Mỗi năm, lực lượng công binh Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) TP Cần Thơ thu gom trên địa bàn 6 – 7 tấn bom, đạn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Cuộc chiến với tử thần còn sót lại sau chiến tranh tuy chưa có hồi kết, nhưng đã góp phần làm hồi sinh hàng trăm hécta đất. Cũng từ đây, những khu dân cư, những mảnh vườn xanh tươi được mở rộng hơn, góp phần gieo mật ngọt cho đời…
Gỡ chốt
“Bảy giờ, đi bo bo đến gom bom ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh”, nghe điện thoại của Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm Ban Công binh, Bộ CHQS TP Cần Thơ, chúng tôi tức tốc lên đường.
Dập dềnh ngược dòng sông Hậu từ trung tâm TP đến điểm hẹn, bằng kinh nghiệm lâu năm, thượng tá Nguyễn Văn Hạnh nhận định, đây là một trong những quả bom mà máy bay Mỹ sau khi ném bom đánh phá không hết đã trút xuống dòng sông Hậu, bảo đảm an toàn trước khi hạ cánh. Trong quá trình khai thác các mỏ cát trên sông, máy hút cát của người dân đã hút phải bom và nó đã theo ghe chở cát vào đến khu dân cư.
Sau chặng đường dài gần bốn giờ, chiếc bo bo từ từ cập bến. Đón chúng tôi, thượng tá Nguyễn Thành Tâm, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Vĩnh Thạnh, vừa đưa mọi người ra chỗ chiếc ghe có bom, vừa nói: “Từ khi nhận được tin báo của quần chúng, Ban CHQS huyện đã cắt cử các lực lượng kịp thời quản lý chặt chẽ quả bom để tránh người dân đem vứt bom trở lại dưới sông hoặc kẻ xấu lợi dụng ăn trộm để lấy thuốc nổ và sắt thép bán phế liệu… gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân trên địa bàn”.
Trước mắt chúng tôi, quả bom sát thương nặng 250LBS (cân Anh), tương đương 125kg, kẻ gieo rắc cái chết trong chiến tranh, nằm yên vị dưới sàn ghe. Anh Nguyễn Văn Đức, chủ ghe chở cát, người địa phương, cho biết, ghe của anh lấy cát ở ngoài sông Hậu trên mỏ cát tại địa bàn quận Thốt Nốt, Cần Thơ theo hợp đồng bơm cát san nền cho một người dân tại xã. Khi bơm gần hết cát, quả bom lộ ra làm anh và người dân địa phương rụng rời. Có mỗi cái ghe để ngày ngày đi chở cát thuê kiếm cơm cho cả nhà, nay bị “ông kễnh” ám, chẳng làm ăn gì được, mấy bận anh tính nhờ người phụ khiêng bom vứt trả lại lòng sông.
“Nhưng rồi nghĩ nhỡ đụng vô nó phát nổ thì nguy. Hay sau này có ai lại hút phải”. Nghĩ vậy nên anh giữ nguyên quả bom dưới sàn ghe và tức tốc báo với mấy anh trên Ban CHQS huyện… Rồi anh Đức và đám đông bà con nhân dân vây lấy chúng tôi, người ân cần mời nước, người sốt sắng hỏi “trái này tên là gì, nặng bao nhiêu ký, nổ thì mảnh văng bao xa?”, rồi lắc đầu lè lưỡi khi được giải thích về mức độ sát thương của nó, gật gù ghi nhớ những việc cần làm khi chẳng may gặp một quả bom, đạn nào khác. Sau khi phụ giúp lực lượng công binh chuyển quả bom lên bo bo xong, ai nấy thở phào.
Địa điểm lực lượng công binh Ban CHQS TP Cần Thơ lựa chọn xử lý an toàn quả bom là đuôi cù lao Tân Lộc, một nơi hoang vắng trên địa bàn quận Thốt Nốt. Tại điểm tập kết, có hai quả bom loại 500LBS/quả, ba quả bom loại 250LBS và bảy quả đạn rocket (7kg/quả) cũng vừa được các mũi công tác khác quy tập về, quả trồi lên từ vườn nhà dân ở huyện Phong Điền, quả nằm chình ình ngay hông kho của một nhà máy ở quận Ô Môn, quả phát lộ khi người dân ở quận Thốt Nốt đào móng làm nhà…
Chỉ những quả bom đang nằm trên bãi, anh Nguyễn Văn Hạnh cho biết thêm: “Hầu hết bom, đạn thường nằm ở độ sâu trong lòng đất 1 - 2,5m, do vậy, việc thu gom không hề đơn giản. Khi đào phải thận trọng, đào xong phải di chuyển bom, đạn lên mặt đất và chở về điểm tập kết. Nếu quả nào nằm trên vị trí đất khô thì đỡ cực, còn nếu nằm dưới mặt nước, vì việc đào tìm rất khó khăn, mệt nhọc. Mọi người phải dầm mình dưới nước trong nhiều giờ, dùng dụng cụ dò tìm để xác định vị trí của những quả bom, đạn rồi mò, đào bới, đưa lên bờ. Làm việc đối mặt với thần chết này, chúng tôi không được phép có một sai sót, dù là nhỏ nhất”.
