Người ta biết nhiều đến bác sĩ Trương Thế Dũng khi anh được biểu dương và trở thành khách mời giao lưu trong chương trình điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên HTV9. Lúc nào anh và các cộng sự cũng bận rộn, nhưng vui. Giang tay với những thân phận kém may mắn, với anh vừa là công việc, vừa là cách trả ơn đời.
1. Núi Thành đầu năm 1970. Cô Tư y tá (Lê Thị Mai) nhận lời làm vợ thiếu tá phi công của Không lực Việt Nam Cộng hòa Trương Quốc Liễu. Cô sinh cho Liễu một đứa con trai kháu khỉnh, đặt tên Trương Thế Dũng. Bà Hai, ông Hai không cảm thấy hạnh phúc khi gặp đứa cháu ngoại 4 tuổi bởi cha nó, một phi công ngụy vừa tử trận. Trong lúc đó, cả gia đình ông bà đều dân cách mạng nòi. Các con của ông bà cũng dè bỉu, coi thường cô Tư y tá vì không ai làm “xấu mặt họ hàng như con Tư”.
Chịu đựng không thấu, cô Tư y tá bồng con ra Đà Nẵng, gặp lại người đồng nghiệp cách mạng cũ (khi ấy đã là bác sĩ) để nương nhờ. Hàng ngày, cô Tư y tá bồng bé Dũng đi làm, đến bệnh viện, cô gửi con cho các hộ lý, y tá khác chăm sóc giúp. Mỗi trưa, cô Tư tranh thủ cho con bú, quạt và tắm rửa để rồi đến chiều, mẹ con họ lại bồng bế nhau về xóm trọ ven sông Hàn, sống cuộc đời lay lắt!
| |
Sau ngày đất nước thống nhất, cái gì cũng thiếu thốn. Những hộp sữa tiêu chuẩn do bác sĩ Vũ, người đồng đội một thời, nhường cô Tư nuôi con quả rất quý giá. Song vợ bác sĩ Vũ lại khác, khi có tính ghen vô lối. Không ít lần cô Tư phải nuốt nước mắt nghe những lời xỉa xói từ Hiền, vợ bác sĩ Vũ, nhưng cô Tư nghĩ “thôi, cố gắng vì con”.
Nhưng Hiền vẫn không buông tha. Cô ta vạch ra một âm mưu để cách ly vĩnh viễn chồng mình và đối thủ nặng ký… Cô Tư y tá ngất xỉu, khi nghe đọc lệnh bắt tạm giam để điều tra về nguyên nhân cái chết của một sản phụ có thai sau khi chính tay cô tiêm ngừa. Tỉnh dậy, cô gần như điên loạn khi không thấy bé Dũng, con trai mình đâu nữa. Hiền đã đưa thẳng Dũng vào Cô nhi viện Đà Nẵng, lúc đó Dũng được 8 tuổi.
2. Nhiều lần đám bạn hỏi nhà mày ở đâu?, Dũng chỉ bảo nhà tao ở Núi Thành rồi thôi. Dũng cũng chẳng biết Núi Thành là nơi nào, chỉ nhớ láng máng qua lời mẹ kể chuyện. Nhưng không biết mẹ đang sống hay đã chết, ở nơi nào! Bởi các cớ sự đó, Dũng trở nên lầm lỳ, chỉ chuyên tâm làm các sản phẩm cô nhi viện giao. Đổi lại, Dũng học rất giỏi, chữ viết đẹp. Các sơ trong cô nhi viện thương Dũng, cũng nhờ cái nết chăm chỉ học hành và lầm lỳ ít nói, lại siêng năng, thấy việc gì cũng làm cũng hỏi.
Càng cam phận, khao khát hai tiếng gia đình càng cháy bỏng. Nhưng gia đình ở đâu, mẹ ở đâu, bà ngoại Hai Nương ở đâu? Chiều hôm ấy, những câu hỏi cứ xoáy vào đầu Dũng. Hai chân Dũng cứ bước lang thang, lang thang vô định đi dọc bờ biển, qua cầu Sông Hàn mải miết đến khi gặp nhóm ăn xin, bụi đời do Hiền “cá sấu” làm trùm. Đêm đó, Dũng ngủ trên sạp chợ Cồn. Cũng là lần đầu tiên, em được nếm món chè chuối bỏ dở của khách ăn thừa nhưng lại ngon nhất trong đời.
Ngày tháng cứ thế dần trôi. Có lần, bước vào quán phở quen thuộc, Dũng thấy một tô phở còn nóng ai đó bỏ lại phân nửa nên tranh thủ cầm húp. Không ngờ vị khách ấy chưa bỏ bát, chỉ đi ra sau rửa mặt. Quay lên, ông ta trợn tròn mắt! Nắm lỗ tai Dũng, ông co chân đá thật lực vào mạn sườn thằng bé. Chưa hả giận, người đàn ông ấy còn bồi thêm mấy bạt tai làm môi Dũng xịt máu.
3. Nhá nhem tối, Dũng ôm gương mặt bê bết máu và bẹ sườn như vỡ tung, lê từng bước chậm chạp, đi mải miết, dù chẳng biết đi đâu. Đến nửa đêm, cả bầu trời trong mắt Dũng xoay như chong chóng, Dũng ngã vật xuống cạnh một đường ray xe lửa rồi lả người… Trong cơn mơ, em thấy ai đó bế thốc mình lên, rồi xoa dầu, rồi đắp mền…
Trương Minh Tuấn, Công an xã Quế Phước (Quế Sơn, Quảng Nam), đang ra Đà Nẵng công tác. Thấy đứa bé xỉu bên đường ray, Tuấn đưa nó về nơi ở, lau người, rửa vết thương rồi ngồi đợi. Khi thằng nhỏ tỉnh lại, hỏi ra sự tình, Tuấn rơi nước mắt và mua cho Dũng tô phở. Hôm sau, anh đưa cu cậu về gởi cha mẹ mình. Hàng ngày, Dũng đi chăn trâu cho gia đình này. Đêm về, Dũng lại mượn sách của Tí (em anh Tuấn) học thêm.
Sáng dạ, cứ Tí học đến lớp nào, Dũng cũng học xong chương trình lớp đó dù chẳng được ai công nhận. Hiểu phận mồ côi, Dũng cũng không dám xin đi học, né tránh lũ bạn chăn trâu cùng làng và chỉ thủ thỉ với trâu. Cứ sáng ra đồng, Dũng đem theo mo cau cơm, tìm bóng mát học bài, cắt cỏ ngọt hay hái bông súng. Chiều về, cả ba cùng xuống sông Thu Bồn tắm. Một thằng nhỏ, một trâu, một nghé kết thành 3 người bạn…
Hết cấp 1, Dũng được cô giáo Phan Thị Trúc (cô giáo tình nguyện ở miền xuôi lên) thương tình, kèm cặp luôn đến xong cấp 2. Do thiếu học bạ nên dù giỏi, Dũng cũng chỉ được thi Trường Bổ túc Văn hóa Quế Sơn, rồi lại tốt nghiệp cấp 3, cũng nhờ cô Trúc chỉ bảo, dạy dỗ.
Thời điểm này, Dũng phải đạp xe vượt đèo Le tuần 2 lần xuống huyện. Để có thêm gạo, Dũng phải đi mót lúa, nhổ khoai, lặt đậu… Thi đại học, Dũng đậu đến 2 trường. Hình ảnh người lương y áo trắng của mẹ cứ quẩn quanh trong đầu, Dũng quyết định chọn ngành y. Vừa học, vừa làm thuê kiếm tiền nuôi chữ.
4. Một lần ngồi nói chuyện với người bạn học tên Trang, cũng quê Núi Thành, Quảng Nam, Dũng kể chuyện đời mình. Trang nghe, à lên một tiếng rõ to rồi nói: “Có thể tôi biết bà Hai Nương, Nguyễn Thị Nương bán tạp hóa. Gần nhà tôi mà…”.
Trang đưa Dũng về quê. Ngoại không thể nhận ra cháu, mà Dũng và dì ruột cũng chả làm sao nhận biết nhau. Duy chỉ có tấm hình Dũng trên bàn thờ, mách bảo rằng đây đúng là gia đình. Dũng òa lên khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt dồn nén bao nhiêu năm vỡ tung. Lần hồi tỉnh lại, Dũng mới rõ ngọn nguồn rằng mẹ bị tù oan, dì ruột và ngoại tưởng Dũng đã chết nên lập bàn thờ. Tra vặn nhau thêm những chi tiết riêng tư nhất, họ xác định đây chính là cốt nhục của nhau. Và Dũng càng hạnh phúc bội phần khi biết mẹ vẫn còn sống, sắp mãn hạn tù nhưng trí óc mất đi sự minh mẫn khá nhiều do ký ức buồn đau không chồng, mất con, bị hãm hại…
Ngày đón mẹ, Dũng cùng anh Tuấn công an lên tận Trại giam Tiên Lãnh chờ đợi từ sáng sớm. Nước mắt trùng phùng tuôn như suối! Chuyển hẳn vào TPHCM sinh sống, bác sĩ Trương Thế Dũng thành lập và làm Trưởng đoàn Y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin ở số 104, Bạch Đằng, quận Tân Bình, TPHCM, chuyên làm việc thiện nguyện. Họ xây dựng bếp ăn từ thiện Niềm Tin tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tặng tủ cá nhân và tổ chức văn nghệ phục vụ các cụ già ở Mái ấm Camillo, tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ giúp vui các cụ tại Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ.
Đoàn còn thành lập Chương trình “Quỹ học bổng Niềm Tin” giúp sinh viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đã trao 5 suất học bổng đầu tiên hỗ trợ 5 bạn sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM - mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng, cùng 10 suất quà tết giúp các sinh viên không có điều kiện về quê đón tết. Đoàn Y bác sĩ Tình nguyện Niềm Tin còn tổ chức thăm, giúp đỡ kiều bào Campuchia tại Phnôm Pênh…
Dương Minh Anh