Tranh cãi về tỷ giá USD với nhân dân tệ (NDT) giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài trong nhiều năm khi giá trị nhập siêu từ Trung Quốc vào Mỹ năm sau luôn cao hơn năm trước. Mỹ cho rằng Trung Quốc duy trì đồng NDT ở mức thấp để hưởng lợi về xuất khẩu. Căng thẳng này tạm lắng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008-2009 nhưng nay đang gia tăng trở lại theo đà hồi phục kinh tế.
Sức ép liên tục
Điều tốt đẹp trong quan hệ Mỹ-Trung giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008-2009 ở chỗ, Quốc hội Mỹ thôi không than phiền về giá trị NDT. Từ tháng 7-2008, Trung Quốc bắt đầu áp giá NDT theo USD. Nguyên nhân chính là do USD trên đà lao dốc khi hàng loạt nhà đầu tư bắt đầu rút lui khỏi nhiều dự án tại Mỹ vì e ngại khủng hoảng.
Điều này nghiễm nhiên làm giá trị NDT tăng cao. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cũng giảm mạnh nên thâm thủng mậu dịch Mỹ - Trung cũng giảm. Khi đó các nghị sĩ Mỹ khó mà buộc tội hàng hóa Trung Quốc gây nên tình trạng thất nghiệp ở Mỹ.
Một nguyên nhân khác là các gói kích cầu kinh tế của Trung Quốc đưa ra năm 2009 cũng làm giảm giá trị NDT so với USD đưa đến thặng dư mậu dịch giữa Trung Quốc với Mỹ giảm mạnh.
Giờ đây, mọi việc đang trở lại như xưa khi kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục. mấu chốt vấn đề là nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bắt đầu tăng trở lại nên giá trị NDT lại trở thành đề tài nóng gây tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ đang ra sức tăng mạnh xuất khẩu thì giá USD cao so với NDT là một lực cản.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu của Mỹ trong vòng 5 năm. Để thực hiện điều này, Washington trước tiên sẽ gây sức ép lên giá trị NDT. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 9,7% và cuộc bầu cử Hạ viện giữa kỳ vào tháng 11-2010 càng làm cho các nghị sĩ đảng Dân chủ nóng lòng hơn bao giờ hết. Một nhóm 15 thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra về cơ cấu tiền tệ của Trung Quốc mang tính trợ giá cho xuất khẩu của nước này.
Tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ một tỷ giá theo định hướng thị trường, và đó là cách giúp cân bằng nền kinh tế toàn cầu. Theo ông Leo Gerard, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân ngành thép của Mỹ, chính sách NDT yếu của Trung Quốc đã giúp các nhà sản xuất nước này hưởng lợi từ 10% đến 40%.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York, Charles Schumer tuyên bố bắt đầu chiến dịch “chống NDT yếu”. Năm 2005, Schumer từng giới thiệu dự luật áp thuế 27% trên tất cả các hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trừ phi khi Bắc Kinh có các bước đi để thả nổi NDT.
Dự luật này sau đó được Thượng viện Mỹ thông qua thử nghiệm nhưng đến giữa năm 2005, Trung Quốc tuyên bố giảm dần giá trị NDT và ông Schumer đã rút lại dự luật này. Lần này TNS Schumer cho biết ông sẽ chỉnh sửa dự luật cũ để trình lại trong thời gian sớm nhất.
Theo ước tính của Mỹ, nếu tỷ giá USD - NDT cân bằng hơn so với hiện nay, Mỹ có thể tạo ra từ 750.000 đến 1 triệu việc làm mà không cần dùng đến ngân sách. Fred Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nói: “Tỷ giá USD nên là một trong những chiến lược tạo việc làm hàng đầu và tiền tệ Trung Quốc sẽ là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược này”. Theo ông, giá NDT hiện nay thấp hơn 40% giá trị thực so với USD.
