạnh việc phát triển hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), họ đã và đang ráo riết phát triển phân khúc CHTL dưới nhiều tên gọi khác nhau.

"Cuộc chiến" cửa hàng tiện lợi ảnh 1

Mua thực phẩm tại một cửa hàng tiện lợi ở huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Dàn hàng ngang để… chạy

Sau Ministop, FamilyMart đến lượt 7-Eleven thâm nhập thị trường Việt Nam (VN). Cuối tháng 7, Công ty Seven System Vietnam Co., đơn vị đang sở hữu chuỗi cửa hàng Pizza Hut, đã ký kết với Seven Eleven Ink tại Nhật để đưa mô hình CHTL 7- Eleven về VN. Theo kế hoạch, cửa hàng đầu tiên sẽ mở tại TPHCM vào 2017, 3 năm sau đó, số lượng cửa hàng sẽ được nâng lên 100 và trong vòng 10 năm, số cửa hàng là 1.000. Việc hợp tác với Công ty Seven System Vietnam Co. đánh dấu sự trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của 7-Eleven kể từ khi thương hiệu này có mặt tại Indonesia từ năm 2009 và VN là thị trường thứ 18.

Sự xuất hiện trong thời gian tới của 7-Eleven sẽ khiến cho kênh CHTL tại VN tuy mới phát triển nhưng sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Điều đáng lưu ý là cả 3 thương hiệu này đều đến từ Nhật Bản và rất thành công trong phân khúc CHTL. Ở những thương hiệu đã xuất hiện tại VN từ nhiều năm qua như Shop&Go, FamilyMart, B’sMart, Circle K, Ministop..., số lượng điểm bán vẫn đang tăng mạnh. Tập đoàn Casino Group cũng đang ráo riết mở thêm 2 hệ thống CHTL là New Chợ và C Express, song song với chuỗi 30 đại siêu thị Big C.

Ở khu vực các DN trong nước, như Saigon Co.op cũng đặt niềm tin sẽ mở thêm 30 CHTL Co.op Food trong năm 2015. Trước đó, năm 2014, đơn vị này đã mở thêm 17 CHTL Co.op Food và 30 cửa hàng Co.op. Phía Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, mặc dù chỉ mới tham gia vào phân khúc CHTL từ năm 2011, nhưng đến nay đã cán đích việc phát triển chuỗi 60 cửa hàng SatraFood vào tháng 6-2015. Trong định hướng đến năm 2020, Satra mong muốn sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển chuỗi CHTL ở khu vực nội và ngoại thành TPHCM, đồng thời đầu tư thêm nhiều CHTL tại các tỉnh lân cận, có lợi thế cung ứng nguồn hàng và sức mua tốt.

Trong năm 2014, thị trường cũng đón nhận sự xuất hiện của một thương hiệu mới, đó là Tập đoàn Vingroup. Theo kế hoạch, trong 3-4 năm tới, DN này sẽ mở 1.000 CHTL Vinmart. Mặt khác, Vingroup cũng không giấu giếm tham vọng sẽ hình thành một trung tâm thu mua và cung ứng thực phẩm sạch “từ trang trại đến bàn ăn”, trong đó các loại thực phẩm tươi sống đều sẽ qua sơ chế, đóng gói, đảm bảo đúng các yếu tố về chất lượng - an toàn - tiện lợi cho khách hàng.

Cùng với thương hiệu của các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, tại TPHCM còn có chuỗi cửa hàng của Vissan, Vinamilk, Sargi,… vừa giới thiệu sản phẩm của chính DN, vừa kinh doanh các mặt hàng khác.