Bên quả bom nặng 500LBS, thượng úy Huỳnh Phước Vĩnh, trợ lý Ban Công binh, tay búa, tay đục, cẩn thận gõ nhẹ từng nhát. Mấy đồng đội xúm vào người tưới nước làm mát bom để vết đục không tạo ma sát; người cầm kìm, cờ lê nhẹ nhàng nới từng vòng gioăng… Sau một giờ hiệp đồng tác chiến, quả bom bị vô hiệu hóa.
Hứng như hứng... bom
|
Nhìn sự khéo léo của Vĩnh, chúng tôi không thể ngờ rằng, trước khi trở thành chiến sĩ thu gom, xử lý bom mìn chuyên nghiệp, anh là sinh viên sau đó được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng rồi trở thành sĩ quan của Bộ CHQS. Tuy mới chỉ cầm búa xử lý an toàn bom, mìn từ năm 2007 nhưng hiện thượng úy Vĩnh đã thuần thục như người thợ lành nghề. Anh hồi tưởng: “Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với bom vào tháng 9 năm 2005, khi phụ các cán bộ của Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 xử lý quả bom nặng 500LBS ở huyện Phong Điền. Khi ấy, tôi run như rẽ, chân tay lóng nga lóng ngóng. Thế nhưng, khi thấy sự điềm tĩnh của đồng đội, tôi vững tin hơn để giữ bom. Trải qua cả trăm lần phụ việc, đến năm 2007, sau khi tháo gỡ chốt quả bom 250LBS ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, anh Hạnh mới giao cho tôi trực tiếp tháo ngòi nổ. Cũng giống như lần đầu đè bom, tôi có cảm giác cây búa trở nên nặng chình chịch. Mồ hôi đầm đìa cộng thêm trời nắng làm tôi mờ cả mắt…”. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm để củng cố kỹ thuật cũng như rèn luyện tâm lý, đến nay, theo anh Hạnh, đã yên tâm mỗi khi giao trọng trách cho Vĩnh. “Chỉ cần nắm rõ tính năng, cấu tạo của từng loại bom, mìn, đạn và thực hiện từng thao tác thật cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác là bảo đảm an toàn trong quá trình vô hiệu hóa chúng” - thượng úy Vĩnh đúc kết.
Tuy đã trực tiếp xử lý nhiều quả bom nặng hàng trăm ký, anh Hạnh bảo cũng toát mồ hôi với những quả bị gãy chốt chống tháo hay bị gỉ sét các đầu gioăng nên phải mất nhiều thời gian và công sức mới vô hiệu hóa được. Mới rồi, khi nhận được tin báo có 125 quả bom bi nằm sát mé sông ở khu vực Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, đội lên kế hoạch thu gom, xử lý. Hầu hết các quả bom đã ở tư thế chiến đấu, các cánh bom đã bung, có thể nổ bất cứ lúc nào. Chỉ sai một thao tác nhỏ như cầm lên xoay nhẹ là bom nổ. Nhưng nếu giữ nguyên, 125 quả bom sẽ là mối nguy rất lớn cho nhân dân… Cuối cùng, đội quyết định nâng niu từng quả vào hố tập kết rồi đổ hóa chất ăn mòn vào để làm “thối” bom. Nhưng khoảng một giờ sau khi ủ, hố bom rền tiếng. Do đã có biện pháp phòng ngừa nên tình huống ngoài ý muốn này cũng không gây hậu quả cho con người…
Là trung tâm vùng bốn chiến thuật của chế độ cũ, trong chiến tranh, Cần Thơ là một trong những địa bàn hứng chịu nhiều bom đạn trong cả nước. Ai đã đến Cần Thơ đều được nghe đến lộ Vòng Cung và những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Lâm Thao: Vòng Cung đi dễ khó về/ Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom. Hơn nữa, khi chở bom, đạn đi đánh phá các nơi không hết, lúc về, phi công địch trút hết xuống sông Hậu đoạn thuộc địa bàn Thốt Nốt, Ô Môn... 37 năm sau ngày thống nhất đất nước, tuy hàng trăm tấn bom, mìn, vật liệu nổ đã được thu gom và xử lý nhưng địa bàn thành phố vẫn được Bộ Tư lệnh Công binh xác định là một trong những địa điểm bom, đạn sót lại sau chiến tranh nhiều nhất nước…
Nhằm thực hiện tốt công tác thu gom, hạn chế hậu quả do bom, đạn sót lại trong chiến tranh gây ra, những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS TP Cần Thơ đã đầu tư mua sắm nhiều phương tiện, máy móc, trang thiết bị nhằm thực hiện tốt việc dò tìm, thu gom bom, đạn. Tuy chỉ mới bắt đầu thực hiện nhiệm vụ nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm từ năm 2006, nhưng lực lượng công binh Bộ CHQS TP Cần Thơ luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân và đã đạt được nhiều kết quả khả quan, mỗi năm thu gom 6 - 7 tấn bom, mìn, vật liệu nổ, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong khi thực hiện nhiệm vụ…
| |
Ngọc Giang - Tuấn Hoàng