Thời Tổng thống Bill Clinton, Mỹ ít đề cập tới chính sách của Trung Quốc về NDT nhưng Quốc hội Mỹ vẫn sẵn sàng đe dọa áp thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc một khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng cao. Các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ thất nghiệp Mỹ duy trì ở mức cao trong thời gian càng dài thì áp lực của Quốc hội Mỹ lên chính sách tiền tệ của Trung Quốc càng lớn.
Vào tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ sẽ quyết định xem có nên “dán nhãn” Trung Quốc là nước can thiệp vào tỷ giá NDT - USD hay không. Nhiều khả năng Tổng thống Obama sẽ thiên về khả năng “dán nhãn” hơn là đàm phán hậu trường theo kiểu của Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush.
Nhà Trắng hiện đang mất dần kiên nhẫn với chính sách NDT yếu của Trung Quốc. Ngay cả nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, Giáo sư Đại học Princeton, ông Paul Krugman cũng cho rằng thật sự khó khăn nếu không nhìn nhận sự thật về chính sách NDT yếu. Theo ông, nếu không có những biện pháp cần thiết, Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến này.
Nhà kinh tế này cho rằng những cuộc thảo luận giữa Mỹ với Trung Quốc về giá NDT kéo dài suốt 7 năm qua, kể cả trong nhóm G20 (các nền kinh tế hàng đầu và mới nổi) cho đến nay không mang lại kết quả nào. “Cần có các biện pháp tương tự như chống chính sách bảo hộ mậu dịch”, ông nói. Ông không hy vọng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể giải quyết vấn đề này và đề xuất áp thuế tạm thời lên hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Điểm yếu của Nhà Trắng
Song song với kế hoạch tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã thành lập nhóm chuyên viên cao cấp với mục tiêu tạo ra 2 triệu việc làm trong vòng 5 năm tới. Để tạo thêm nhiều việc làm do tăng xuất khẩu không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh kinh tế Mỹ còn yếu ớt, nhu cầu tiêu dùng còn thấp. Do đó, mũi giáp công đầu tiên mà Nhà Trắng xác định là thương mại song phương của Mỹ với nhiều nước, trong đó đáng chú ý nhất là Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh này càng khốc liệt. Mỹ không thể dựa mãi vào hào quang là nhà xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đứng đầu thế giới. Phát biểu về kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, ông Obama nói: “95% khách hàng thế giới và thị trường tiêu thụ mạnh nằm ngoài biên giới Mỹ. Chúng ta cần cạnh tranh với những khách hàng này”.
Một “nội các xúc tiến xuất khẩu” đã được thành lập bao gồm các bộ trưởng Ngoại giao, Tài chính, Nông nghiệp, Thương mại, Lao động cùng nhiều quan chức khác. Nhà kinh tế Sven Jari Stehn, chuyên gia phân tích của Tập đoàn Goldman Sachs cho rằng trong suốt 25 năm qua, xuất khẩu của Mỹ gần như không tăng, vì vậy để tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu, nếu nỗ lực lớn sẽ phải cần 11 năm. Theo ông, để thực hiện được điều này, phải kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế toàn cầu và điều chỉnh giá trị USD so với NDT. Ông viết: “Nếu GDP thực toàn cầu tăng 4,5% trong vòng 5 năm tới, USD phải hạ giá 30%”.
Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc năm 2009 ở mức 227 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2008 nhưng vẫn là một trong những mức kỷ lục. Thâm hụt mậu dịch giữa EU với Trung Quốc trong nửa đầu 2009 là 88 tỷ USD.
Điều mà nhiều nhà kinh tế Mỹ băn khoăn nhất hiện nay chính là Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Với lợi thế nắm giữ hơn 1.000 tỷ trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc có lợi thế trong các cuộc đàm phán về kinh tế với Mỹ.
Theo Giáo sư kinh tế Eswar Prasad tại Đại học Cornell, số trái phiếu Trung Quốc nắm của Mỹ có thể cao hơn, lên đến 1,32 ngàn tỷ USD, chiếm 17% tổng số công nợ Mỹ và thực tế có thể cao hơn do nhiều nhà đầu tư Trung Quốc không công bố đủ số trái phiếu họ đã mua. Tính cả các nguồn khác, Trung Quốc đang nắm giữ của Mỹ khoảng 2.500 đến 3.000 tỷ USD và đang tiếp tục tăng.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban đánh giá an ninh - kinh tế Mỹ - Trung hồi tháng 2-2010, nhà kinh tế Mỹ Michael Wessel nhận định: “Trung Quốc đang theo đuổi chính sách trọng thương để gia tăng lợi ích của mình và gia tăng sự phụ thuộc của chúng ta (Mỹ) vào nền sản xuất và vốn của họ… Trung Quốc đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu và giờ đây trở nên mạnh hơn bao giờ, viễn cảnh họ sẽ trở thành ông chủ ngân hàng của Mỹ để thực thi những quyền lực mới”.
Nhiều nhà phân tích của Mỹ còn lo ngại khả năng từ chỗ lệ thuộc vào chủ nợ Trung Quốc, Mỹ sẽ lệ thuộc vào nhiều vấn đề khác, kể cả an ninh. Trong vụ Mỹ bán vũ khí cho lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vừa qua, nhiều tiếng nói từ Trung Quốc kêu gọi trả đũa bằng cách bán phá giá trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ do Trung Quốc nắm giữ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải tính toán nếu bán phá giá cổ phiếu của Mỹ như vậy, số tiền thu về của họ cũng sẽ bị giảm mạnh, điều mà bất cứ chủ nợ nào cũng không muốn.
Ở khía cạnh nào đó, việc cung cấp tài chính của Trung Quốc cho Mỹ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ đã tạo thuận lợi cho chính sách phục hồi kinh tế và giải quyết các vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt. Tuy nhiên, chính việc cung cấp tài chính này cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa và dịch vụ nội địa và về lâu dài sẽ làm suy yếu vai trò toàn cầu của Mỹ.
Khả năng của Chính phủ Mỹ đưa ra các quyết định liên quan đến thương mại và tài chính quốc tế đã bị hạn chế bởi sự phụ thuộc về tài chính từ Trung Quốc. Điều đó không có nghĩa là Mỹ thiếu sức mạnh để đối phó, mà điều ràng buộc giữa hai nền kinh tế lần này là Mỹ cần tiền của Trung Quốc còn Trung Quốc lại cần thị trường của Mỹ, cả hai bên đều cần duy trì quan hệ đôi bên cùng có lợi.
VŨ MINH (tổng hợp)
Thượng viện Mỹ công bố dự luật trừng phạt Trung Quốc Phải chịu áp lực trong năm bầu cử về vấn đề việc làm do tác động của thương mại, các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 16-3 đã công bố một dự luật, theo đó sẽ áp đặt các hình phạt ngặt nghèo nếu Trung Quốc không định giá lại đồng nhân dân tệ (NDT) của nước này. Theo AFP, dự luật trên yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ xác định các nước không định giá gốc tiền tệ của mình và lên danh sách những nước thực hiện chính sách mất cân bằng trong tiền tệ. Đây là những nước sẽ phải chịu những biện pháp đáp trả của Mỹ, kể cả việc Bộ Thương mại áp thuế chống bán phá giá và chính phủ cấm mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Dự luật cũng yêu cầu quan chức thương mại Mỹ tham vấn với chính phủ có đồng tiền bị phá giá để giải quyết bất đồng trong khuôn khổ WTO, đồng thời đề xuất Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác xem xét các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ. Động thái trên diễn ra sau khi 130 nghị sĩ của 2 đảng trong Quốc hội Mỹ đẩy mạnh chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh tạo lợi thế không công bằng trong thương mại khi duy trì đồng NDT ở mức thấp. Nhiều nghị sỹ Mỹ đã tán thành với ước tính của một số nhà kinh tế cho rằng đồng NDT của Trung Quốc bị định giá thấp hơn giá trị thực từ 25% - 40%. V.C. |
-----------------------------
Bài 2: Lập trường cứng từ Trung Quốc