Doanh nghiệp nội gặp khó

Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, so với năm 2012, số lượng CHTL đã tăng gấp đôi trong năm 2014, từ 147 cửa hàng lên 348 cửa hàng. Cùng với CHTL, chuỗi các siêu thị mini cũng tăng từ 863 điểm lên đến 1.452 điểm bán trong năm 2014. Dự đoán, trong 3 năm tới, số lượng CHTL sẽ gấp 3 lần hiện tại, lên 1.500 cửa hàng. Theo đó, mô hình CHTL sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Bởi hiện nay, số lượng bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng tại VN vẫn rất lớn và vượt xa nhiều nước. Cụ thể, tỷ lệ này ở Việt Nam là 69.000 người/cửa hàng thì tại Philippines là 36.000 người/cửa hàng, Trung Quốc là 21.000 người/cửa hàng, Thái Lan là 5.556 người/cửa hàng, Hàn Quốc là 1.835 người/cửa hàng.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, tại thời điểm này không phải thương hiệu nào vào VN cũng thắng. Theo phân tích của ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, tại VN đang tạm chia 2 hình thức kinh doanh CHTL, gồm cửa hàng minimart (còn gọi là chợ gần nhà) và CHTL mở cửa 24/24 giờ Familymart, Circle K… Trong đó, các DN trong nước tập trung chủ yếu vào hình thức phát triển CHTL theo mô hình “chợ gần nhà”. Theo đó, ưu thế đang nghiêng về nhóm các cửa hàng này nhờ hàng hóa phong phú, nắm bắt và đáp ứng tốt nhu cầu và tâm lý người mua, bán nhiều thực phẩm hơn... Saigon Co.op đang tính đến việc nhượng quyền thương hiệu (franchise) đối với loại hình CHTL Co.op Food, bởi ngay từ những ngày đầu, Saigon Co.op đã hướng đến franchise và đây là thời điểm chín muồi. Đối tượng đầu tiên để chọn và thực hiện là chính những người đang làm việc tại Saigon Co.op.

Trái ngược với Saigon Co.op, gần đây thị trường đã chứng kiến nhiều cửa hàng của DN trong nước phải nhường đất cho các cửa hàng nước ngoài. Điển hình nhất là Vissan. Từ một chuỗi hơn 110 cửa hàng, đến nay Vissan thu gọn chỉ còn khoảng 50 cửa hàng. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết, chi phí thuê mặt bằng quá lớn, chiếm khoảng 20% chi phí bán hàng đã làm giảm sức cạnh tranh về giá của DN. Với những DN chuyên về phân phối thì dù khó khăn nhưng họ buộc phải bước vào cuộc đua để “xí phần” điểm bán, còn DN sản xuất như Vissan phải tính đến việc sắp xếp lại hệ thống để tránh lỗ. Theo tính toán của ông Mười, giá thuê mặt bằng hiện đã tăng 100% so với 5 năm trước đây, trong khi những năm trước đó mức tăng chỉ đạt bình quân 10%.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu bán lẻ nước ngoài “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đã đẩy các DN trong nước vốn yếu thế hơn phải rút lui khỏi những mặt bằng có vị trí đẹp. Chủ căn nhà có hai mặt tiền trên đường Võ Văn Tần cho biết, có ý kiến cho rằng, kinh tế khủng hoảng nhưng tiền cho thuê nhà vẫn không giảm, thậm chí còn tăng bởi có quá nhiều đối tác đến hỏi thuê. Và ngay cả khi căn nhà này đã được cho thuê thì khách hàng mới cũng không ngại trả mức giá cao hơn.
Đã đến lúc các DN trong nước cần gắn kết lại để hoạt động theo chuỗi mới có đủ sức để gồng gánh, đối phó. Muốn như vậy, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt cho phân phối nội địa phát triển như quy hoạch phát triển hệ thống phân phối một cách cụ thể, rõ ràng. Những khu vực nào, lĩnh vực nào dành cho nước ngoài, những khu vực nào, vị trí nào thì hướng các DN Việt Nam phát triển. Cũng nên có những chính sách linh động trong việc giao đất cho nhà đầu tư. Lâu nay, chúng ta áp dụng hình thức giao đất thu tiền một lần, khiến mức đầu tư bỏ ra rất lớn, đa phần là quá sức, quá khả năng của DN trong nước. Nên linh hoạt cho DN trong nước được phép lựa chọn hình thức một lần hay trả tiền thuê hàng năm. Với hình thức trả tiền thuê đất mỗi năm, DN sẽ có thể gặp rủi ro khi Nhà nước điều chỉnh chính sách nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Chỉ như vậy, DN mới thoát khỏi cảnh tự bơi bằng chính nội lực của mình.

  “Franchise có mặt tốt và không tốt. Nếu người được nhượng quyền triển khai không tốt, không có kinh nghiệm quản lý và bán hàng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của toàn hệ thống. Còn với những người đã từng làm việc trong các siêu thị Co.opmart, chắc chắn họ sẽ có kinh nghiệm, phương án kinh doanh khả thi. Chúng tôi quan niệm, khi thực hiện Franchise là để các bên cùng hợp tác, cùng học hỏi, phát triển để làm cho hệ thống cùng mạnh lên, chứ không chỉ là bán thương hiệu cho các đối tác như một số DN nước ngoài vẫn làm. Đây chính là lý do chúng tôi kén đối tác để nhượng quyền”- ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op nói.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục