Ngày 20-3, Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá với pin năng lượng mặt trời nhập từ Trung Quốc. Mức thuế dù chỉ 5% nhưng có thể xem đây là đòn trả đũa ngay lập tức chống lại việc mà Mỹ gọi là bất bình đẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Trước đó, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama, với sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản tuyên bố khởi kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm đã khiến nhiều nhà phân tích quan ngại ngọn lửa của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung âm ỉ bấy lâu nay sẽ bùng lên dữ dội.
Ăn miếng trả miếng
Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu 17 khoáng sản đất hiếm cần để chế tạo hàng công nghệ cao và một số vũ khí. Các quan chức châu Âu ước tính, quyết định đó đã buộc các nhà sản xuất phương Tây phải trả giá gấp đôi những đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc cho loại nguyên liệu này. Trung Quốc hiện có hơn 90% trữ lượng đất hiếm và sản xuất 97% sản lượng trên toàn cầu.
Từ năm 2010, Trung Quốc đã giảm 40% hạn ngạch xuất khẩu kim loại đất hiếm, còn 30.184 tấn/năm. Bắc Kinh tuyên bố điều này là cần thiết để hạn chế việc khai khoáng bất hợp pháp, đồng thời cho rằng các nước cần phải chia sẻ với họ về nguồn tài nguyên này vì khi khai thác chúng sẽ gây ra tác động rất xấu đối với môi trường.
Hiện Washington đang tập trung mọi nỗ lực để duy trì vị thế của mình, kể cả bằng phương pháp chiến tranh thương mại và điều tra chống bán phá giá. Hồi tháng 2, Tổng thống Barack Obama đã thành lập Trung tâm Thực thi thương mại để chống lại những trường hợp Mỹ cho là bất công trong thương mại, đặc biệt nhằm vào Trung Quốc. Các động thái ăn miếng trả miếng giữa 2 cường quốc đã phản ánh những mâu thuẫn giữa một bên là nền kinh tế lớn nhất thế giới, một bên là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của nền kinh tế ấy.
Mùa hè năm 2011, Trung Quốc tạm giành chiến thắng khi Mỹ bị hạ tín nhiệm và đứng trước nguy cơ bị vỡ nợ. Các nhà phân tích tình hình thế giới cho rằng, việc mất thể diện trước Trung Quốc chắc chắn tác động tiêu cực đến vị thế chính trị của Mỹ.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị Nga Boris Shmelev nhận định: “Bắc Kinh trở thành đối thủ chính thách thức Washington ở các khu vực trên thế giới. Mọi cố gắng của Mỹ đạt thỏa thuận với Trung Quốc về tự do hóa tỷ giá đồng NDT để làm giảm ưu thế cạnh tranh của Bắc Kinh đều không mang lại kết quả. Mỹ không có cách nào khác ngoài việc sử dụng các đòn bẩy cũ, như việc điều tra bán phá giá, nhằm gây áp lực vào Trung Quốc”.
Người tiêu dùng là nạn nhân
Khi Trung Quốc giàu hơn thì nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của Mỹ cũng tăng lên. Trong hầu hết các tiểu bang ở Mỹ, việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng trưởng theo cấp số nhân. Từ nông dân trồng cây hồ đào pecan ở Georgia, các nhà sản xuất nhựa ở Virginia, các hãng máy bay ở thủ đô Washington đến những đại lý kim loại phế liệu ở Texas hay New York cũng đang đạt được lượng hàng xuất khẩu bùng nổ sang Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, xuất khẩu của Mỹ sang cường quốc đông dân nhất thế giới này đã tăng đến 468% và từ năm 2008 đến nay là gần 50%.
Sự gia tăng này đang diễn ra dù không có sự thay đổi chính sách từ Trung Quốc và không có sự hỗ trợ cụ thể nào từ chính quyền ông Obama. Các chuyên gia cho rằng, lý do chính là Trung Quốc đang trở thành một thị trường hấp dẫn, thị hiếu của người dân ngày càng tăng từ nhu cầu ăn uống đến hàng xa xỉ. Đặc biệt, khi thị trường khổng lồ của Trung Quốc có tầng lớp trung lưu đang tăng cộng với việc thiếu đất canh tác và kỹ thuật nông nghiệp cũng không bằng Mỹ, việc xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc của Mỹ có triển vọng rất lớn.
Nếu việc ăn miếng trả miếng càng khốc liệt thì phía thiệt hại nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng của cả hai nước. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ phải chi trả cho thuế đó một cách gián tiếp thông qua việc mua hàng hóa.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng chịu tình trạng tương tự. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc còn có những chủ bài khác. Nước này sở hữu rất nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu Bắc Kinh tung chứng khoán Mỹ ra thị trường thế giới thì nền kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ, kéo theo kinh tế thế giới lao đao và các nước nhỏ với dự trữ ngoại tệ thấp hoặc phụ thuộc việc xuất khẩu vào hai cường quốc này khó có thể vượt qua cơn địa chấn nếu nó xảy ra.
Dù Trung Quốc không có lợi khi đồng USD bị mất giá nhưng đó là một phương pháp hiệu quả để gây áp lực với Mỹ. Cả hai bên đều không muốn thổi phồng tình hình căng thẳng trong cuộc chiến thương mại nhưng khả năng này là không thể loại trừ.
Theo Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy, bất đồng giữa Trung Quốc, thành viên tương đối mới của WTO, với các nước khác là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại nhận định việc tìm ra cách giải quyết bất đồng “làm đẹp lòng đôi bên” xem ra ngày càng khó khăn bởi trong thế cuộc ngày nay, lợi ích quốc gia là trên hết, mà lợi ích quốc gia ở một số nước gắn liền với lợi ích của các tập đoàn kinh tế lớn.
| |
Thanh Hải (Tổng hợp)